Trao tặng “cần câu”

Cập nhật: 06-08-2024 | 08:15:36

Cùng với những chính sách an sinh xã hội, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn TP.Dĩ An đã có những cách làm hay nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo với tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Chương trình trao tặng sinh kế mang đúng nghĩa tặng “cần câu” chứ không tặng “con cá” nhằm tạo ra thu nhập cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một trong những cách làm hiệu quả như vậy.

 Cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ phường Tân Bình tích cực góp sức chăm sóc vườn rau chăm lo cho người nghèo

Ấm lòng lúc khó khăn

“Không con cái, trong tuổi xế bóng, hai vợ chồng nương tựa vào nhau sống bằng sức của mình. Tôi thì đi lượm ve chai để bán kiếm tiền, còn chồng làm bảo vệ cho một công ty. Chẳng may cách đây vài năm, chồng tôi bị cánh cửa ở phòng bảo vệ sập rớt vào đầu, chấn thương sọ não, với tỷ lệ thương tật 46% phải nghỉ làm. Cuộc sống của gia đình khó lại càng thêm khó…”. Đây là những lời chia sẻ của bà Lê Thị Thược, quê Thanh Hóa, hiện đang ở trọ tại tổ 16A2, khu phố Tân Phú 1, phường Tân Bình (TP.Dĩ An).

Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ chật chội, vừa rót ly nước lọc mời chúng tôi, bà tâm sự thêm, từ ngày chồng bị tai nạn lao động, mất sức nên nghỉ ở nhà. Mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình, thuốc men chữa bệnh cho chồng... chỉ trông cả từ việc lượm nhặt ve chai của mình. Ngày nào may mắn, nhặt được nhiều thì ngày đó cuộc sống sinh hoạt của hai vợ chồng già đỡ khó hơn.

Bà Bùi Thị Sáu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Tân Phú 1 (phường Tân Bình), cho biết thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình bà Thược, bà con trong lối xóm giúp đỡ bằng cách dành dụm những vật dụng như vỏ chai, vỏ lon bia, thùng carton không sử dụng nữa... mang cho. Đặc biệt, vừa rồi bà Thược đã được trao tặng kế sinh nhai là một chiếc xe đạp mới, giúp cho việc đi lại mưu sinh thuận tiện hơn. Đồng thời, tổ chức đoàn thể cũng đang kêu gọi các cá nhân hảo tâm gắn với địa chỉ nhân đạo là gia đình bà Thược để hàng tháng trao tặng nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mì gói, dầu ăn...

Bà Thược tâm sự: “May mắn trong lúc khó khăn tôi đã được bà con lối xóm chia sẻ, giúp đỡ nên cuộc sống của vợ chồng cũng tạm vơi đi phần nào những vất vả. Trong lúc khó khăn như vậy, ngày được tặng chiếc xe đạp mới, tôi mừng như trúng số vậy. Chiếc xe đạp mới đã giúp ích rất nhiều cho việc đi lại mưu sinh hàng ngày của tôi”.

Cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà Nguyễn Thị Bích Tiên, tổ 7, khu phố Tân Phú 2, phường Tân Bình, đã ngoài 50 tuổi nhưng cần mẫn cùng chiếc xe đạp cọc cạch chở các loại rau xanh đi bán ở các ngõ hẻm trên địa bàn phường không kể trời nắng hay mưa.

Bà cho biết cuộc sống sinh hoạt cả ba người già trong gia đình đều trông cả vào thu nhập từ việc mua bán của bà. Hoàn cảnh khó khăn, bà còn phải nuôi mẹ già ngoài 80 tuổi và người anh trai 54 tuổi bị bệnh tai biến nằm liệt một chỗ. Trước đây, còn trẻ khỏe đi làm thuê, ai thuê gì làm đấy. Từ lúc có tuổi, sức khỏe yếu đi không còn ai muốn thuê làm nữa nên bà quay sang buôn bán rau ở chợ gần nhà.

“Từ khi có chiếc xe đạp được tặng, ngoài thời gian bán rau củ quả ngoài chợ, tôi còn tranh thủ chở rau đi bán dạo ở các ngõ hẻm nên thu nhập cũng được cải thiện hơn, ngày nào bán hết hàng trừ chi phí cũng lời khoảng 200.000 đồng. Vì thế cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả và ổn định hơn trước”, bà Tiên chia sẻ.

