Trại giam An Phước: Nơi cảm hóa, giúp phạm nhân làm lại cuộc đời

Cập nhật: 01-08-2018 | 22:40:17

Trại giam An Phước thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) - Bộ Công an, trú đóng trên địa bàn xã An Thái, huyện Phú Giáo. Trại giam An Phước hiện có 4 phân trại trực thuộc với hơn 3.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt. Với trách nhiệm của mình, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Trại giam An Phước đã làm tốt công tác giáo dục, cảm hóa người phạm tội để họ trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Trưởng thành từ trong trại giam

Anh Lê Văn Hà, một người từng có thời gian chấp hành án tại Trại giam An Phước. Cách đây 6 năm, chàng trai trẻ này là một phạm nhân phạm tội mua bán, tàng trữ ma túy và bị phạt 8 năm 6 tháng tù giam. Anh Hà cho biết ngày anh nhận bản án của pháp luật cho hành vi của mình, anh coi như cuộc đời của mình đã đóng chặt cửa từ đây, bởi suy nghĩ về những ngày trong tù cũng như sự ruồng rẫy của cuộc đời ngày trở về… Theo anh, bản án 8 năm 6 tháng tù lúc ấy đối với anh dù dài, nhưng vẫn không bằng cuộc đời còn lại ở phía trước.


Anh Lê Văn Hà, một người từng là phạm nhân cải tạo tại Trại giam An Phước phát biểu tại Hội nghị gia đình phạm nhân lần thứ VIII, do Trại giam An Phước tổ chức với tư cách là một doanh nhân thành đạt

Những ngày đầu tiên anh có tư tưởng bất cần đời, chống đối, không muốn cải tạo để sớm trở về làm lại cuộc đời. Thế nhưng, điều làm anh mãi khắc ghi trong những ngày cải tạo ở trại đó là tình cảm của cán bộ quản giáo ở đây. “Sau đó tôi xác định rõ phải quyết tâm cải tạo và chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, nội quy của trại giam bằng việc tích cực phấn đấu trong lao động. Tôi luôn nhận được sự động viên từ cán bộ quản giáo. Chính những tình cảm đó đã động viên tôi cố gắng cải tạo tốt. Không những vậy, nhiều lần tôi còn được Ban giám thị khen thưởng và đề nghị cho tôi được giảm án, tha tù trước thời hạn. Đặc biệt là trong khoảng thời gian gần hết án, tôi được Ban giám thị, Hội đồng cán bộ cho đi học các lớp giáo dục công dân, tái hòa nhập cộng đồng, học nghề, học các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp….”.

Anh Hà nhớ lại sau khi hết án trở về với xã hội, lúc đầu anh rất bở ngỡ và gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng. Nhưng nhớ lại những tình cảm, những lời khuyên bảo, động viên của các cán bộ trại giam, anh đã cố gắng vượt qua những mặc cảm của xã hội, người thân để học hỏi, phấn đấu trong công việc. Anh Hà hóm hỉnh nói: “Đạt được kết quả như ngày hôm nay, chắc tôi phải cảm ơn cả sự bồng bột của thời tuổi trẻ của mình, những ngày là phạm nhân đã cho tôi bài học làm người từ chính tình người của những anh cán bộ, chiến sĩ công an Trại giam An Phước. Đúng là đời chẳng lấy hết của ai bất cứ thứ gì nếu mỗi người chúng ta biết nỗ lực vươn lên”.

Chị Trần Thị Hương, thân nhân một phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam An Phước, cho biết con chị thực hiện bản án 9 năm tù giam. Đến nay, con chị đã thực hiện cải tạo hơn 3 năm. Mỗi lần vào thăm con, dù buồn vì con phải tù tội, nhưng chị rất vui vì con chị đã trưởng thành rất nhiều trong suy nghĩ, hành động.

Trở thành người tốt, có ích cho xã hội

Phạm nhân Nguyễn Hồng Quân hiện đang chấp hành án tại trại, cho biết: “Cũng như những phạm nhân khi chấp hành án thường có tâm lý không ổn định, chán nản, buông xuôi, chống phá. Tuy nhiên, khi vào chấp hành án tù tại Trại giam An Phước, nhờ sự kiên trì và lòng bao dung, nhân ái và tình người của Ban giám thị và Hội đồng cán bộ trại giam đã dần cảm hóa chúng tôi, làm thay đổi nhận thức, ý thức và trách nhiệm của bản thân trong thời gian chấp hành án; giữa chúng tôi với những “người thầy đặc biệt” ở trại không còn khoảng cách, mà gần gũi như những người anh, người bạn để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn”.

Theo anh Quân, Ban giám thị và Hội đồng cán bộ trại giam rất tận tình giáo dục đối với phạm nhân, quan tâm, động viên chia sẻ kịp thời đối với những phạm nhân ốm đau, bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nhưng cũng rất cương quyết xử lý nghiêm những phạm nhân ngoan cố, có ý thức kỷ luật kém, không chịu rèn luyện. Cán bộ trại còn kịp thời biểu dương, khen thưởng những phạm nhân có thành tích trong lao động, học tập, cải tạo. Chính vì vậy đã khơi dậy niềm tin trong những người như anh và nhiều phạm nhân khác về một ngày về tươi sáng, giúp họ vững tin để làm lại cuộc đời của mình. Từ ngôi trường này, nhiều phạm nhân sau khi hết án đã trở thành những người thành đạt trong xã hội.

Thượng tá Phùng Văn Tuyến, Giám thị Trại giam An Phước, Tổng cục VIII, Bộ Công an, cho biết: “Phương châm xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ của Trại giam An Phước trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân là lấy tình thương của con người để cảm hóa những người phạm tội, đánh thức tính thiện mỗi phạm nhân. Chúng tôi luôn quan niệm phạm nhân của trại chẳng qua chỉ vì phút giây bồng bột, thiếu suy nghĩ mà phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tâm lý chung của nhiều người khi bị sự trừng phạt của pháp luật thường tỏ ra chán nản, bi quan, mất phương hướng, mất niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Họ nghĩ rằng khi vào trại cải tạo thì cánh cửa cuộc đời bị đóng sập, tương lai phía trước đã mịt mù, không lối thoát. Do vậy, trong công tác cảm hóa, giáo dục, chúng tôi luôn lấy tình người để đối xử với các phạm nhân. Cho dù có những phạm nhân có thái độ chống đối, nhưng với chúng tôi việc cảm hóa, giáo dục họ trở thành người tốt, người có ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội, đó là nhiệm vụ cao cả của những người làm công tác quản giáo, cải tạo như chúng tôi”.

Từ tháng 7-2017 đến tháng 6-2018, Trại giam An Phước đã trả về cho gia đình và xã hội 996 phạm nhân; trong đó đề nghị giảm hết thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại cho 143 phạm nhân; tha hết hạn tù cho 853 phạm nhân; đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù từ chung thân xuống 30 năm cho 4 phạm nhân; giảm từ 1 tháng đến 3 năm cho hơn 2.200 lượt phạm nhân; xét đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 103 phạm nhân. Nhiều phạm nhân đã tích cực phấn đấu cải tạo tốt, phối hợp cùng cán bộ trại làm tốt công tác cải tạo phạm nhân vi phạm. Đến nay ở trại không còn nạn “đầu gấu, anh chị”, không có hành vi phạm nhân ức hiếp lẫn nhau; có trên 96% phạm nhân xếp loại cải tạo đạt từ trung bình trở lên.

HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên