Trận đánh lịch sử tại sân bay Tân Sơn Nhất: Dùng máy bay địch đánh địch

Cập nhật: 28-04-2015 | 19:25:51

Chiều ngày 28.4.1975, sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ rung chuyển bởi 18 quả bom từ 5 chiếc máy bay A-37 ném xuống. Trên loa hệ thống đối không của 5 chiếc A-37 vang lên giọng nói dồn dập, hoảng hốt của địch từ dưới sân bay: “Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu! Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu!”.

Phi đội quyết thắng trước trận đánh bom Tân Sơn Nhất.

Sau “đòn sấm sét” bất ngờ ấy, 24 máy bay của địch đã bị phá hủy,  hàng trăm sĩ quan và binh lính bị tiêu diệt, cầu hàng không di tản tê liệt, binh lính và chính quyền Sài Gòn càng thêm hoảng loạn và mau chóng tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng binh chủng của ta phát huy thế tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh…

40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những tháng ngày hào hùng  ấy vẫn không thể nào quên đối với những người lính từng tham gia trận đánh này.

Quyết định “lấy vũ khí địch đánh địch”

“Có thể nói rằng trong lịch sử của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam, trận đánh ngày 28.4.1975 của Phi đội Quyết Thắng là một trong những trang sử hào hùng” - Trung tướng Lê Văn Tri, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định.

Ngay sau khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân chủng: Cho không quân ta dùng máy bay vừa lấy được của địch ném bom vào sào huyệt quân ngụy ở Sài Gòn trong hai ngày 27 hoặc 28/4, nếu chậm trễ sẽ không có thời cơ lập công. Chiều 25/4, Cục Tác chiến chuyển bức điện cho đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Văn Tri: “Đúng 8 giờ sáng ngày 26/4 lên chỉ huy sở Bộ Tổng Tư lệnh nhận nhiệm vụ của anh Văn giao”.

Tại Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi Tư lệnh Lê Văn Tri: “Hiện ta thu được bao nhiêu máy bay A-37 của địch có thể dùng được?”. Tư lệnh Lê Văn Tri báo cáo: “Thưa Đại tướng, tại Đà Nẵng có một chiếc, phi công đang học lái, còn sân bay Phù Cát, Bình Định có 5 chiếc còn nguyên vẹn, chưa cho bay thử”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Bộ Chính trị đã đồng ý cho không quân ném bom xuống sào huyệt địch nhưng phải sử dụng chính máy bay chiếm được của địch”.

Tư lệnh Lê Văn Tri được Quân chủng giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, chỉ huy trận đánh. Nhưng cái khó ở đây là, phần lớn máy bay ta thu được của địch là máy bay A-37 còn khá xa lạ với phi công của ta vốn quen thuộc với loại máy bay MiG của Liên Xô. Và ông đã có một quyết định rất táo bạo: Dùng 2 phicông và một số thợ máy của Không quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) vừa ra trình diện Ban quân quản để hướng dẫn các phi công ta về kỹ thuật và cách sử dụng máy bay A-37.

Chuyện về người phi công hàng binh

Năm 1968, chính quyền Sài Gòn phát lệnh động viên thanh niên gia nhập lực lượng Quân đội VNCH. Trần Văn On vừa tròn 20 tuổi, ngụ tại quận Hòa Đồng, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), bị bắt quân dịch. Sau 3 tháng đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, nhờ có bằng tốt nghiệp trung học, Trần Văn On được cử đi học tại Trường hạ sĩ quan Đồng Đế - Nha Trang và tốt nghiệp với quân hàm chuẩn úy. Đúng thời điểm đó có đợt tuyển phi công, Trần Văn On đăng ký đi học và thi đậu. Cuối năm 1971, Trần Văn On được đưa sang Mỹ đào tạo. Đầu năm 1973, Trần Văn On từ Mỹ trở về và được điều vào Phi đoàn 516, rồi Phi đoàn 550 thuộc Không đoàn 51 đóng tại Đà Nẵng.

Ngày 29.3.1975, thành phố Đà Nẵng được giải phóng. Hàng vạn quân lính đủ loại thuộc các Sư đoàn 1, Sư đoàn 3, lính thủy đánh bộ, biệt động quân Sài Gòn bị tiêu diệt và ra hàng. Một số chiến hữu của On “ôm” máy bay bay ra biển, nơi có chiến hạm đang chờ sẵn để di tản. Không chọn cách chạy trốn, Trần Văn On đã ra trình diện Ban quân quản. Một may mắn lớn đã đến với cuộc đời On, Quân chủng Phòng không - Không quân đã quyết định tuyển dụng Trần Văn On để cùng đội ngũ phi công và cán bộ kỹ thuật của ta nghiên cứu, huấn luyện trên máy bay A-37, chuẩn bị cho trận đánh Tân Sơn Nhất.

