Trăm năm vang vọng một tiếng còi…

Cập nhật: 17-11-2017 | 08:14:12

Gần 100 năm đô hộ dân tộc Việt Nam, thực dân Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa. Ngày nay, các công trình đó đã trở thành chứng tích lịch sử trải dài từ Bắc chí Nam mà du khách thường nhắc khi đến Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn… Ở đất miền Đông có lẽ “dấu ấn” của người Pháp không mấy ấn tượng, có chăng chỉ là sự hằn sâu vào ký ức của bao lớp người thuở dân tộc bị áp bức. Chúng tôi muốn kể về mảnh đất Dầu Tiếng, xứ sở của những cánh rừng cao su xanh thẳm ngút ngàn…

Ngay trung tâm huyện Dầu Tiếng, trên tuyến đường đi Tây Ninh, từ xưa đến nay có một ngôi làng mang đậm nét kiến trúc của người Pháp trăm năm vẫn thách thức với lớp bụi thời gian. Xung quanh những công trình kiến trúc của người Pháp nơi đây là cả một câu chuyện dài của quá khứ đầy thăng trầm.

Trăm năm tháp còi báo giờ ở Dầu Tiếng vẫn sừng sững với thời gian. Ảnh: HẬU GIANG

Anh Huỳnh Xuân Phước bấm còi vào lúc 1 giờ kém 15 phút. Ảnh: HẬU GIANG

Những năm đầu thế kỷ 20, khi quá trình thực dân hóa đang vào giai đoạn cao trào, người Pháp đã nhận ra vùng rừng rậm Dầu Tiếng là nơi có khí hậu, đất đai phù hợp với việc trồng và phát triển cây cao su. Hãng Michelin đã đến mộ phu công tra, phá rừng lập đồn điền. Đến năm 1930 thì số phu công tra đã lên đến gần 1.000 người, và ngày càng tăng lên qua nguồn phu mộ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

Chúng tôi tìm về ngôi làng mà ngày nay vẫn còn nhiều công trình của người Pháp để lại. Những ngôi nhà vẫn còn nguyên nét trầm mặc tọa lạc dưới những góc cây cổ thụ rợp bóng. Ngôi làng xưa nay đã trở thành khu phố sầm uất của thị trấn Dầu Tiếng. Ông Nguyễn Tạm Văn Chánh, người cao tuổi trong khu phố kể lại rằng, không phải ngẫu nhiên mà thời đó người Pháp xây nhà cho phu đồn điền ở. Họ phân biệt rõ ràng, đối với những người lao động chân tay gọi là La Tách nên Pháp xây nhà ở tập trung. Đối với những người làm thợ điện, máy hoặc đốc công thì được làm nhà ở gọi là nhà thầy. Còn những khu biệt thự khang trang mà ngày nay còn sót lại, Pháp chỉ dành cho công chức người Pháp ở. Người nông dân Việt Nam dù lao động quần quật cho chủ Pháp nhưng đổi lại vẫn là kiếp sống cùng cực, nô lệ. Và bên cạnh rất nhiều công trình người Pháp xây có một công trình đã đi vào lịch sử cả trăm năm, đó là tháp còi báo giờ mà ngày nay vẫn còn vang vọng, trở thành một nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Ông Đỗ Văn Chương, người có thế hệ cha ông từ miền Bắc vào làm phu đồn điền cho chủ Pháp kể rằng: Hồi đó, Pháp chọn trung tâm huyện Dầu Tiếng ngày nay và khu vực Bến Củi của Tây Ninh để thành lập các sở, hãng cao su. Chúng lập làng, lập vườn để tiện quản lý con người, và để bóc lột tối đa sức lao động của các công tra chúng đã xây dựng một tháp còi báo giờ. Ông Chương kể tiếp: “Thời đó, cha ông tôi và bao nông phu khác mỗi khi nghe tiếng còi hú chát chúa vang lên là phải bật dậy ra vườn cao su quần quật lao động. Để bóc lột tối đa sức lao động, chủ Pháp đã bấm còi từ 4 giờ sáng và cho đến chiều tối mới bấm còi cho phu về nghỉ. Tiếng còi hú nơi đây một thời là nỗi ám ảnh đối với thân phận của người dân mất nước....”.

