Chuyện trẻ 5 tuổi học trước chương trình lớp một không phải là mới mẻ. Tác hại của việc học trước tuổi thì ai cũng rõ, nhưng phụ huynh (PH) thì phớt lờ những lời khuyến cáo của những người làm giáo dục, còn giáo viên (GV) dạy vẫn cứ dạy.
Dạy - học tràn lan
Chị Tuyết Mai, Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở phường Phú Lợi, TX.TDM than: “Năm nào cũng vậy, qua học kỳ II, số học sinh (HS) lớp lá giảm 20% sĩ số. Nguyên nhân là PH chuyển con đến những trường tư thục có dạy chữ hoặc cho nghỉ hẳn ở nhà để học trước chương trình lớp một. Chúng tôi có giải thích thiệt hơn nhưng PH vẫn bỏ qua, bởi tâm lý, con người ta học thì con mình cũng phải học, nếu không muốn thua kém bạn bè”.
Trong trường mẫu giáo, trẻ 5 tuổi đã được làm quen với chữ viết
Từ nhu cầu thực tế đó nên nhiều GV tiểu học không ngần ngại dạy trước chương trình cho trẻ lớp lá. Và không khó để tìm một vài địa chỉ như thế. Chúng tôi đã thử vào một địa chỉ ở khu phố 2, phường Hiệp Thành (TX.TDM). Khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày, có khoảng 10 HS đến học thêm, trong số những em đang học lớp một, có cả những bé còn đang học mẫu giáo. Nhiều bé õng ẹo không chịu vào học, vì trong lớp mẫu giáo bé học mà chơi, chơi mà học; còn vào đây phải ngồi học nghiêm túc, viết mỏi cả tay, nếu ngọ nguậy là bị cô mắng hoặc gõ thước bản xuống bàn.
Việc học trước chương trình đã trở thành “phong trào”, nên một bộ phận GV mạnh dạn dạy thêm trẻ 5 tuổi, thậm chí ngay cả GV đang dạy mẫu giáo cũng nhận dạy thêm với những trẻ có nhu cầu học trước chương trình lớp một. Cô D., ở phường Phú Hòa là một điển hình. Hiện cô đang dạy ở một trường mẫu giáo nhưng ngày ngày vẫn dạy chữ cho những trẻ có nhu cầu. Chúng tôi đã “đóng vai” một PH vào xin cho con học, cô đồng ý ngay. Thời gian học là từ thứ hai đến thứ sáu, từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút. Qua giới thiệu của cô, được biết trong số trên 10 em đang học ở đây thì có khoảng 2/3 em đang học lớp lá (trẻ 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1).
Tình trạng HS học trước chương trình tràn lan như hiện nay không thể đổ lỗi hoàn toàn cho GV, mà cái chính là do tâm lý của PH. Lý do chính là sợ con thua kém bạn bè khi vào lớp một, nên cho con học trước chương trình. Anh S. mới cho con đi “luyện chữ” khoảng 1 tháng nay nói: “Con tôi bây giờ học là trễ rồi, bạn bè của nó đã học từ đầu năm học. Nhiều PH có con học chung khoe, con họ đã biết đọc, biết làm toán. Tôi e rằng, không cho con học, khi vào lớp một sẽ không theo kịp bạn bè...”.
Để duy trì sĩ số HS ở lớp lá, cũng như chống tình trạng cho trẻ học trước, các trường mẫu giáo tăng cường công tác tuyên truyền đến PH, một số trường tư thục còn in những bài viết nêu tác hại của việc học trước tuổi của các chuyên gia giáo dục phát cho PH. Ông Lê Minh Phúc, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Dĩ An cho biết, để giảm bớt tình trạng trẻ bỏ học để ra ngoài luyện chữ, từ năm học trước ngành có chủ trương: những HS có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình mẫu giáo sẽ được ưu tiên xét tuyển lớp một. Từ đó, số HS nghỉ bỏ học có giảm, nhưng năm học này vẫn còn 5 - 10% HS lớp lá nghỉ học.
Tác hại
Cô Bùi Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Phú Lợi, TX.TDM chia sẻ: “Nếu PH cho con em học trước sẽ gây khó khăn cho GV lớp một vì chất lượng HS trong lớp không đồng đều. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là những em học trước chương trình, khi vào lớp thường không tập trung học, do tâm lý đã biết rồi, dần dần sẽ dẫn đến việc học sa sút. Còn những em chưa biết gì thì chán vì thấy thua sút bạn bè”.
Trường hợp PH cho con học ở những GV dạy mẫu giáo thì còn có nhiều tác hại khác. Do không có kinh nghiệm dạy lớp một, một số GV không thể hướng dẫn HS viết chữ đúng quy định về ô ly, kích cỡ chữ. Chưa kể, GV không rèn được HS tư thế ngồi, cầm viết đúng cách... với HS, một khi đã thành thói quen thì rất khó sửa.
Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT cho biết, ở trường, trẻ 5 tuổi được cô dạy làm quen với 24 chữ cái, nhận biết chữ qua các hoạt động vui chơi, trò chơi ghép chữ; được học toán qua các trò chơi, qua so sánh các đồ vật... Nếu dạy chữ sớm, trẻ học vẹt là chủ yếu, vì tư duy của trẻ ở lứa tuổi này chưa mang tính logic. Tốt nhất là khi trẻ 5 tuổi, PH nên cho con em vào lớp mẫu giáo. Học đủ một năm học, trẻ sẽ được chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học. Nói chung là GV giúp trẻ chuẩn bị tâm thế để vào lớp một”.
Nhu cầu PH cho con em học chữ trước là có, nhưng không vì thế mà GV nhận dạy chữ cho trẻ lớp lá. Hơn ai hết, GV là người hiểu rõ những tác hại khi cho trẻ học chữ sớm. Còn PH cũng không nên chạy theo phong trào, đừng thấy cái lợi trước mắt mà quên đi tác hại về lâu về dài. “Trẻ chưa đủ tuổi, các cơ tay còn non yếu, nếu phải cầm viết liên tục, cầm viết không đúng cách thì dễ bị ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ ngồi sai tư thế như ngồi khòm lưng, cúi sát mặt bàn... lâu ngày sẽ dẫn đến cong vẹo cột sống, bị cận thị” - bà Huệ Trang cho biết thêm.
Tại cuộc họp trực tuyến ngành học mầm non được ngành GD-ĐT tổ chức vào đầu năm nay, bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đã nhắc nhở, các cơ sở giáo dục mầm non đẩy mạnh tuyên truyền về ngành học, tích cực duy trì tỷ lệ chuyên cần cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ 5 tuổi, tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp một cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi dưới bất cứ hình thức nào.
HỒNG THÁI