Bài 3: Chung sức đánh Pháp
> Bài 2: Củng cố hoạt động
> Bài 1: Những “viên đá” nền móng
Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, dù hoàn cảnh rất khó khăn về phương tiện vật chất, thiếu đói nhưng ngành tuyên huấn của tỉnh vẫn nỗ lực hết sức phục vụ cho công tác Đảng. Những bước trưởng thành về tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tuyên huấn cũng như của các tầng lớp nhân dân đã biến thành sức mạnh góp phần đánh thắng kẻ thù.
Tăng cường đoàn kết nội bộ
Tháng 5-1951, chấp hành chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Thủ Biên được thành lập trên cơ sở sát nhập 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và chính thức đi vào hoạt động. Ban Tuyên huấn của 2 tỉnh cũng được nhập lại làm một với tổng số cán bộ, nhân viên khoảng 25 người. Cơ quan đóng tại suối Đỉa, xã Chánh Hòa trước đây.
Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Giao (bìa phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải tại hội nghị sơ kết cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh: Q.CHIẾN
Trong giai đoạn này, địch tiến hành chủ trương “Bình định gấp rút, phản công quyết liệt” nhằm giành thế chủ động trên chiến trường. Đối với tỉnh Thủ Biên, các huyện có đông dân như Lái Thiêu, Châu Thành… bị địch càn quét đánh phá liên tục. Chúng đóng thêm nhiều đồn bót trên các trục giao lộ giao thông quan trọng, cắt đứt đường giao thông liên lạc giữa các huyện ấy với cơ quan đầu não đóng tại Chiến khu Đ. Là vùng dân cư thưa thớt, rừng nhiều, ruộng ít, lúa gạo tại chỗ không đủ ăn nên các cơ quan, đơn vị Dân Chính Đảng tại Chiến khu Đ trở nên khó khăn, thiếu thốn. Mặt khác, do địch hoạt động ngày càng ráo riết nên các nguồn thu của ta cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Từ thu mười nay không còn một, trong khi lực lượng tăng gấp đôi. Đứng trước tình hình ngày càng khó khăn, trước hết mọi kinh phí đều cắt giảm đến mức tối đa; sinh hoạt phí chỉ còn đủ mỗi người 10 lít gạo/tháng với ít muối trắng. Tổ chức bộ máy nói chung được nhập nhiều cơ quan làm một theo hướng “Tinh giản biên chế, tinh binh tinh cán”. Cơ quan tuyên huấn cũng vậy.
Do tỉnh Thủ Biên mới được thành lập nên việc đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Công tác tư tưởng của tỉnh lúc này tập trung các vấn đề củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Trong lúc này, cán bộ, nhân viên thiếu gạo phải ăn độn mì, khoai lang, thiếu nữa thì tìm mọi thứ rau, cỏ có thể ăn được cho đỡ đói. Đầu năm 1952, cơ quan tổ chức một đợt ra quân phát rừng làm rẫy ở Cây Chanh, ven Sông Bé. Tất cả đang chờ một mùa bội thu thì ngày 20- 10-1952, một trận bão lụt chưa từng có đã tàn phá tất cả mùa màng cả rẫy lẫn ruộng ở những vùng cập theo các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Tính.
Tình trạng thiếu đói trước bão lụt không chỉ xảy ra trong cơ quan, đơn vị mà cả người dân. Nhiều gia đình đã đùm túm nhau ra thành tìm kế sinh nhai cho qua những ngày gian khổ đó. Do không chịu nổi khó khăn, thỉnh thoảng trong từng cơ quan, đơn vị cũng có kẻ đào ngũ. Song số này ra đi vì đói cho nên chỉ xoay xở kiếm sống chứ không để giặc lợi dụng, phản bội kháng chiến.
Trong vòng 1 tháng sau khi lụt, từng cơ quan, đơn vị đều rút khẩu phần ăn lại, ăn độn là chính, hạt gạo chỉ để tượng trưng. Cán bộ, nhân viên ăn cả mì luộc, lá lang, rau tàu bay… Trước tình hình đó, Phân liên khu ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân liên khu miền Đông giúp tỉnh Thủ Biên trên 1 triệu đồng và vận động các tỉnh ở Nam bộ cứu trợ thêm cho tỉnh Thủ Biên. Nhờ có tiền cứu trợ mà mỗi cơ quan, đơn vị được cấp kinh phí hàng tháng, tổ chức mua gạo muối ở huyện Châu Thành. Vào thời điểm này, địch nắm được chỗ nhược của ta nên vừa mở nhiều cuộc càn quét vào Chiến khu Đ, vừa tổ chức phục kích trên đường 16. Có nhiều lúc, hạt gạo mua và mang về đến cơ quan đã tẩm máu của cán bộ, nhân viên.
Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
Trong tình hình rất khó khăn sau trận bão lụt năm Nhâm Thìn nhưng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy vẫn cố gắng mở được hai khóa “Cải tạo tư tưởng” cho trên 100 cán bộ trung, sơ cấp của tỉnh và huyện. Và sau cuộc họp “Chỉnh lý phương châm hoạt động” khắc phục tư tưởng hữu khuynh trước đây, từng bộ phận đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đã luồng sâu vào vùng yếu, xây dựng cơ sở, đưa phong trào đánh địch cả chính trị và vũ trang lên từng bước, buộc địch phải co lại đối phó ngay tại sào huyệt của chúng. Vùng căn cứ và vùng du kích dần được ổn định và củng cố.
Giữa năm 1953, khi đồng chí Lê Đình Nhơn, Trưởng ban Tuyên huấn học xong khóa 3 trường Chính trị trung cao cấp Trường Chinh ở Nam bộ trở về, trường Đảng có điều kiện hoạt động trở lại. Trường mở tiếp 2 khóa “Cải tạo tư tưởng” tại Cây Chanh. Mỗi khóa khoảng 2 tháng với trên dưới 60 học viên, bao gồm cán bộ trung, sơ cấp của tỉnh và huyện, cán bộ tiểu đoàn, đại đội các đơn vị vũ trang trong tỉnh. Học viên học đến đâu liên hệ đến đó về tình hình tư tưởng, đạo đức, hành động của mình thời gian qua. Những ngày cuối cùng tiến hành tổng kiểm thảo, các học viên đấu tranh với nhau rất quyết liệt trong tinh thần xây dựng “Trị bệnh cứu người”; ngoài ra còn giúp cho từng đồng chí phương pháp sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để xứng đáng là học trò nhỏ, là đồng chí nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Song song với các khóa của trường Đảng tỉnh, Tỉnh ủy giao cho đồng chí Lê Đình Nhơn tổ chức học tập tại chức một số bài cho cán bộ cơ sở từ trung cấp thuộc các cơ quan Dân Chính Đảng. Vừa học tập lý luận, vừa liên hệ thực tế tình hình tư tưởng của từng người để mọi người thấy rõ ưu, khuyết điểm của mình, phấn đấu vươn lên làm tròn trách nhiệm đảng viên trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cứu nước.
Tuy còn thiếu thốn nhiều về vật chất và trang phục, Đoàn Văn công nhân dân tỉnh Thủ Biên cố gắng dàn dựng và đi biểu diễn ở một số xã thuộc Tân Uyên, Bến Cát, Hớn Quảng. Những vở diễn chưa thật hoàn hảo, lời ca có lúc không đủ hơi nhưng các diễn viên văn công được mọi người nhiệt liệt hoan nghênh. Điều này cũng dễ hiểu vì gần 2 năm im bặt tiếng đàn, lời ca, nay mới được thưởng thức lại món ăn tinh thần nên ai cũng phấn khởi.
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ bằng đấu tranh chính trị theo đường lối hòa bình nhằm buộc đối phương thi hành đầy đủ hiệp định. Từ đây, công tác tư tưởng cũng chuyển sang một giai đoạn mới.
Có thể nói rằng, trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hoàn cảnh rất khó khăn về phương tiện, thiếu đói nhưng ngành tuyên huấn vẫn hết lòng, hết sức phục vụ cho công tác Đảng về mặt tư tưởng, góp phần động viên chính trị, tư tưởng và tinh thần quân dân địa phương chiến đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trải qua những năm tháng gay go, ác liệt, nhất là nạn thiếu đói nặng nề sau trận bão lụt năm Nhâm Thìn, tuyệt đại đa số cán bộ, nhân viên trong ngành tuyên huấn luôn kiên định lập trường chiến đấu, một lòng theo Đảng đến khi kết thúc cuộc chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Từ ngày thành lập đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngành tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một đã góp một phần công sức quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến đó. Những bước trưởng thành về tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tuyên huấn cũng như của các tầng lớp nhân dân đã biến thành sức mạnh tinh thần và vật chất góp phần đánh thắng kẻ thù. Đó cũng là hành trang để ngành tuyên huấn tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới.
Bài 4: “Mưa dầm thấm sâu, mưa lâu mềm đất”
ĐÌNH HẬU – THU THẢO