Là huyện nông nghiệp, Phú Giáo có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, tiêu, cùng với đó là các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mì, cây ăn trái, cây rau màu... với tổng diện tích hơn 39.000 ha. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những vấn đề nan giải trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên cây trồng có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến người nông dân. Chính vì thế, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện luôn đề cao cảnh giác, tích cực, chủ động trong công tác phòng và chống bệnh trên cây trồng nhằm tạo tâm lý ổn định, sự an tâm cho người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện công tác BTVT tốt giúp phòng ngừa bệnh gây hại và nâng cao năng suất vườn cây ở Phú Giáo. Trong ảnh: Công nhân cạo mủ cao su ở Nông trường Tân Hưng, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa
Tính đến nay, chỉ riêng diện tích cao su trên địa bàn huyện là hơn 35.240 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm hơn 28.400 ha, đa phần là cao su tiểu điền với hơn 21.000 ha. Diện tích cây ăn trái hơn 500 ha, cây tiêu hơn 285 ha, cây điều hơn 525 ha. Đây là một lợi thế góp phần đưa nền kinh tế của Phú Giáo ngày càng đi lên. Tuy nhiên, vấn đề phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng đặt ra một nhiệm vụ hết sức quan trọng cho công tác BVTV.
Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng trạm BVTV huyện Phú Giáo, cho biết: “Thời gian qua, mặc dù trên cây cao su tình hình bệnh Corynespora đã được khống chế và có chiều hướng giảm, nhưng trên các loại cây trồng khác nguy cơ về dịch hại vẫn luôn tiềm ẩn và đe dọa đến năng suất cây trồng của người nông dân. Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, ngay từ đầu năm Trạm BVTV xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt điều tra, khảo sát tình hình diễn biến của dịch bệnh trên cây trồng, qua đó nhằm triển khai các giải pháp cùng với người nông dân chung tay đối phó, kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”. Theo đó, hàng tháng, hàng quý, Trạm BVTV huyện ra thông báo về tình hình dịch bệnh trên cây trồng, nhất là cây cao su đến các xã, thị trấn; phối hợp với Đài truyền thanh huyện tổ chức các buổi phát thanh tuyên truyền trên sóng phát thanh đài huyện và các xã, thị trấn về tình hình dịch bệnh trên cây trồng để người nông dân chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình bệnh hại trên cây trồng để chủ động có phương án phun xịt đúng thời điểm.
Cùng với công tác tuyên truyền trên sóng phát thanh của đài huyện và các xã, thị trấn; Trạm BVTV huyện còn phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm về các biện pháp, phương pháp quản lý dịch hại trên cây trồng, nhất là cây cao su. Qua đó nhằm trao đổi, giải đáp và hướng dẫn cho nông dân các kỹ thuật về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, đặc biệt là những vườn cây đang thời kỳ khai thác, cho thu hoạch; chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, các buổi hội thảo về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch hại trên cây trồng; chủ động tổ chức các đợt điều tra, khảo sát tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng của người nông dân trên địa bàn huyện.
Nhờ sự tích cực chủ động của Trạm BVTV huyện cùng với tinh thần hợp tác của người nông dân, trong năm qua tình hình dịch bệnh trên cây trồng, nhất là trên cây cao su tiểu điền đã được kiểm soát, khống chế và giảm mạnh so với năm 2014. Riêng bệnh phấn trắng trên cây cao su giảm 11.300 ha, chỉ còn 1.376 ha. Bệnh đốm phấn, rầy, chết cây, bọ trĩ trên cây rau màu khoảng 6 ha, không tăng so với năm 2014. Cây cao su bị nhiễm các loại bệnh là 2.244 ha, giảm hơn 11.000 ha. Cây điều có 41 ha bị bệnh thán thư, bọ xít muỗi, sâu đục ngọn, giảm 28 ha và mức độ gây hại chiếm tỷ lệ 10%. Cây tiêu có 25 ha bị nhiễm các loại bệnh như vàng lá, chết nhanh, chết chậm, với mức độ gây hại từ 2 - 5%. Cây ăn trái có 14 ha bị nhiễm các loại bệnh thán thư, xì mủ thân, sâu đục thân, với mức độ gây hại từ 10 - 15%.
Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Phú Giáo, chia sẻ: “Thời gian qua, cùng với sự triển khai tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo của Trạm BVTV; thì nhân tố quyết định góp phần khống chế tình hình dịch bệnh trên cây trồng của người nông dân đó chính là sự chủ động, tích cực của nông dân trong công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng. Đây cũng là nhân tố góp phần loại bỏ dịch bệnh, giúp ngành chức năng khống chế tốt tình hình dịch bệnh trên cây trồng, tăng năng suất cây trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
HẢI SÂM