“Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp truyền thống trong đời sống của người Việt Nam, đã có từ lâu, được bảo tồn, phát triển cho đến ngày nay và mãi mãi sau này. Lẽ thường, ở đâu giàu tinh thần hiếu học thì ở đó truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được đề cao, đó là cái gốc của sự học. Bao thế hệ thầy cô giáo của Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề và hết lòng vì sự nghiệp trồng người cho quê hương...
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Thời nào cũng thế, tấm lòng của các thầy cô giáo vẫn luôn là những ngọn đuốc sáng ngời soi rọi và dẫn đường cho biết bao thế hệ về tri thức, nhân cách, về đạo đức và niềm tin... Ai cũng biết, nếu trường học, với chức năng là thiết chế văn hóa đặc biệt, là nơi trồng người, thì người thầy giáo như những chuyên gia ươm trồng hạt giống. Từ những mái trường, các thế hệ học trò lớn dần lên về thể chất và tinh thần, về kiến thức khoa học và phẩm chất đạo đức, về ước mơ lý tưởng và đạo làm người. Tất cả những ai đã trải qua thời học trò đều biết về sự cống hiến thầm lặng của người thầy giáo, cô giáo bằng quá trình lao động miệt mài nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Bằng tất cả tình thương yêu, bằng trái tim nhân ái của mình, các thầy cô vẫn mãi là những người đưa đò thầm lặng tiếp tục đưa đường, dẫn lối cho các thế hệ học trò của mình đến với bến bờ tri thức.
Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn là nét đẹp cao quý của dân tộc Việt Nam
Cô Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường THPT An Mỹ (TX.TDM) tâm sự: “Thời mình đi học, hình ảnh người thầy luôn để lại trong tâm khảm những ấn tượng vô cùng đẹp. Lớn lên, tôi đã không ngần ngại mà chọn nghề giáo. Những năm tôi vào nghề là những năm đất nước mới vừa thống nhất, bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn bày ra trước mắt, nhất là đối với những người làm nghề giáo. Tôi mang ba lô tình nguyện đi Bình Long, Bình Phước nhận công tác mà không biết rồi mình sẽ sống thế nào. Vậy mà những năm tháng ấy, đã để lại biết bao tình cảm thầy trò cao đẹp, thân thương cùng những kỷ niệm đầy ắp nước mắt... Tất cả bồi đắp trong tôi tình yêu nghề không gì thay thế được. Hơn 30 năm qua, tôi đã đi qua rất nhiều ngôi trường, từ người giáo viên đứng lớp cho đến người quản lý... bao giờ tôi cũng tự nhủ mình hãy cố gắng vượt qua mọi trở ngại để làm tốt nhất công việc được giao, để tạo nên một môi trường giáo dục hiệu quả cao. Trong quá trình hơn 30 năm ấy, tôi nghiệm từ bản thân mình, điều quan trọng nhất của người thầy là phải có cái tâm trong sáng, cụ Nguyễn Du đã từng nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Giờ đây, tôi mong các thầy cô giáo trẻ hôm nay hãy đến với nghề và làm việc bằng cái tâm trong sáng của mình, hãy gieo vào tâm hồn học trò không chỉ có tri thức mà còn có tình người để giúp các em vững vàng hơn ở những chặng đường phía trước...”.
Cô giáo Phạm Thị Ẩn, giáo viên trường tiểu học Chánh Phú Hòa (Bến Cát) cũng xúc động tâm sự: “Tôi có một thói quen không thể thay đổi là, mỗi buổi sáng thức dậy, dù trời nắng hay mưa, thứ bảy hay chủ nhật, việc đầu tiên là đến trường. Bao giờ trong tâm hồn tôi, trong suy nghĩ của tôi cũng có bóng dáng ngôi trường. Tôi xem trường tiểu học Chánh Phú Hòa là mái nhà thứ hai của mình. Tôi có quan niệm rằng, nếu ta yêu nghề, yêu ngôi trường mình đang công tác, biết khơi dậy và tạo dựng một tập thể giáo viên nhiệt tâm và đoàn kết, biết lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi người... thì mọi việc dù khó đến đâu cũng đều giải quyết được và đem lại kết quả mỹ mãn. Chính vì thế tôi thường nói với bạn bè, đồng nghiệp và cũng nói với chính mình rằng: Tình là từ tâm mà ra, tâm sáng thì tình sáng. Nếu ta có cái tâm trong sáng thì ta mới có được cái tình thương yêu dành cho học trò của mình, mới có thể gieo vào tâm hồn các em những điều cao đẹp. Tôi nghĩ rằng, việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ tạo nên một môi trường học tập đầy thân thiện, cởi mở giữa thầy và trò; kích thích, tạo điều kiện để học sinh phát huy khả năng tiếp cận và trau dồi tri thức...
