Tranh chấp hợp đồng giữa Công ty Khải Hoàn và Vina Encorp: Ai đúng, ai sai?

Cập nhật: 27-06-2013 | 00:00:00

Do tin tưởng vào những lời giới thiệu của đối tác, lãnh đạo Công ty Cao su Khải Hoàn VRG (Công ty Khải Hoàn) đã ký hợp đồng cung cấp hơi bão hòa, phục vụ sản xuất với Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (viết tắt là Vina Encorp). Chỉ trong vòng 60 ngày vận hành lò hơi, Vina Encorp đã vi phạm đến 160 lần hợp đồng, bị lập biên bản có xác nhận của đại diện hai bên, trong đó có 8 lần phải ngưng lò để sửa chữa. Hậu quả là hàng tấn nguyên liệu bị hư hỏng, 1.400 công nhân bị mất việc do ngưng trệ sản xuất, không đáp ứng đơn hàng, buộc Khải Hoàn phải “cắt” hợp đồng để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ đời sống của 1.400 lao động của mình.

“Núi” sản phẩm hư hỏng do quá trình cung cấp hơi bão hòa không đúng cam kết

Vi phạm hợp đồng

Công ty Khải Hoàn ký Hợp đồng số 03/VNE-Khải Hoàn/2012 ngày 15-11-2012 với Công ty Vina Encorp gồm các điều khoản cơ bản sau: Vina Encorp tiếp nhận 2 lò hơi cũ (15 tấn/lò) đang vận hành bình thường, chuyển nhượng lò hơi 25 tấn dự phòng cùng toàn bộ nhân sự đang làm việc tại bộ phận lò hơi của Khải Hoàn trước đây và bảo đảm hoạt động an toàn liên tục; Vina Encorp có nghĩa vụ cung cấp hơi bão hòa cho Công ty Khải Hoàn với công suất 50 tấn/giờ, áp suất 10 bar (biên độ dao động +/- 5 bar) và không được gián đoạn làm ảnh hưởng đến sản xuất. Ngược lại Khải Hoàn cam kết mua và sử dụng hết lượng hơi bão hòa do Vina Encorp cung cấp, không được sử dụng (mua) thêm từ nguồn khác. Hai bên cũng đã thống nhất điều khoản “hủy bỏ hợp đồng” nếu một trong hai bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng hoặc đạo đức kinh doanh…

Dù hợp đồng đã được soạn thảo nghiêm túc, được lãnh đạo hai bên ký kết và thống nhất thực hiện. Nhưng khi triển khai,Vina Encorp không chỉ làm trái với nội dung cam kết mà còn thể hiện sự yếu kém trong chuyên môn vận hành lò hơi. Cụ thể, chỉ trong 14 ngày (11 đến 24-4-2013), Công ty Khải Hoàn đã lập 104 biên bản vi phạm đối với Vina Escorp về các lỗi liên tục tụt áp, ngừng vận hành lò hơi, gây gián đoạn sản xuất kéo dài càng lúc càng trầm trọng. Lãnh đạo Vina Encorp cũng đã chính thức ban hành 8 văn bản xin ngừng lò hơi để sửa chữa. Dù đã nhiều lần khắc phục, sửa chữa nhưng áp suất sản xuất cũng chỉ đạt 5,6 bar. Đến ngày 19-3, Chủ tịch HĐQT Vina Escorp Nguyễn Ngọc Dân phải thừa nhận: “Kể từ ngày 8-4-2013 trở đi công ty chúng tôi cũng chỉ cung cấp hơi ổn định với áp suất 5,5 - 6 bar và công suất tối đa 40 tấn/giờ”.

 Những văn bản ghi nhận sự sai phạm hợp đồng của Vina Encorp

Công nhân phản đối

Sản xuất găng tay cao su y tế là ngành công nghiệp đòi hỏi độ chính xác và tính ổn định cao. Chính việc cung cấp hơi không ổn định kéo dài đã dẫn đến hệ quả rất nghiêm trọng là sản lượng sản xuất, chất lượng sản phẩm của Khải Hoàn bị khách hàng từ chối nghiệm thu. Công ty vừa mất tiền của, vừa phải tốn chi phí tiêu hủy hàng hỏng, lại có nguy cơ bị khách hàng hủy bỏ đơn hàng nếu tình trạng này còn tiếp tục tiếp diễn.

Kể từ ngày Vina Encorp chính thức tiếp nhận lò hơi cho đến khi bị chấm dứt hợp đồng, Công ty Khải Hoàn buộc phải hủy bỏ trên 4 tấn nguyên liệu với hàng triệu sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng trị giá trên 8,4 tỷ đồng. Cần nói hơn là trong thời gian này áp suất hơi do Vina Encorp cung cấp không đạt yêu cầu, buộc nhà máy phải cắt line, dừng sản xuất, dẫn đến người lao động (NLĐ) của nhiều dây chuyền phải ngừng việc và trong thời gian Vina Encorp tạm dừng hoạt động lò hơi để bảo trì, sửa chữa, thì toàn bộ 1.400 công nhân của công ty cũng buộc phải nghỉ việc mà không được hưởng gì, vì nguyên nhân ngừng việc hoàn toàn do Vina Encorp gây ra. Đáng nói hơn là suốt 4 tháng nhà máy hoạt động “xập xệ” đã khiến nhiều khách hàng đòi hủy đơn hàng, đẩy Công ty Khải Hoàn vào tình thế khó khăn. Lo lắng cho hoạt động của nhà máy và cuộc sống, công nhân tại các tổ đã ngồi lại viết “bức tâm thư” bày tỏ nguyện vọng, gửi đến lãnh đạo công ty.

