Trong căn phòng dưỡng lão khá im ắng, không một tiếng động, chiến sĩ nhí Hoàng Minh Khôi thốt lên “cuộc sống người già cô đơn và buồn thế ư. Từ nay em sẽ luôn yêu thương, quan tâm đến ông bà cha mẹ và những người lớn xung quanh mình”. Lời thảng thốt như dấu lặng vô hình làm xóa tan không gian lặng lẽ, gợi lên biết bao suy tư của những cậu ấm, cô chiêu.
Đó là cảm nhận đúc kết được của các bạn trẻ tham gia chương trình trải nghiệm học làm người... già. Các nội dung này được cụ thể hóa trong chương trình “Học làm người có ích” do Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh tổ chức. Đối với mỗi người, từ khi sinh ra và lớn lên, ai cũng luôn nhận được tình yêu thương vô bờ bến của ông bà, cha mẹ nhưng mấy ai thấu hiểu được những người lớn tuổi, đồng cảm được nỗi cô đơn và sự tủi thân của người già. Đôi lúc họ chơi vơi tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần, mong ngóng tin con cháu về thăm. Song sự vô tâm của những người con, người cháu rất dễ làm cho người già càng trở nên cô độc.
Để viết lại những dòng ghi chép của “đồng đội” trong tình trạng bị bịt tai và nghe lời kể thật không dễ chút nào
Để hiểu được cuộc sống, sự vận động khó khăn của người già, mỗi chiến sĩ nhí tham gia chương trình được thử mang trên mình những túi cát có trọng lượng khác nhau, tùy theo sức của từng người. Sức nặng của những túi cát thể hiện những gánh nặng trong tâm hồn của những ông bà cụ không chỉ khó khăn trong đi lại mà còn mắc các chứng bệnh của người già như lãng tai, mắt mờ, chân liệt, suốt ngày có khi chỉ đối diện với bốn bức tường lặng thinh.
Tại khu vực dành cho những cụ ông, cụ bà lãng tai, một số chiến sĩ nhí tai nhét bông, nhập vai người già cố lắng nghe những âm thanh mà hàng ngày các em vẫn dễ dàng tiếp nhận được. Một số chiến sĩ khác bị bịt mắt, lúi húi cố gắng ghi chép thông tin của các thành viên trong nhóm nhưng phải làm sao đây? Thế mới biết “làm người già khó thật” - chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh Tuấn thốt lên. Anh Tuấn nói thêm: “Em đã không ít lần có những lời nói khiếm nhã với người già. Lễ phép với ông bà cha mẹ, sống có tình nghĩa là bài học mà em rút ra từ khóa học. Và từ nay em sẽ không làm cha mẹ phải buồn lòng nữa”.
Thử làm “người mù” cũng không hề đơn giản, các chiến sĩ lọ mọ nhặt hạt đậu, phân loại các hạt có màu xanh, đen khác nhau. Nhiều bạn tập trung cao độ, gắng sức lựa hạt đậu bé tí nhưng dường như cảm quan của các chiến sĩ không thể chinh phục được thử thách này. Phần xỏ kim, thêu vải cũng không kém phần thách thức, lôi cuốn các chiến sĩ nhí. Chiến sĩ nhí Võ Thị Mai Trang chia sẻ: “Nhờ lớp học này em biết được cách ứng xử với người lớn đặc biệt là với ông bà, cha mẹ. Em đóng vai bà già bị liệt hai chân là mong muốn hiểu hơn về thế giới người già để cảm thông, chia sẻ với ông bà, cha mẹ - những người sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta lớn khôn”.
Một số bạn lại đóng vai người già trong khu vực dưỡng lão, các bạn ngồi im không một tiếng động, trầm ngâm uống từng ngụm nước. Chen lẫn vào những cử chỉ hành động ấy còn có cả những tiếng thở dài ngao ngán của các bạn. Và trong không gian tĩnh mịch ấy, các bạn trẻ vốn hiếu động với vẻ mặt bứt rứt như lời cầu khẩn cần thay đổi không gian.
Trao đổi về ý tưởng xây dựng chương trình Học làm người già, anh Đặng Xuân Văn, Giám đốc Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh, cho biết dựa trên phương pháp hóa thân, nhập vai, các chiến sĩ nhí sẽ trở thành những người già đúng theo ý nghĩa của nó. Qua sự trải nghiệm thực tế, các em thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người già để từ đó thay đổi cách nhìn, cảm thông chia sẻ và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
Chương trình “Học làm người có ích” gồm 9 chuyên đề và 30 kỹ năng thực hành xã hội. Mỗi kỹ năng là một bài học có ý nghĩa thiết thực nhằm rèn luyện các em học sinh trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Anh Văn, cho biết thêm hiện nay với hiệu ứng lan tỏa của chương trình, một số doanh nghiệp có nhu cầu mời ê kíp đến các khu công nghiệp, chế xuất để phổ biến chuyên đề giao tiếp, kỹ năng và tác phong công nghiệp của công nhân. Trong giai đoạn đầu, ngoài đối tượng là thanh thiếu niên, chương trình sẽ ưu tiên thực hiện trong cán bộ Đoàn - Hội - Đội.
KIM HÀ