Ươm mầm cho những ước mơ
Những người thầy giáo, cô giáo hôm qua và hôm nay, họ ở những thế hệ khác nhau nhưng đều có chung chí hướng, phẩm chất và nhân cách. Đó là, mong muốn “gieo trồng” những hạt mầm thật tốt cho tương lai. Mỗi ngày một chút, mỗi người một chút, các thầy cô đang vun đắp, chăm chút, dạy dỗ cho học trò của mình từng lời hay, ý đẹp, từng cử chỉ, dáng đi, những kiến thức bổ ích đến nhân cách làm người...
Cô Phạm Thị Hồng Nga, giáo viên trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TX.TDM) nhận định: “Tôi nghĩ rằng, ở đời có rất nhiều nghề nhưng có lẽ chỉ có hai nghề mà người ta tôn lên bậc thiên chức. Đó là thiên chức làm mẹ và thiên chức nhà giáo. Thật cao quý thay những con người sống quên mình, sống thầm lặng hy sinh cho lớp trẻ mai sau vươn lên kế tục sự nghiệp của cha ông”.
Cô Chung Thị Hạnh, giáo viên trường tiểu học Phú Long (TX.Thuận An) bồi hồi tâm sự: “Nghề giáo là nghề mà tôi mơ ước từ khi còn tấm bé. Trải qua nhiều năm giảng dạy, tôi cũng như các thầy cô giáo ở đây, bằng tất cả tinh thần trách nhiệm với tình yêu thương học sinh đã cố gắng đem hết khả năng của mình, tri thức mình có được để truyền đạt lại cho các em. Ai cũng canh cánh niềm mong ước cháy bỏng là làm sao để các em có đủ trình độ và năng lực sau này trở thành những người có ích cho xã hội. Tôi luôn quan niệm, đã là giáo viên thì phải có tâm với nghề, đến lớp thì phải dạy bằng cả trái tim. Ngày nay, nhiều giáo viên sớm hài lòng với bản thân mình vì cứ nghĩ có tấm bằng đại học là được rồi. Nhưng bằng cấp chỉ là một phần, muốn là một giáo viên giỏi thì phải trải qua cả một quá trình. Ngần ấy năm tiếp xúc với biết bao thế hệ học trò, tôi yêu mến các em và các em cũng đã dành cho tôi những tình cảm tốt đẹp. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao!”.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nhà giáo ưu tú, giáo viên trường mầm non Võ Thị Sáu, TX.Dĩ An kể: “Khi tôi được phân công về Dĩ An công tác mới thấy rằng, lựa chọn nghề nghiệp của mình tuy có vất vả nhưng thật vui. Khi tiếp xúc với các cháu, nhìn thấy các cháu vui chơi, tinh nghịch, tập đánh vần những con chữ đầu đời, tâm hồn những người nuôi dạy trẻ chúng tôi như trẻ lại, thấy yêu đời hơn và quên đi mọi ưu phiền của đời thường. Từ tâm trạng ấy mà theo năm tháng, tạo cho mình sự tâm huyết và trách nhiệm với nghề, với trẻ thơ thân yêu. Mỗi sớm mai thức dậy, những người nuôi dạy trẻ như chúng tôi lòng lại dào dạt niềm vui, hạnh phúc khi dang tay đón các cháu đến trường”.
Bà Phạm Thị Tiền, Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bến Cát cho biết: “Phải thừa nhận rằng, với tinh thần “Tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc ta, các tầng lớp nhân dân đã cho chúng tôi những niềm an ủi và những xúc cảm vô bờ. Đó là những tình cảm quý báu ràng buộc chúng tôi, là lý tưởng để chúng tôi cống hiến toàn bộ tri thức của mình cho sự nghiệp giáo dục. Dù nghề giáo ngày nay còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người thầy giáo không chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ, mà còn phải sống có lý tưởng và bản lĩnh mới có thể vững vàng bám trụ trường lớp. Dù đâu đó vẫn còn những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng trên thực tế cũng không ít những người thầy vẫn ngày đêm miệt mài thầm lặng, bằng nhân cách và tài năng, gieo hạt và ươm mầm cho những ước mơ, hoài bão thật đẹp đẽ cho đồng nghiệp và học trò của mình”.
NGỌC THANH