Công nghiệp phát triển làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Bình Dương
Từ một tỉnh có xuất phát điểm rất thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội rất hạn chế, thiếu đồng bộ, nhưng kể từ sau khi tách tỉnh vào năm 1997, nhờ biết kế thừa và phát huy thế mạnh các điều kiện tự nhiên - xã hội sẵn có, Đảng bộ Bình Dương đã đoàn kết một lòng cùng nhân dân phát huy các thế mạnh, nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt của tỉnh từ thành thị đến nông thôn...Kinh tế thăng hoa
Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với ý chí phấn đấu không ngừng vươn lên, Bình Dương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, phát huy được lợi thế so sánh của địa phương về vị trí địa lý, tranh thủ được sự giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành trong khu vực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế. Chính vì thế, kinh tế của tỉnh trong nhiều năm qua tăng trưởng với tốc độ cao và toàn diện, luôn giữ mức tăng trưởng GDP hàng năm trên 15% và cơ cấu kinh tế luôn chuyển dịch nhanh theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ. Chỉ tính riêng trong năm 2009, trước tác động không thuận lợi của tình hình suy thoái kinh tế thế giới nhưng Bình Dương vẫn đạt được những mục tiêu quan trọng và then chốt như giá trị xuất công nghiệp đạt 87.727 tỷ đồng, tăng 10,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 33.290 tỷ đồng, tăng 24,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỷ USD, tăng 5,5%; thu mới ngân sách đạt 12.770 tỷ đồng, tăng 10 % so với năm 2008; thu hút đầu tư trong nước đạt 8.675 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh hiện lên 54.538 tỷ đồng với 8.348 DN; thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 2,47 tỷ USD, nâng nguồn vốn đầu tư nước ngoài lên gần 13 tỷ USD với 1.850 dự án.
Công nghiệp phát triển tạo ra nhiều chỗ làm cho người lao động, nâng cao đời sống của người dân
Điều đáng chú ý là Bình Dương rất chú trọng việc huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Nhờ vậy mà đến nay toàn tỉnh đã có 28 đến KCN tập trung được thành lập với tổng diện tích 8.979 ha, trong đó có 24 KCN đã đi vào hoạt động. Chính những KCN này đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triên kinh tế...Xã hội phát triển
Cùng với phát triển kinh tế, Bình Dương đã thực hiện hiệu quả chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm... Cụ thể đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại cho người lao động, điều chỉnh chế độ trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng và nâng mức hỗ trợ bảo trợ xã hội... Về giáo dục - đào tạo, tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học; trong năm học 2008-2009, chất lượng học sinh có chuyển biến tích cực so với năm học trước. Nổi bật là cơ sở vật chất trường lớp được tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung đầu tư, đến nay toàn tỉnh đã có 100% trường được xây kiên cố, 39,81% trường công lập của tỉnh được lầu hóa và 30,3% trường đạt chuẩn quốc gia. Về chăm sóc sức khỏe nhân dân đã hoàn thiện mạng lưới y tế; các đơn vị y tế tuyến huyện, thị, xã, phường, thị trấn từng bước đã đi vào hoạt động ổn định; hiện có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ, nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi phục vụ; 88/89 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 98,87%... Bên cạnh đó, Bình Dương bước đầu đã thu hút được các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao và các hoạt động từ thiện nhân đạo nên kết quả đạt được thời gian qua là rất phấn khởi. Nhờ vậy mà công tác chăm sóc các đối tượng chính sách, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo đạt được kết quả cao hơn so với dự kiến.
Có thể nói thành tựu 13 năm qua của Đảng bộ và nhân dân Bình Dương là to lớn và hết sức quan trọng, rất đáng tự hào. Đây cũng là cơ sở, tiền đề và là bài học kinh nghiệm quý báu để Bình Dương thực hiện hiệu quả cho giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo, đưa Bình Dương phát triển theo hướng ngày càng bền vững hơn.
TR. MINH