Để doanh nghiệp (DN) có thể tiếp tục thực hiện được mục tiêu kinh doanh và tăng thêm sự gắn bó giữa các nhân viên công ty với nhau thì vấn đề tranh chấp lao động cần phải được giải quyết một cách nhanh chóng và dứt điểm. Có như vậy DN mới có cơ hội để vươn cao và phát triển bền vững được.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng cơ sở tăng cường gặp gỡ, đối thoại và quan tâm đến công nhân nhằm hạn chế các tranh chấp lao động. Ảnh: QUỲNH ANH
Có rất nhiều nguyên do dẫn đến đình công, tranh chấp lao động; bao gồm cả khách quan và chủ quan, hợp pháp và bất hợp pháp. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, bị tác động ra sao thì việc đình công hay tranh chấp lao động đều gây nên nhiều khó khăn và tổn thất cho cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động. Dễ thấy nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, hiệu suất công việc cũng như lòng tin, tinh thần, mối quan hệ giữa 2 bên.
Để giảm thiểu tình trạng này, nhất định phải có sự hợp tác, phối hợp không chỉ NLĐ và người sử dụng lao động mà còn cả các cấp, cơ quan ban ngành có liên quan để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên hay giám sát quá trình thực hiện quan hệ lao động giữa 2 bên.
Về phía NLĐ: Phải siêng năng làm việc để tăng năng suất; luôn bình tĩnh, suy xét toàn diện mọi tình huống trước khi quyết định làm gì; chỉ thực hiện đình công và tranh chấp lao động khi chắc chắn quyền lợi của mình bị xâm phạm; kiến nghị, bày tỏ nguyện vọng chính đáng lên cấp trên để được xem xét và giải quyết; tìm hiểu kiến thức luật liên quan đến quyền và lợi ích, nghĩa vụ của NLĐ, bảo đảm hiểu và nắm rõ các quy định để tự bảo vệ và đòi quyền lợi cho mình khi cần.
Về phía người sử dụng lao động: Tạo điều kiện cho NLĐ thoải mái về tinh thần, yên tâm về vật chất trong công việc thông qua các quy định về tiền lương, chính sách, chế độ đãi ngộ, thưởng, đời sống sinh hoạt…; thành lập tổ chức Công đoàn (nếu chưa có) tại DN. Công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Trước hết, đối với Công đoàn cơ sở phải tích cực phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tốt hội nghị dân chủ đầu năm. Đặc biệt chú trọng hình thức dân chủ đối thoại tại nơi làm việc để công nhân bày tỏ những khúc mắc, từ đó sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề về việc làm, tiền lương, BHXH và thực hiện các chế độ mà pháp luật quy định. Tổ chức này sẽ đứng ra thương lượng và tìm giải pháp thích hợp nếu có đình công và tranh chấp lao động.
Đối với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn pháp luật ở các cấp Công đoàn. Thông qua hoạt động Tổ tư vấn pháp luật để tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động. Tổ chức các buổi diễn đàn đối thoại trực tiếp để lắng nghe nguyện vọng, mong muốn của NLĐ, phân tích và giải quyết kịp thời vấn đề bức xúc hay khúc mắt của NLĐ.
Về phía các cơ quan ban ngành liên quan: Định kỳ hoặc đột xuất khi cần tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi diễn đàn để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm, quy định về các chế độ, chính sách cho NLĐ và người sử dụng lao động.
Tạo điều kiện tổ chức đối thoại trực tiếp với NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để tiếp nhận và giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của NLĐ.
Thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm tại các DN; tập trung vào những nơi có nhiều DN, khu công nghiệp, DN sử dụng nhiều lao động với các nội dung chính yếu như: Tiền lương, quy định tăng ca, làm thêm giờ, chế độ phúc lợi, tiền ăn giữa ca, đóng - hưởng các chế độ bảo hiểm... Đây là những yếu tố “nhạy cảm” dễ gây nên đình công và tranh chấp lao động nhất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật lao động.
HỘI LUẬT GIA TỈNH