Hỏi: Trước đây tôi có tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia và bị thương, kết quả giám định là suy giảm khả năng lao động 39%, được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh”. Tôi muốn hỏi mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với thương binh hiện nay là bao nhiêu? Trường hợp như tôi được hưởng trợ cấp là bao nhiêu?
N.V.L (TX.Tân Uyên)
Trả lời: Về mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng:
Theo Điều 1 và Điều 3 Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 6-6-2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25-7-2017) quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công cách mạng như sau:
- Mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định này là 1.417.000 đồng.
- Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng bao gồm:
+ Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng;
+ Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
+ Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.
Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại nghị định này được thực hiện từ ngày 1-7-2017.
Trường hợp ông là thương binh bị suy giảm khả năng lao động 39% thì ông sẽ được hưởng mức trợ cấp hàng tháng là 1.773.000 đồng.
Hỏi: Tôi là thương binh loại 32%, thương tật hạng 4/4, chấn thương cột sống L3, 4, 5 gây thoát vị vùng đĩa đệm. Nay vết thương của tôi tái phát, biến chứng dẫn đến hai chân bị đau nhức dữ dội, đi lại khó khăn, nhiều lúc dần mất cảm giác ở hai chân. Theo kết quả khám bệnh mới nhất của tôi tại Bệnh viện Mỹ Phước, bác sĩ ghi “Đề nghị nhập viện phẫu thuật”, nếu trong vòng 3 tháng mà không phẫu thuật thì sẽ dẫn đến biến chứng, không lường được hậu quả và có khả năng bị liệt cả hai chân. Vì vậy, tôi muốn giám định lại thương tật để được hưởng mức trợ cấp hàng tháng cao hơn có được không?
P.V.Đ (huyện Dầu Tiếng)
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, quy định:
“Thương binh đã giám định có vết thương sau đây tái phát thì được giám định lại:
a) Vết thương sọ não bị khuyết xương sọ hoặc còn mảnh kim khí trong sọ gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt;
b) Vết thương thấu phổi gây biến chứng dày dính màng phổi hoặc xẹp phổi dẫn đến phải cắt phổi hoặc thùy phổi;
c) Vết thương ở tim dẫn đến phải phẫu thuật;
d) Vết thương ổ bụng: Dạ dày hoặc ruột gây biến chứng ở dạ dày hoặc dính tắc ruột phải phẫu thuật;
đ) Vết thương ở gan; mật, lách; tụy hoặc thận gây biến chứng phải phẫu thuật;
e) Vết thương ở cột sống biến chứng gây liệt hoặc rối loạn cơ tròn đại tiểu tiện không tự chủ;
g) Các vết thương ở tay hoặc ở chân tái phát phải phẫu thuật cắt đoạn chi;
h) Vết thương ở mắt tái phát dẫn đến mù mắt; vết thương ở tai gây mất hoàn toàn sức nghe hai tai”.
Như vậy, trường hợp vết thương cột sống của ông bị tái phát, biến chứng gây mất cảm giác ở hai chân thì ông có thể làm đơn đề nghị giám định lại thương tật kèm theo bản sao bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện cấp huyện trở lên, trường hợp phẫu thuật phải có phiếu phẫu thuật của bệnh viện cấp huyện trở lên gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương để được xem xét giải quyết.
SỞ TƯ PHÁP