Cuộc chuyển loại máy bay “thần tốc”… trong 2 ngày rưỡi

Đại tá Nguyễn Văn Lục, nguyên Phi đội trưởng Phi đội 4 - Đơn vị Không quân C23 - Đoàn Không quân B71 (Sau này Đơn vị C23 trực thuộc Đoàn Không quân B72) nhớ lại: Sáng ngày 22.4.1975, Phi đội 4 nhận lệnh cơ động vào Nam. Khoảng 14 giờ 30 phút, chiếc máy bay vận tải rời đường băng, sau đó đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đại tá Trần Mạnh - Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho phi đội: Tổ chức huấn luyện chuyển loại trên máy bay A-37 thu được của địch ngay ngày mai.

Ngay sáng hôm sau, phi đội tổ chức học lý thuyết, tìm hiểu tính năng, tác dụng cùng các trang thiết bị của máy bay A-37 với sự giúp đỡ của  hai phi công hàng binh đã được ta giáo dục, cải tạo là Trần Văn On, Trần Văn Xanh và một số thợ máy. Khó khăn đầu tiên mà các phi công của ta gặp phải đó là toàn bộ các thiết bị trên máy bay A-37 đều thuyết minh bằng tiếng Anh, mà ngoài phi công Nguyễn Thành Trung (người được tổ chức cách mạng cài vào hàng ngũ địch, đã được đào tạo 2 năm tại Mỹ), các phi công còn lại đều không thông thạo ngôn ngữ này. Một “sáng kiến” đã nảy ra, đó là nhờ Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On và Trần Văn Xanh dịch các chữ đó ra tiếng Việt, sau đó viết ra giấy và dán đè lên phần chữ tiếng Anh.

Các thiết bị như vị trí phanh, vị trí các công tắc… trên máy bay A-37 bố trí hoàn toàn khác so với máy bay MiG các phi công của ta đã được bay trước đó, mà thói quen sử dụng thì không thể hình thành sau vài chục giờ huấn luyện. Vậy là cả phi đội lao vào học ngày học đêm. Mỗi phi công, trước khi đi ngủ lại vắt tay lên trán hình dung vị trí các phím công tắc; trình tự một chuyến bay; lý giải nguyên nhân dẫn đến những sai sót mắc phải khi bay.

Và đến trưa ngày 27.4.1975, kỳ huấn luyện chuyển loại vỏn vẹn trong hai ngày rưỡi đã hoàn thành (thông thường, một kỳ chuyển loại máy bay của phi công phải mất 3 tháng). Toàn phi đội sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Tất cả sẵn sàng cho trận đánh

Trưa ngày 27, khi cả phi đội đang tắm giặt thì nhận được lệnh cơ động vào sân bay Phù Cát (Bình Định). Có anh em đang giặt dở quần áo, khi nhận được lệnh thì vắt vội rồi vứt vào xô, nhanh chóng ra máy bay. 12 giờ 45 phút ngày 27.4.1975, toàn phi đội cất cánh từ Đà Nẵng vào Phù Cát. Tại đây “Phi đội Quyết Thắng” đã được thành lập gồm các phi công: Nguyễn Văn Lục (Chỉ huy Phi đội), Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng, Trần Văn On.

Tối ngày 27.4, chi bộ tổ chức sinh hoạt xác định quyết tâm chiến đấu cho toàn phi đội, đồng thời thống nhất phương án bố trí lực lượng tham gia đội hình chiến đấu. Đó là Nguyễn Thành Trung sẽ bay số 1, có vai trò dẫn đường bởi anh thông thuộc địa hình khu vực tác chiến; Từ Đễ bay số 2; Nguyễn Văn Lục bay số 3; Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On bay số 4 và Hán Văn Quảng bay số 5.

8 giờ 30 phút ngày 28.4.1975, tất cả các phi công chỉnh tề trong bộ đồ bay với tư thế sẵn sàng ra trận, phi đội nhận lệnh cơ động máy bay A-37 vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Tại sân bay, các đồng chí lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đã giao nhiệm vụ cho phi đội ngay sau đó. Sáu mục tiêu đã được đưa ra để phi đội nghiên cứu, lựa chọn là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, Nha Cảnh sát, Đại sứ quán Mỹ, Kho xăng Nhà Bè, sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn.

Sau khi thảo luận, phi đội đề nghị được đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất bởi đây là mục tiêu diện rộng, dễ nhận biết, dễ phát hiện từ xa, thuận lợi cho việc tấn công; quan trọng hơn, đánh mục tiêu này sẽ cắt đứt cầu hàng không của địch, làm địch thêm hoang mang, rối loạn.