Có những câu chuyện bắt đầu từ ý đồ xấu, hình thành trong cuộc đời nhọc nhằn, qua thời gian lại mang ý nghĩa tốt đẹp. Đất nước hòa bình, tiếng còi Dầu Tiếng không còn là nỗi ám ảnh nữa mà trở thành món ăn tinh thần rất gần gũi trong đời sống hàng ngày của người dân. Tháp còi Dầu Tiếng nay vẫn sừng sững giữa đất trời như một chứng tích lịch sử đầy đau thương nhưng rất đỗi oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi đến thăm tháp còi, nhìn từ xa trên đỉnh tháp đã thấy rõ dòng chữ “ Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Người dân kể rằng, sau ngày giải phóng, dòng chữ ấy xuất hiện hiên ngang khẳng định sự cáo chung của đế quốc và thực dân trên mảnh đất này. Cao su vẫn vươn mình và ngày càng bạt ngàn hơn nhưng không còn của thực dân mà là của những cuộc đời tự do trong đất nước độc lập tự do.

Anh Huỳnh Xuân Phước, người “giữ còi” cho biết, nhiệm vụ hàng ngày của anh là bảo vệ và bấm còi báo giờ đúng quy định. Công việc phải trực 24/24 giờ, chỉ cần sai vài phút lập tức bị người dân và các cụ cao niên phê bình ngay. Anh Phước cho biết, ngày nay tiếng còi báo giờ đã khác với thời trước. Cụ thể, vào lúc 4 giờ sáng, tiếng còi vang lên để báo thức công nhân thức dậy; 5 giờ sáng, lại vang lên để công nhân đi cạo mủ; 6 giờ 45 phút, tiếng còi cất lên để công chức thức dậy; 7 giờ còi vang lên một lần nữa để công chức đi làm. Buổi trưa, 11 giờ 30 phút, còi vang báo công nhân nghỉ; 1 giờ kém 15 phút lại báo đi làm. Buổi chiều 4 giờ 30 còi báo nghỉ. 10 giờ đêm còi vang báo giờ để mọi người đi ngủ. Tiếng còi hàng ngày đều đặn vang xa trong bán kính gần 20km.

Công việc của anh Phước tuy có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi phải rất chuyên tâm mới được. Anh cho biết, từ trước đến nay tiếng còi bất di bất dịch đến giờ là phải “kêu”. Trường hợp còi bị hư hỏng, các loa phía trên cần bảo trì thì phải thông báo trước cho bà con biết thời gian sửa chữa bao nhiêu ngày… Để đề phòng trường hợp ngủ quên bấm còi hoặc bận việc đột xuất, anh Phước phải cài chế độ nhắc nhở ở máy điện thoại. Chiếc còi vì thế đã trở thành người bạn gắn bó với anh Phước lâu nay.

Có lên Dầu Tiếng mới biết tiếng còi đã gắn bó với người dân nơi đây đến mức nào, đã trở thành thân quen mà ai đi xa cũng thấy thiếu vắng, nhớ nhung. Anh Trần Xuân Bảy, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp chế biến mủ (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) kể vui: “Mỗi lần còi hư, buổi sáng chúng tôi đi thể dục, gặp người dân là họ hỏi liền: Còi sao không kêu, các anh làm tôi lỡ phiên chợ sáng…”. Hầu như những người cao tuổi ở Dầu Tiếng đã sống quen giờ theo tiếng còi mà không cần xem đồng hồ treo tường. Cứ sáng sớm, còi hú là người dân ra chợ, ra vườn, cán bộ, công chức chuẩn bị lên cơ quan…, tất cả đã thành một nếp sinh hoạt quen thuộc từ lâu. Còn ông Lê Văn Khoa, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cho biết, mỗi lần ông đi công tác xa nhà, sáng sớm không nghe được tiếng còi, lòng ông lại thấy thổn thức, thiếu vắng. Đối với ông Khoa, tiếng còi không chỉ là âm thanh của thời gian mà còn là tiếng lòng, là tình cảm của bao lớp người đã gắn bó và xây dựng mảnh đất Dầu Tiếng anh hùng như hôm nay.

Chuyện tiếng còi báo giờ ở huyện Dầu Tiếng nghe có vẻ giản dị nhưng là một ký ức chứa đựng nhiều ý nghĩa không chỉ ở giá trị văn hóa, đời sống mà còn cả giá trị lịch sử. Ký ức ấy nhắc nhở thế hệ hôm nay không quên quá khứ quật cường đấu tranh giành độc lập tự do của bao thế hệ cha ông. Ngày nay, đất nước đã hòa bình, sự bang giao của hai nước Việt - Pháp đã thắt chặt, hữu nghị, tháp còi trở thành một nơi mà thỉnh thoảng các đoàn du khách Pháp khi đến đây tham quan đều đứng lặng trầm tư suy nghĩ…

KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1171
Quay lên trên