Hỏi: Tôi làm việc ở một công ty tại TX.Thuận An được 3 năm, đã có hợp đồng lao động không thời hạn. Tôi làm ở xưởng A, em gái tôi làm ở xưởng B cùng công ty. Ngày 15-8-2017 em gái tôi bị đau dạ dày, phải đi khám bệnh nên nhờ tôi sang xưởng B để xin nghỉ phép hộ; khi tôi sang gặp chị quản lý phân xưởng B để xin nghỉ phép cho em gái, chị quản lý phân xưởng B không đồng ý nên tôi và chị ấy đã tranh cãi với nhau. Ngày hôm sau khi tôi đi làm thì văn phòng công ty gọi tôi lên yêu cầu tôi ký vào tờ giấy phạt, phạt tôi 800.000 đồng, tôi không đồng ý ký. Buổi chiều cùng ngày, giám đốc sản xuất gọi tôi lên văn phòng yêu cầu làm bản tường trình và tờ giấy phạt, phạt tôi 800.000 đồng. Tôi đồng ý làm bản tường trình và không chấp nhận ký tờ giấy phạt. Ngày 17-8-2017 khi đến công ty thì bảo vệ không cho tôi vào công ty, nói rằng tôi bị sa thải. Tôi muốn hỏi: Việc công ty sa thải tôi có đúng quy định của pháp luật không? Tôi có quyền khởi kiện công ty không?
CHỊ N.T.H. (TX.Thuận An)
Trả lời: Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Lao động 2012 quy định khi người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động; phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật; việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.
Theo chị H. trình bày là công ty nơi chị làm việc đã đột ngột sa thải chị khi chưa tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động và cũng không có quyết định sa thải gửi cho chị thì căn cứ quy định nêu trên, công ty đã sa thải chị H. không đúng trình tự theo quy định pháp luật.
Như vậy, chị H. có quyền khởi kiện công ty về việc công ty đã sa thải chị trái pháp luật tại Tòa án nhân dân TX.Thuận An theo quy định tại Điều 32, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Hỏi: Tôi làm việc cho Công ty X tại phường Tân Định, TX.Bến Cát được 7 năm. Công việc của tôi là phụ trách tổ máy, lương theo hợp đồng là 4.900.000 đồng/ tháng. Tháng 6-2017 công ty tuyển thêm 1 người vào tổ máy, công ty trừ lương mỗi người 800.000 đồng để trả lương cho người mới được tuyển vào. Tôi không đồng ý thì bị công ty ra quyết định cho thôi việc. Hỏi nếu tôi kiện công ty thì tôi được bồi thường những khoản tiền nào?
ANH N.V.T. (TX.Bến Cát)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 35 về sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động của Bộ luật Lao động 2012, nếu Công ty X muốn giảm lương của người lao động thì cần phải thông báo cho người lao động trước ít nhất 3 ngày để hai bên tiến hành thỏa thuận sửa đổi lại hợp đồng lao động, nếu không thỏa thuận được thì phải tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết. Do vậy việc công ty tự ý giảm lương của người lao động là trái quy định pháp luật; việc Công ty X cho thôi việc anh T. vì lý do anh T. không đồng ý giảm lương là trái với quy định của pháp luật về lao động được quy định tại Điều 123, Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2012 và anh T. có quyền khởi kiện Công ty X tại Tòa án nhân dân TX.Bến Cát theo quy định tại Điều 32, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ Điều 42 Bộ luật Lao động 2012, anh T. có quyền yêu cầu Công ty X nhận anh T. trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; trường hợp anh T. không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, Công ty X phải trả trợ cấp thôi việc cho anh T.
Trường hợp Công ty X không muốn nhận lại anh T. vào làm việc và anh T. đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà anh T. vẫn muốn làm việc thì hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho anh T. một khoản tiền tương ứng với tiền lương của anh T. trong những ngày không báo trước.
SỞ TƯ PHÁP