Theo phi công Nguyễn Văn Lục, người chỉ huy của phi đội thì sự lựa chọn mục tiêu của Phi đội Quyết thắng cũng rất trùng khớp với quyết định trước đó của Bộ chỉ huy chiến dịch là lấy máy bay địch phá hủy sân bay Tân Sơn Nhất và tiêu diệt sinh lực địch. Đánh mục tiêu này sẽ là một đòn rất hiểm, nhất là lúc Mỹ - ngụy chỉ còn duy nhất đường hàng không để di tản.

Nhưng một yêu cầu lớn và rất khó được đặt ra với Phi đội Quyết thắng khi tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất là bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn cho trại Đa-vít nằm cách đường băng khoảng 300 mét (Trụ sở của 2 phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Phương án được vạch ra là phải đánh bom dọc đường băng, như vậy độ tản mát của bom ra hai bên đường băng sẽ hẹp hơn, bảo đảm cho trại Đa-vít được an toàn, mặc dù đánh như vậy hiệu quả tiêu diệt sân bay sẽ thấp hơn  khi đánh bom cắt chéo sân bay một góc 30 độ.

Trận đánh “vỗ mặt” kẻ thù

Theo kế hoạch, đường bay của phi đội được tính toán và lựa chọn phải bảo đảm bí mật, bất ngờ đối với địch, tránh hỏa lực phòng không của ta, đó là bay theo hướng Vũng Tàu rồi từ Vũng Tàu vòng về Sài Gòn. Để bảo đảm bí mật, toàn phi đội sẽ không sử dụng hệ thống thông tin liên lạc mà dùng ký tín hiệu trong quá trình bay. Nguyễn Thành Trung thuộc địa hình được phân công bay trước dẫn đường. Các phi công khác bay trong đội hình theo cự ly đã định, bảo đảm canh gác, cảnh giới, có công kích, có yểm hộ.

16 giờ 15 phút ngày 28.4.1975, sĩ quan trực chỉ huy trên đài chỉ huy sân bay Thành Sơn bắn hai phát pháo hiệu cho phép phi đội cất cánh, 5 chiếc A-37 lao lên bầu trời. Phi đội tập hợp đội hình bay vút về phía Nam. Qua sông Sài Gòn khoảng 30 giây, các phi công đã nhìn rõ mục tiêu là sân bay Tân Sơn Nhất. Phi  công Nguyễn Văn Lục phát hiện 2 chiếc AD-6 ở hướng Biên Hòa. Trên hệ thống loa của máy bay, các anh còn nghe rõ tiếng hỏi dồn dập của địch từ Sở chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất: “A-37 của không đoàn nào? A-37 của phi đoàn nào?”.

Ngay lập tức, Nguyễn Thành Trung phát hiệu tấn công, đồng thời cho máy bay bổ nhào xuống mục tiêu cắt bom. Song, hệ thống cắt bom trên máy bay của anh bị trục trặc, Trung cho máy bay lượn lên thì cũng là lúc 4 chiếc còn lại lần lượt bổ nhào cắt bom chính xác mục tiêu. Từ Đễ vừa ấn nút phóng bom vừa khúc khích trả lời: “Máy bay của Mỹ đây!”. Sau đó, phi công Nguyễn Thành Trung lượn vòng lại cắt bom lần hai. Sau loạt bom, lửa khói trùm lên khu vực máy bay địch đang đỗ. Tiếng bom nổ rung chuyển cả thành phố Sài Gòn.

Lúc này tất cả các phi công đều nghe thấy tiếng la hét, hoảng loạn của quân ngụy từ Sở chỉ huy sân bay: “Chết cha rồi! Việt Cộng, pháo kích, Việt Cộng oanh kích”. Quân địch kinh hoàng vì bị bất ngờ, không quân và pháo cao xạ sân bay không kịp phản ứng gì. Năm chiếc A-37 hoàn thành nhiệm vụ quay trở về thì bị lực lượng phòng không của quân đội Sài Gòn đóng ở Nhà Bè phát hiện bắn theo dữ dội.

Trời đã nhập nhoạng ánh chiều, từng chiếc A-37 lần lượt hạ cánh an toàn xuống  sân bay Thành Sơn trong niềm vui mừng của mọi người. Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri ra tận đường băng chúc mừng từng phi công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những tiếng hoan hô, cười reo vang dậy cả sân bay.

Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng thời điểm then chốt của Chiến dịch Hồ Chí Minh, vào mục tiêu có ý nghĩa chiến lược, thực sự là một đòn hiểm bất ngờ làm cho địch choáng váng, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội binh chủng hợp thành phát triển thế tấn công, đẩy địch nhanh chóng vào thế sụp đổ hoàn toàn. Tối ngày 28.4.1975, Bộ Tư lệnh đã gửi thư động viên các cán bộ chiến sĩä: Anh dũng tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại.

* Theo lời kể của các ông Nguyễn Văn Lục, Trần Văn On, Lê Văn Tri và tư liệu của Quân chủng Phòng không - Không quân

Theo ANTG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1945
Quay lên trên