Trả lời bạn đọc ngày 1-7

Cập nhật: 01-07-2017 | 09:51:46

  Hỏi: Mẹ tôi có 1 thửa đất tại thành phố Hải phòng, nhưng hiện mẹ tôi đang sinh sống tại Bình Dương. Nay mẹ tôi muốn cho người khác thuê đất nên muốn ủy quyền cho chú tôi ký hợp đồng cho người khác thuê đất thì có được không? Trường hợp mẹ tôi và chú tôi hiện đang sinh sống tại 2 nơi khác nhau nên không thể đến tổ chức hành nghề công chứng ký vào hợp đồng ủy quyền, vậy làm thế nào để mẹ tôi lập hợp đồng ủy quyền cho chú thực hiện việc cho thuê đất.

Lê Thị N. (TP.Thủ Dầu Một)

Trả lời:

Tại Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Do vậy, mẹ chị có thể ủy quyền cho người chú thực hiện ký kết hợp đồng thuê đất.

Trường hợp mẹ chị muốn ủy quyền cho một người chú thực hiện ký kết hợp đồng thuê đất nhưng hiện mẹ chị và người chú đang sinh sống tại hai tỉnh thành khác nhau thì mẹ chị có thể lập hợp đồng ủy quyền và liên hệ tại tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương nơi mẹ chị cư trú để công chứng vào hợp đồng ủy quyền, sau đó gửi văn bản đã công chứng về cho người chú tại Hải Phòng để thực hiện tiếp thủ tục công chứng vào hợp đồng ủy quyền gốc đã được công chứng tại Bình Dương (Tại Khoản 2, Điều 55 Luật Công chứng 2014).

Hỏi: Tôi có một khoản tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Sacombank Dĩ An. Do hiện nay tôi đang điều trị nội trú tại Bệnh viện TX.Dĩ An nên tôi không thể tới ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Nay tôi muốn nhờ vợ tôi đi rút tiền tại ngân hàng được không?

Nguyễn Văn B. (TX.Dĩ An)

Trả lời:

Theo Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Tại Điều 18 của Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm:

“1. Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định các yếu tố cần thiết của giấy ủy quyền để bảo đảm lợi ích của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Sau khi kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy ủy quyền, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm căn cứ vào nội dung ủy quyền để thực hiện việc chi trả tiền gửi tiết kiệm”.

Do đó trong trường hợp ông không thể đến ngân hàng để rút tiền tiết kiệm của mình được thì ông có thể lập văn bản ủy quyền cho vợ ông được thay mặt ông đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền tiết kiệm. Về thủ tục ủy quyền ông liên hệ tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã để được hướng dẫn cụ thể.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=512
Quay lên trên