Kỳ 2: Tấm lòng sẻ chia tại các khu nhà trọ
Những ngày cuối tháng 3, khi dịch bệnh bước vào giai đoạn cao điểm, tại Bình Dương bắt đầu lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp đến từng khu phố, giúp bà con từng phần quà, ký gạo; đây cũng là lúc chủ các nhà trọ trên địa bàn tỉnh thực hiện tinh thần “Tương thân tương ái”, miễn và giảm tiền thuê trọ cho công nhân lao động, người có hoàn cảnh khó khăn. Nước mắt người ở trọ đã rơi, hàng chục ngàn phòng trọ được giảm giá thuê phòng.
Lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một thăm hỏi, động viên người ở trọ trên địa bàn trong những ngày qua
Giọt nước mắt nghĩa tình
Chiều 26-3 vừa qua, Facebook cá nhân của một vài bạn sinh viên trường Đại học Bình Dương đăng thông tin được miễn tiền thuê trọ trong tháng 4. Nhân Nguyễn, sinh viên năm 3 viết status: “Thương cô Anh thế… biết tụi con đang đi trốn dịch là miễn tiền thuê phòng à. Mai mốt con mang gà zề tặng cô nhé”. Qua thông tin từ chính quyền địa phương, cánh phóng viên chúng tôi nhanh chóng tìm ra khu nhà trọ của bà Thái Thị Kim Anh ở khu phố 8, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một. Cơ sở trọ Kim Anh đã hoạt động nhiều năm, có hơn 50 phòng trọ cho sinh viên và lao động nghèo thuê. Với sinh viên, được giảm 100% tiền thuê trong tháng 4, còn người lao động giảm 50% tiền thuê.
Và chỉ hơn 1 giờ sau, chúng tôi lại nhận được tin cơ sở trọ của bà Đoàn Thùy Dương (ngụ phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), miễn tiền thuê phòng 100% trong hai tháng 4 và 5 cho gần 400 người lao động đang ở trọ. Trưa cùng ngày, bà Dương đã gõ cửa từng phòng trọ hỏi thăm công việc, cuộc sống của từng người, sau đó thực hiện ngay việc miễn giá thuê phòng. Tâm sự về lòng tốt của bà chủ trọ, chị Đ.T.M. X. (quê Ninh Thuận), người bán hàng rong cảm động bật khóc. “1,3 triệu đồng/tháng thuê phòng, số tiền ấy với lao động nghèo như chúng tôi không dễ kiếm. Nhưng tôi xúc động là vì nghĩa tình. Tuy chúng tôi ở trọ, nhưng chị Dương xem mọi người như một gia đình. Ai không có việc làm thì chị tạo công việc bằng cách đi bán vé số. Ai nghèo khó, bệnh đau chị cho mượn tiền, thăm hỏi, cho quà. Nói chung, cả khu trọ này rất tình cảm, như sống dưới một mái ấm gia đình”. Công việc bán hàng rong của chị X. cũng đủ sống, nhưng trải qua nhiều ngày không buôn bán, số tiền kiếm được vơi dần, chi tiêu tằn tiện. Được miễn tiền phòng, gia đình chị bớt lo hơn về cái ăn trong những ngày sắp tới.
Tại khu nhà trọ này, rất nhiều người khó khăn như gia đình chị X., ông S. (56 tuổi), người làm bảo vệ trong một công ty trên địa bàn cũng xúc động, chia sẻ: “Một tháng thu nhập của tôi chỉ được 4,6 triệu đồng, tiền trọ của gia đình là 1,3 triệu đồng. Được giảm 2 tháng liền cuộc sống gia đình sẽ đỡ lắm…”.
Đã gần 1 tháng trôi qua, khi nhìn thấy đời sống người ở trọ dần ổn định, chất lượng bữa ăn của mỗi gia đình được cải thiện nhờ không phải đóng tiền thuê trọ, bà Dương không giấu được niềm vui. “Thương lắm, người bán vé số hay hàng rong thì tiền kiếm được chỉ trang trải qua ngày. Rồi còn công này việc kia, nên cứ thiếu trước hụt sau. Nếu dịch bệnh không sớm trôi qua, thì tôi còn miễn tiền trọ cho bà con dài dài, đến khi nào đi làm trở lại mới thôi. Ở đời ai cũng có giai đoạn khó khăn, nay mình ổn rồi phải biết sẻ chia với bà con, xã hội khi gặp dịch bệnh như thế này”, bà Dương nói.
