Quan trắc nhiệt độ không khí, mực nước, nhiệt độ nước trên sông Đồng Nai, đó là nhiệm vụ của Trạm Thủy văn Tân Uyên nhằm giúp các cơ quan quản lý chủ động trong các kế hoạch sử dụng nước và phòng chống lũ lụt.
Để từng bước xây dựng, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn theo chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), góp phần đáp ứng yêu cầu của UBND tỉnh về quản lý nguồn tài nguyên nước mặt, ngày 14- 4-2011, Trung tâm Quan trắc TN&MT Bình Dương đã đưa Trạm Thủy văn Tân Uyên chính thức đi vào hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ Trung tâm Quan trắc TN&MT, cho biết, công trình nhà trạm được xây dựng kiên cố với công trình đo là giếng kiểu bờ dùng xi phông được trang bị máy đo tự động ghi mực nước loại Stevens A04 của Mỹ đặt trong nhà. Hệ thống được kiểm tra, đánh mốc thường xuyên 2 lần/ngày. Hệ thống thủy chí gồm có 3 thủy chí được dẫn nối kiểm tra 2 lần/ năm vào thời điểm trước và sau mùa mưa từ các mốc độ cao của trạm thuộc hệ độ cao Nhà nước.
Cán bộ Trạm Thủy văn Tân Uyên đang thực hiện đo đạc mực nước
Hiện tại, trên sông Đồng Nai cũng có 4 trạm, trong đó 3 trạm Tà Lài, Trị An, Biên Hòa thuộc mạng lưới trạm điều tra cơ bản của ngành khí tượng thủy văn và Trạm Tân Uyên do Trung tâm Quan trắc quản lý và vận hành. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm đã góp phần cung cấp số liệu phục vụ cho việc quản lý, dự báo mực nước trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua tỉnh Bình Dương giúp các cơ quan quản lý chủ động trong các kế hoạch sử dụng nước và phòng chống lũ lụt.
Kết quả quan trắc mực nước năm 2013 tại Trạm Thủy văn Tân Uyên có biên độ mực nước trung bình là 310cm, mực nước lớn nhất 232cm, xuất hiện ngày 14-10, nhỏ nhất -158cm xuất hiện ngày 8-2, mực nước trung bình 62cm; nhiệt độ nước trung bình 29.50C, chênh lệch toàn năm 5.10C; nhiệt độ không khí trung bình 29.20C, chênh lệch toàn năm 8.50C.
Cán bộ phụ trách trung tâm phân tích thêm việc đo mực nước, nhiệt độ nước được tuân thủ quy định của tiêu chuẩn ngành: 94 TCN 1-2003 “Quy phạm quan trắc mực nước và nhiệt độ nước sông” ban hành kèm theo Quyết định số 15/2003/QĐ- BTNMT của Bộ TN&MT ngày 26-11-2003; quan trắc mực nước 24 lần/ ngày; nhiệt độ nước sông và nhiệt độ không khí quan trắc 2 lần/ngày vào lúc 7 giờ và 19 giờ hàng ngày. Ngoài ra, tại thời điểm chân, đỉnh triều cách 5, 10, 15 hoặc 30 phút quan trắc thêm một lần. Khoảng thời gian quan trắc được xác định theo sự biến đổi mực nước, nhằm quan trắc chính xác trị số mực nước và thời gian xuất hiện của mực nước chân, đỉnh triều.
Theo ca trực, quan trắc viên ngoài vận hành máy quan trắc, còn phải quan trắc hướng chảy của dòng nước, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm và các hiện tượng bất thường trên sông như các hiện tượng cá chết nhiều, cỏ rác, lục bình, cây cối trôi… tất cả được ghi vào sổ quan trắc. Các ca trực trùng vào thời điểm 7 giờ và 19 giờ, quan trắc viên phải làm công việc đánh mốc trên giản đồ máy tự ghi. Cụ thể là nhấc bút trên máy lên khỏi giản đồ, rồi ra cầu công tác ở ngoài sông để trực tiếp đo nhiệt độ nước sông và đọc kiểm tra mực nước trên thủy chí so với máy tự ghi bất kể trời nắng hay mưa, sau đó quay vào đặt lại ngòi bút xuống để máy tiếp tục hoạt động. Trường hợp máy bị hư, không hoạt động được, quan trắc viên phải trực tiếp quan trắc 24 lần/ngày để bảo đảm việc thu thập số liệu không bị gián đoạn. Vào mùa mưa lũ, khi mực nước lên xuống càng nhanh và càng nhiều thì tần suất quan trắc càng phải dày.
Công việc quan trắc ở Trạm Thủy văn Tân Uyên nói riêng và quan trắc khí tượng thủy văn nói chung có vẻ nhẹ nhàng nhưng mỗi quan trắc viên phải trực 24 giờ, kể cả ngày nghỉ, bởi hệ thống ống xi phông dẫn nước nằm ngầm gần dưới đáy sông nên hay bị bùn bồi lấp, hoặc các loại rác trôi làm bít miệng ống bất cứ lúc nào nên phải thường xuyên lặn xuống đáy sông khơi thông miệng ống dẫn nước, lau chùi cọc thủy chí cắm ở dưới sông. Bên cạnh đó, cứ khoảng 2 tháng một lần các quan trắc viên phải leo xuống giếng lấy nước nạo vét bùn bồi lắng ở trong giếng đặt máy quan trắc. Ngoài ra, trước và sau mùa mưa, phải dẫn nối kiểm tra độ cao các thủy chí từ các mốc độ cao của trạm. Khi có các số liệu quan trắc của một ngày, ngoài việc quan trắc, quan trắc viên còn phải chỉnh lý, chỉnh biên các số liệu, tính toán sổ sách ngay tại trạm trước khi báo cáo về Trung tâm Quan trắc TN&MT để sử dụng các số liệu này. Có như vậy, Trạm Thủy văn Tân Uyên mới giúp các cơ quan quản lý chủ động trong các kế hoạch sử dụng nước và phòng chống lũ lụt.
PHÚ CƯỜNG