Hơn hai tháng thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, mức giá trần đã nâng từ 900 đồng mỗi kWh lên 1.400 đồng, cao hơn gần 200 đồng so với giá điện bình quân.
Tại hội nghị đánh giá công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, có 45 trong tổng số 69 nhà máy điện đã tham gia thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh. Trong số này, một số nhà máy chào giá bán cao dẫn đến không được huy động.
Thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Ảnh minh họa.
Cục đánh giá, do đang ở giai đoạn mùa lũ, nguồn thủy điện giá rẻ chiếm ưu thế nên giá thị trường không cao. Vào giờ bình thường, trung bình giá chào trên thị trường phát điện tháng 7, tháng 8 lần lượt là 538 đồng và 723 đồng mỗi kWh. Con số này đạt 757 đồng mỗi kWh vào tháng 9.
Vào giờ cao điểm, mức giá chào trung bình có thể lên tới 817 đồng mỗi kWh. Trong hệ thống điện quốc gia còn có nhiều nhà máy thủy điện đa mục tiêu, có nhiệm vụ đảm bảo phục vụ tưới tiêu, cấp nước cho nông nghiệp, dẫn đến tình trạng các nhà máy này rất khó duy trì sản lượng hợp đồng đã đăng ký khi phải thực hiện việc tưới tiêu.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cho rằng, mặc dù giá trần cao hơn giá điện bình quân nhưng không phải lúc nào cũng áp được giá trần nên vấn đề này không đáng lo ngại.
Ông Sơn cho hay, hiện công ty ông đã chào thử nghiệm nhưng chưa đủ thời gian để khẳng định tính khả thi của thị trường phát điện cạnh tranh. “Điều lo ngại nhất của các nhà đầu tư là hôm nay chào giá cao, ngày mai chào giá thấp. Điều này dẫn đến doanh thu khó cao hơn thời điểm chưa tham gia thị trường phát điện cạnh tranh”, ông Sơn chia sẻ.
Thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014), thị trường bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và thị trường bán lẻ cạnh tranh (sau 2022).
Theo VNE