Ngày 24-2, Argentina đã chính thức yêu cầu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon can thiệp để đưa Anh ngồi vào bàn đàm phán về chủ quyền quần đảo Falklands. BBC cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Jorge Taiana thông báo ông đã yêu cầu Tổng thư ký Ban Ki Moon hỗ trợ để kết thúc “những hành động đơn phương leo thang” của Anh.
Một cựu chiến binh Argentina mang biểu ngữ với dòng chữ “Người Anh, về nhà đi” trong một cuộc tuần hành tại Buenos Aires để ủng hộ chủ quyền đối với quần đảo Falklands ngày 24-2
Anh đã bắt đầu khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Falklands mà London luôn khẳng định là họ có “quyền hợp pháp” để làm điều đó. Trong một tuyên bố, đại diện thường trực của Anh tại Liên Hiệp Quốc Mark Lyall Grant khẳng định “không thể nghi ngờ” chủ quyền của Anh đối với quần đảo từng gây ra một cuộc chiến tranh ngắn ngày giữa hai nước vào năm 1982.
Sau cuộc gặp Tổng thư ký Ban Ki Moon, ông Taiana nói Buenos Aires tin rằng quần đảo có diện tích hơn 12.000km2 và dân số hơn 2.000 người này, mà phía Argentina gọi là Las Malvinas, là một phần lãnh thổ của Argentina. Ông yêu cầu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc gây sức ép để Anh chấp nhận đàm phán, ít nhất là về các tranh chấp.
BBC dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng cuộc tranh cãi diễn ra không chỉ vì các mỏ dầu, mà còn liên quan đến tình hình chính trị nội bộ Argentina khi bầu cử sẽ diễn ra năm tới và chính phủ cầm quyền không thể làm ngơ trước vụ việc này. Chính quyền hiện tại của Buenos Aires đã loại trừ khả năng xảy ra hành động quân sự như 28 năm trước, nhưng đang gây sức ép ngoại giao để buộc London bước vào đàm phán với lập luận chính là phía Anh đã vi phạm một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm các hành động đơn phương trong vùng biển còn tranh chấp.
Ngoài Liên Hiệp Quốc, Argentina cũng đang tích cực tranh thủ các diễn đàn khu vực ủng hộ tuyên bố chủ quyền của mình ở Falklands mà trên thực tế đang do các lực lượng Anh kiểm soát. Hội nghị thượng đỉnh các nước Mỹ Latin và Caribê ở Mexico hôm 23-2 đã ra tuyên bố chung “ủng hộ các quyền hợp pháp của Argentina trong tranh chấp chủ quyền với Anh liên quan đến quần đảo Malvinas”, và yêu cầu hai phía bước vào đàm phán.
Tại hội nghị này, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã gay gắt đặt vấn đề: “Đâu là các giải thích của Anh về mặt địa lý, chính trị và kinh tế với Las Malvinas. Phải chăng vì Anh là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, họ có quyền làm bất cứ chuyện gì, còn những nước khác thì không được?”.
Hôm 21-2, Công ty thăm dò dầu khí Anh Ocean Guardian bắt đầu khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển cách quần đảo Falklands 100km về hướng bắc và cách bờ biển Argentina khoảng 500km về hướng đông, nơi có mỏ dầu với trữ lượng ước tính hàng triệu thùng. Chính phủ Anh tuyên bố sẽ “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền của họ đối với quần đảo do Anh kiểm soát từ năm 1833. Trận chiến kéo dài bảy tuần năm 1982 đã khiến 649 binh sĩ Argentina và 255 binh sĩ Anh thiệt mạng.
Báo Le Figaro mô tả cuộc tranh chấp này là “sặc mùi dầu hỏa”. Các công ty Anh đã tiến hành thăm dò lần đầu từ những năm 1970, rồi vào cuối những năm 1990. Nhưng giá dầu quốc tế lúc ấy là dưới 20 USD/thùng, do vậy không bõ công khai thác. Nhưng nay, giá dầu đã hơn 70 USd/thùng, việc khai thác có thể đem lại lợi nhuận. Việc phát hiện những kho vàng đen lớn ngoài khơi Brazil khiến cả London lẫn Buenos Aires hi vọng tìm được những kho báu: ước tính trữ lượng dầu dưới lòng quần đảo này là từ 6-12 tỉ thùng.
Theo Tuổi Trẻ