Hỏi: Đầu năm 2017, khi đăng ký khai sinh, vợ chồng anh T. đặt tên cho con là Nguyễn Được. Khi con được 6 tháng tuổi, vợ chồng anh T. cho con về quê nội thăm ông bà, họ hàng. Tuy nhiên, khi nghe tên của cháu, thì thấy trùng tên của ông cố (ông nội của anh T.) nên cha của anh T. yêu cầu phải đổi tên cho cháu, vì khi nghe tên này, những người lớn tuổi trong dòng họ đã trách mắng vợ chồng anh vì đặt tên trùng với ông cố. Trong trường hợp này, vợ chồng anh T. có thể thay đổi tên cho con được không?
Trả lời:
- Tại Điều 28, BLDS quy định:
“Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
+ Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
....
Việc thay đổi tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó”.
- Tại Điều 28, Luật Hộ tịch quy định: Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch…
Căn cứ vào quy định trên, thì vợ chồng anh T. có quyền được thay đổi tên cho con (hiện cháu dưới 9 tuổi) theo quy định của BLDS nhưng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật hộ tịch như:
Khi làm thủ tục thay đổi họ, tên cho cháu Nguyễn Được, vợ chồng anh T. nộp các giấy tờ sau: Tờ khai, các giấy tờ liên quan làm căn cứ thay đổi tên (biên bản xác minh/văn bản xác nhận của UBND cấp xã về việc đặt tên là gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình...) cho cơ quan đăng ký hộ tịch; xuất trình các giấy tờ chứng minh về nhân thân, nơi cư trú (trong giai đoạn chuyển tiếp).
Hỏi : Một buổi sáng chị M. đi tập thể dục tại công viên phường K. thì phát hiện một chiếc giỏ đặt ngay ghế đá. Chị tò mò mở giỏ ra coi thì thấy bên trong có 1 bé trai sơ sinh và có mấy bộ đồ trẻ sơ sinh, ngoài ra, không có giấy tờ gì khác. Thấy vậy, chị liền đưa cháu bé về nhà mình tại phường X., sau đó, trình báo cho UBND phường X. về việc này. Trong trường hợp này, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc UBND phường X. (nơi thường trú của chị M.) hay phường K (nơi phát hiện cháu bé)?
Trả lời:
Tại Điều 14, Nghị định số 123/2015/NĐ- CP quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi như sau:
“Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.
Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch UBND cấp xã hoặc trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.
Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; đặc điểm nhận dạng như giới tính, thể trạng, tình trạng sức khỏe; tài sản hoặc đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của người phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Biên bản phải được người lập, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi, người làm chứng (nếu có) ký tên và đóng dấu xác nhận của cơ quan lập.
Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại cơ quan lập, một bản giao cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
Sau khi lập biên bản theo quy định trên, UBND cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.
Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em…”
Căn cứ quy định trên, thì thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ bỏ rơi là UBND phường K. - nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Luật Hộ tịch.
SỞ TƯ PHÁP