Chia sẻ về khu trọ của mình là đầu tiên trong tỉnh thực hiện việc miễn tiền thuê phòng cho người lao động, bà Dương cho biết: “Xuất phát từ cái tâm, chứ cũng không biết mình là người đầu tiên gì hết. Lúc đó chính quyền địa phương cũng chưa vận động rầm rộ như bây giờ đâu. Hơn nữa, từ lâu mình đã làm từ thiện, giúp nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh. Khi nhìn thấy người ở trọ của mình khó khăn thì giúp ngay. Nói chung chừng nào còn dịch bệnh hay cách ly, bà con cứ ở miễn phí”.
Lay động trái tim người chủ trọ
Từ những giọt nước mắt nghĩa tình tại khu trọ của chị Dương, cô Kim Anh được nhiều trang mạng chia sẻ, lan truyền; cộng với cuộc vận động miễn, giảm giá thuê phòng cho công nhân lao động, đã làm lay động hàng ngàn trái tim của người chủ trọ. Chỉ một tuần sau ngày 26- 3, các cấp công đoàn trong tỉnh, cán bộ phụ nữ, khu phố ở khắp các thị xã, thành phố đã gõ cửa từng khu nhà trọ. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh hay lãnh đạo của các thành phố, thị xã cũng đã tìm đến từng phòng trọ thăm hỏi, động viên người lao động, chia sẻ với chủ nhà trọ.
Trong đó, người đứng đầu ban điều hành các khu phố, những đảng viên lớn tuổi ở địa phương đã làm người tiên phong. Có thể nhắc đến những trường hợp như ông Hồ Thanh Tâm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Điều hành khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An. Với tổng số khu nhà trọ có 600 phòng và các cơ sở mặt bằng cho thuê, mỗi tháng ông Tâm giảm 320 triệu đồng doanh thu của gia đình. Ông Tâm chia sẻ: “Với tình hình khó khăn chung như hiện nay, chủ nhà trọ cũng gặp khó. Tuy nhiên, dân tộc ta có truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, bà con ắt sẽ biết phát huy. Nếu tình hình sắp tới dịch bệnh vẫn kéo dài thì gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ người ở trọ”.
Thông qua Câu lạc bộ Chủ nhà trọ trong khu phố, ông Tâm còn vận động mọi người kinh doanh nhà trọ miễn giảm 20 - 50% tiền phòng cho người thuê trọ. Được biết trong thời gian qua, ông Tâm cũng tích cực tuyên truyền cho công nhân lao động về cách phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi các tổ chức, các nhóm thiện nguyện tặng 12.000 khẩu trang cho người ở trọ.
Những ngày qua, khi tác nghiệp trong mùa dịch bệnh Covid-19, nhóm phóng viên chúng tôi còn ghi nhận những cách làm hay của chủ nhà trọ trong việc cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt “cách ly xã hội”, phòng chống dịch bệnh ở khu nhà trọ, xen kẽ với việc giảm giá thuê phòng cho người lao động. Khu nhà trọ của anh Nguyễn Hoàn An, ở tổ 19, khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An có tổng cộng 25 phòng trọ luôn thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, kể cả người đi bộ ra đầu hẻm mua nước uống, thức ăn. Anh An cho biết lúc mới xảy ra dịch bệnh sau Tết Nguyên đán 2020, người dân vẫn còn chủ quan trong khâu phòng, chống dịch bệnh. Ở đây đa phần là công nhân, dù vào công ty họ thực hiện rất nghiêm túc khâu phòng dịch bệnh, nhưng về đến phòng trọ là tháo khẩu trang, trò chuyện vô tư. Sau nhiều lần khu phố vào nhắc nhở, vận động, đặc biệt là lúc Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức vận động bà con chủ trọ miễn hoặc giảm tiền thuê trọ cho người lao động, anh An liền nghĩ ra một cách để thuyết phục bà con. Đó là, nếu phòng trọ nào không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ không được miễn hoặc giảm tiền thuê trọ. Vì khu trọ có camera an ninh, được giám sát chặt. Ở khu trọ của mình, anh An giảm 50% tiền thuê trọ trong tháng 4 và 5 và sẽ tiếp tục giảm cho bà con trong những tháng tới khi chưa hết dịch bệnh. Sau khi anh An thực hiện theo cách này, 100% người ở trọ chấp hành, mọi người rất hạn chế trò chuyện nếu không thực sự cần. Có khi từ phòng này sang phòng kia, họ chỉ nhắn tin, hoặc gọi Zalo cho nhau vì nhà trọ có wifi miễn phí.
Anh An và rất nhiều chủ trọ khác cũng là người làm công ăn lương, phải vay mượn tiền để xây từng phòng trọ, nhưng với tinh thần chống dịch được lan truyền, tình người Bình Dương lại được phát huy.
Kỳ 3: Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp
QUANG TÁM