Trước thực tế quá rõ ràng và phản ánh xác đáng của NLĐ về sự thiếu trách nhiệm và năng lực yếu kém của Vina Encorp, “Chi bộ Đảng công ty đã chuyển bức tâm thư có chữ ký của NLĐ, cùng với lãnh đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên đến Ban giám đốc, nêu bức xúc của NLĐ đòi tẩy chay và chấm dứt hợp đồng với Vina Encorp để bảo vệ công ty, bảo vệ đời sống 1.400 lao động đang làm việc ổn định tại Khải Hoàn”, Bí thư chi bộ Đảng Công ty Khải Hoàn Nguyễn Bình Chúc cho biết.

Chờ tòa án phán quyết

Công ty Khải Hoàn là doanh nghiệp lớn, có uy tín, trực thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, có giấy phép xuất khẩu vĩnh viễn vào 2 thị trường khó tính và lớn nhất thế giới là Mỹ và Liên minh châu Âu, vận hành theo bộ tiêu chuẩn tích hợp ISO 9001, ISO 13485, ISO 22000, SA 8000… nên mọi thông báo, quyết định liên quan đến hoạt động của công ty đều phải thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy trình quản lý và quy định của pháp luật. Trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng với Vina Encorp, phía Khải Hoàn đã nhiều lần lập biên bản vi phạm hợp đồng có xác nhận của đại diện hai bên và đã nhiều lần thông báo bằng văn bản đến Vina Encorp như thỏa thuận ghi trong hợp đồng.

Đến khi bị Khải Hoàn chấm dứt hợp đồng vì thiếu năng lực lẫn kinh nghiệm vận hành lò hơi, bán hàng không đúng chất, không đủ lượng như đã cam kết, Vina Encorp lại chìa ra hóa đơn thanh toán lên tới trên 31 tỷ đồng cho 55 ngày phục vụ tệ hại của mình. Chưa dừng lại ở đó, Vina Encorp còn đưa người lạ đến trước cổng Công ty Khải Hoàn đe dọa làm mất trật tự, gây hoang mang tinh thần NLĐ, tạo dư luận xấu, khiến công an địa phương phải vào cuộc giải tán.

Trong khi đó việc đầu tư, vận hành lò hơi đã được Khải Hoàn thực hiện ổn định từ ngày thành lập đến nay và đã được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định, cấp chứng nhận đạt hiệu quả cao. Sau khi xảy ra sự cố, Công ty Khải Hoàn tìm hiểu lại năng lực của Vina Encorp thì mới ngả ngửa ra rằng, doanh nghiệp này không có năng lực cung cấp hơi bão hòa mà chỉ được phép kinh doanh, cung cấp hơi nước, sản xuất nước đá, theo công văn trả lời của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, nơi doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh. Kiểm định thiết bị (đồng hồ) tại nơi không có chức năng kiểm định, đo lường chất lượng và còn câu mắc tùy tiện thiết bị đo để ăn gian công suất, sản lượng, nên mới xảy ra tình trạng “không có hơi, đồng hồ vẫn chạy” nên hóa đơn tính tiền đã lên đến mức khó tưởng tượng được.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Khải Hoàn Phạm Ngọc Thành cho biết: “Do biết rõ sản phẩm của Khải Hoàn liên quan đến sức khỏe con người, nên yêu cầu “sạch” cả nghĩa đen và nghĩa bóng được công ty đặt lên hàng đầu, khách hàng của Khải Hoàn lại là các tập đoàn lớn đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, xã hội rất khắt khe, nên lãnh đạo Vina Encorp đã âm thầm gặp gỡ báo chí để thông tin lên rằng “Bị ăn cắp bí mật công nghệ” nhằm tạo dư luận xấu, bôi bẩn uy tín để Khải Hoàn phải vì danh dự và sự sống còn của công ty mà đành “chấp nhận sự thật phủ phàng” bằng cách thanh toán tiền bất hợp lý cho Vina Encorp?

Ai đúng, ai sai trong tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Khải Hoàn với Vina Encorp sẽ do tòa án quyết định. Nhưng là doanh nghiệp “có bí quyết công nghệ cao” mà cung cấp thông tin một chiều, đưa người lạ đến gây mất trật tự, gây hoang mang tinh thần NLĐ, ảnh hưởng sản xuất của khách hàng thay vì “nhờ pháp luật can thiệp” như cách làm của Vina Encorp vừa qua là khó chấp nhận được. Kỳ lạ hơn là khi phóng viên Báo Bình Dương trực tiếp liên hệ với lãnh đạo Công ty Vina Encorp, từ Chủ tịch HĐQT đến Giám đốc Truyền thông thì đều nhận được sự hứa hẹn không có kết quả. Phải chăng Vina Encorp chỉ thích cung cấp thông tin phản ánh một chiều nhằm tạo áp lực buộc đối tác chấp nhận làm theo yêu cầu phi lý của mình?

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=851
Quay lên trên