Tranh chấp từ hợp đồng viết tay

Cập nhật: 18-08-2018 | 09:02:43

Một hợp đồng giao dịch mua bán không rõ ràng, không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền sẽ làm cho người bán lẫn người mua gặp rất nhiều rắc rối nếu phát sinh tranh chấp!

 Do có mối quan hệ thân thiết nên bà Trương Thị Ngh. có nhã ý muốn mua một phần diện tích đất của bà Trần Thị Th. để làm của hồi môn cho con cháu. Từ chỗ quen biết, bà Th. đồng ý chuyển nhượng cho bà Ngh. 306m2 đất với giá 100 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận, bà Ngh. đã đặt cọc và giao cho bà Th. tổng cộng 80 triệu đồng. Số tiền 20 triệu đồng còn lại, bà Ngh. sẽ trả sau khi hoàn tất thủ tục sang tên quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Bà Th. cam kết sang tên cho bà Ngh. trong thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên, hết thời hạn 6 tháng bà Th. vẫn không hoàn thành thủ tục sang tên, bà Ngh. đến hỏi thì bà Th. trả lời không làm được và giao giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Ngh. tiếp tục đi làm. Bà Ngh. đồng ý và đi nộp hồ sơ nhưng khi cán bộ địa chính xuống đo đạc, cắm mốc thì bà Th. là chủ đất nhưng không chịu chỉ cụ thể phần đất nào đã chuyển nhượng nên bà Ngh. không thể tiến hành lập thủ tục sang tên được. Sự việc kéo dài đã nhiều năm khiến bà Ngh. mệt mỏi, buộc lòng bà phải làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án “tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà và bà Th. vô hiệu”; đồng thời yêu cầu bà Th. trả lại cho bà số tiền bà đã đưa cộng với lãi suất của số tiền ấy, tổng cộng cả vốn lẫn lời là 120 triệu đồng. Bà sẽ trả lại giấy chứng nhận QSDĐ ngay sau khi đã nhận đủ số tiền yêu cầu.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX xét thấy việc thỏa thuận mua bán giữa đôi bên là đúng sự thật, trong “Giấy mua bán đất vườn” mà hai bên đã ký, các bên không có thỏa thuận việc chuyển nhượng tài sản gắn liền trên đất là cây cao su đã tới kỳ thu hoạch, đây cũng là nguyên nhân phát sinh tranh chấp trong thời gian dài. Mặt khác, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa các bên chưa được công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Phần diện tích đất các bên chuyển nhượng chưa đủ diện tích tối thiểu để được phép tách thửa nên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Th. và Ngh. bị vô hiệu do không tuân thủ về hình thức và vi phạm điều cấm của pháp luật được quy định tại Điều 128 và Điều 134 của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bị vô hiệu do lỗi của cả hai bên. Bà Th. phải trả lại số tiền 80 triệu đồng là có căn cứ, còn yêu cầu tính lãi suất phát sinh là không có cơ sở để xem xét vì đôi bên cùng có lỗi. Đồng thời, tòa cũng buộc bà Ngh. phải giao trả lại giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Th.! Đây là một trong rất nhiều các vụ việc vì thiếu kiến thức và dựa vào mối quan hệ quen biết mà chỉ làm hợp đồng viết tay theo kiểu làm tin, không đến cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực để bảo đảm tính pháp lý của hợp đồng. Đến khi phát sinh tranh chấp thì mới thấy việc làm đúng theo pháp luật là cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho cả đôi bên!

 THỦY TRINH

 

Chia sẻ bài viết
80 TRIỆU NẾU GỬI NGÂN HÀNG THÌ HÃY CÒN CHÚT ÍT TIỀN LÃI CÒN MUA ĐẤT KIỂU TRÊN VỪA TỐN CÔNG SỨC,HẦU KIỆN RÚT CUỘC SAU NHIỀU NĂM ĐỖ TIỀN VÀO VẪN PHẢI NHẬN LẠI TIỀN GỐC 80T
BÀI HỌC CHO NHỮNG AI MUA BÁN MÀ KHÔNG LÀM HĐ CÔNG CHỨNG CHỨNG THỤC THEO QUY ĐỊNH
HỨA VĂN SANG (Cách đây 6 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=433
Quay lên trên