“Vườn ươm yêu thương”

Để có được những “cần câu” giúp đỡ những người hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trường hợp bà Thược, bà Tiên có thêm sinh kế, cải thiện thu nhập cho gia đình thì ngoài những chính sách an sinh của địa phương, còn có sự chung tay góp sức hỗ trợ hiệu quả từ các mô hình hay của các tổ chức đoàn hội ở địa phương.

Bà Lê Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường Tân Bình, cho biết thời gian gần đây, do khó khăn chung của tình hình kinh tế, phần nào đã tác động không nhỏ tới việc vận động hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn. Do đó, hội đã nảy ra sáng kiến xây dựng mô hình “Vườn ươm yêu thương” để có nguồn lực chủ động trong việc gây quỹ trao sinh kế cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Theo đó, chúng tôi đã phối hợp cùng Hội Nông dân và Ban Chỉ huy Quân sự phường thực hiện mô hình này, trong đó Ban Chỉ huy Quân sự phường cho mượn vườn để trồng rau, còn Hội Nông dân và Hội CTĐ sẽ mua giống, huy động các thành viên bỏ ngày công để luôn phiên trồng và chăm sóc vườn rau. Vườn rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP”, bà Hiếu nói.

 Bà Nguyễn Thị Bích Tiên (phải) vui mừng khi được tặng chiếc xe làm phương tiện mưu sinh

Theo bà Hiếu, từ lúc ra mắt đến nay, vườn rau đã cho thu hoạch 3 đợt, được khoảng 350kg rau các loại, như rau cải ngọt, cải bẹ xanh, rau muống, rau lang, rau dền, mồng tơi... Từ thu hoạch, thành phẩm được đóng bịch bóng kính, có dán tem chứng nhận là rau thu hoạch từ “Vườn ươm yêu thương” và mang đi bán. Sau 3 đợt thu hoạch và tổ chức bán đã gây quỹ được 4,5 triệu đồng.

Đồng thời, khi biết được sản phẩm bán nhằm gây quỹ giúp người hoàn cảnh khó khăn, người dân mua rau đã tự nguyện ủng hộ thêm vào nguồn quỹ. Từ nguồn quỹ có được, hội đã mua 7 sinh kế như xe đạp, nồi hấp bánh, bếp gas... với tổng trị giá 10,5 triệu đồng để trao cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có nhu cầu hỗ trợ sinh kế, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát khỏi khó khăn hiện tại. “Chúng tôi xác định phương châm hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, thực chất, hiệu quả, phải nắm chắc đối tượng khó khăn cần được hỗ trợ phù hợp với điều kiện hiện tại”, bà Hiếu chia sẻ.

Ý nghĩa của “Vườn ươm yêu thương” đã lan tỏa sâu rộng đến người dân, cán bộ, hội viên cùng chung tay góp sức. Đơn cử như trường hợp của bà Ngô Kim Luôn, Chi hội trưởng Chi hội CTĐ khu phố Tân Thắng đã tự nguyện cho mượn 1.500m2 đất để mở rộng diện tích “Vườn ươm yêu thương”. Với sự hỗ trợ này, sắp tới sản lượng rau, cũng như nguồn thu của “Vườn ươm yêu thương” sẽ tăng thêm. Từ đó, nhiều người hoàn cảnh khó khăn sẽ có cơ hội nhận được trao sinh kế và tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo…

 Bà Trần Thị A Hạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Bình, cho biết cùng với những chính sách an sinh của Nhà nước, của địa phương, các tổ chức đoàn thể địa phương đã phát huy hiệu quả nhiều cách làm hay góp sức thêm vào công tác an sinh của địa phương. Đáng chú ý mô hình “Vườn ươm yêu thương” của các tổ chức Hội CTĐ và Hội Nông dân phường rất thiết thực, hiệu quả nhằm chủ động tạo nguồn quỹ giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có nhu cầu về sinh kế để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển TP.Dĩ An giàu đẹp, văn minh, hiện đại và nghĩa tình...

ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=764
Quay lên trên