> Bài 1: Những “viên đá” nền móng
Sau khi được thành lập (ngày 10-5-1949), Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã chạy đua với thời gian vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, đi đôi với việc không ngừng bồi dưỡng nâng cao lý luận chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác Đảng từ tỉnh đến huyện và cơ sở…
Sáng kiến kịp thời
Khi mới thành lập, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chỉ có 2 cán bộ và Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam kỳ vẫn chưa có chỉ thị, thông tri hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của ngành tuyên huấn Đảng. Để kịp thời biên soạn một tài liệu học tập thống nhất cho cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên huấn phải khẩn trương xây dựng một bộ tài liệu học tập có tính phổ thông song vẫn bảo đảm cung cấp được những kiến thức cơ bản, tối thiểu về cách mạng, về Đảng cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh.
Trong những ngày đầu thành lập, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã tập trung tuyên truyền về Đảng và Bác Hồ đến với cán bộ, đảng viên và đồng bào. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên trong tỉnh xem tác phẩm hội họa về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương của Bác năm 2013 Ảnh: ĐÌNH HẬU
Giữa năm 1949, tỉnh đã phát hành được tài liệu học tập đầu tiên với số lượng vừa đủ cho các đảng viên gồm các nội dung như: Giai cấp là gì, cách mạng là gì, cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng vô sản, sơ lược lịch sử Đảng… Việc học tập sau đó được phát động và chỉ đạo chặt chẽ. Không khí học tập sôi nổi, đều khắp ở các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Sau khi học tập các tài liệu do Ban Tuyên huấn biên soạn, các đảng viên phải viết một bài giải đáp.
Trong lúc chưa có tài liệu học tập thống nhất cho toàn Nam bộ thì ở Thủ Dầu Một đã tổ chức biên soạn tài liệu học tập cho đảng viên và được chỉ đạo rất chặt chẽ. Đó có thể xem là một sáng kiến của Tỉnh ủy. Việc tổ chức học tập kịp thời cho cán bộ, đảng viên đã góp phần nâng cao nhận thức và lòng nhiệt tình chiến đấu của đảng viên; tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tin tưởng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về nhận thức chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội, gắn liền với độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là việc làm hết sức cần thiết lúc bấy giờ.
Đào tạo cán bộ
Đầu tháng 1-1950, Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một tiến hành một hội nghị đại biểu tại sở cao su Trao Trảo (xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên hiện nay). Hội nghị này là một bước ngoặt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và những mặt công tác khác ở tỉnh Thủ Dầu Một. Trong hội nghị, đoàn kiểm tra Trung ương giao cho Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một một số tài liệu chính trị, trong đó có 2 bộ tài liệu huấn luyện cho cán bộ cơ sở và đảng viên. Mỗi bộ tài liệu gồm 6 bài được biên soạn theo kiểu dàn bài chi tiết. Với 12 bài của hai bộ tài liệu, mỗi bài vừa giảng vừa thảo luận ở tổ trong 2 ngày và thêm hai ngày để tổng kiểm thảo cuối khóa.
Để hợp lý hóa bộ máy điều hành ở các lớp học, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã bàn bạc với Ủy ban kháng chiến hành chính nhất trí đề nghị Tỉnh ủy chọn người thành lập trường Chính trị chung cho tỉnh. Trường sẽ chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ, kể cả cán bộ Đảng và cán bộ chính quyền cơ sở.
Có thể nói, trong năm 1950, ngành tuyên huấn “được mùa” lớn về đào tạo cán bộ cơ sở. Trong năm đã mở 3 khóa huấn luyện cán bộ cơ sở, bao gồm Bí thư, chi ủy viên phụ trách tuyên huấn, chi ủy viên phụ trách đảng vụ kiểm tra và một khóa cán bộ sơ cấp theo chương trình riêng. Đây là năm đầu tiên từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vấn đề đào tạo cán bộ đi vào nề nếp với chương trình thống nhất sát hợp với yêu cầu trước mắt của việc đào tạo cán bộ cơ sở phục vụ kháng chiến. Các khóa huấn luyện về Đảng đã giúp học viên nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản của chủ nghĩa cộng sản, Điều lệ Đảng, công tác nội bộ, công tác tự phê bình và phê bình, công tác kháng chiến kiến quốc, công tác quần chúng, thi đua…
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để mở rộng công tác tuyên truyền, giáo dục nội bộ và chào mừng Đảng ta ra hoạt động công khai, đầu năm 1951, Tỉnh ủy quyết định xuất bản tờ nội san của Đảng bộ lấy tên là “Xây dựng”. Nội san ra hàng tháng với 1.000 bản/kỳ, được in trên giấy láng, trình bày khá đẹp mắt. Nội dung chủ yếu tập trung vào các chủ đề: Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản, công tác cụ thể về xây dựng Đảng, phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, các bài phản ánh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước.
Giữa năm 1950, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thành lập đội lưu huấn theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Khu ủy miền Đông. Đội có nhiệm vụ đến những xã xa xôi hẻo lánh trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, báo cáo tình hình kháng chiến trong nước, trong tỉnh, sinh hoạt văn nghệ cho đồng bào nghe. Thời gian này, cả khu 7 chỉ có Thủ Dầu Một thành lập được đội lưu huấn và được Ban Tuyên huấn khu đánh giá rất cao.
Cũng trong thời gian này, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy phối hợp với Ty Thông tin tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền chào mừng Đảng ta ra hoạt động công khai. Ban đã tiến hành một đợt tuyên truyền rộng rãi gần nửa năm bằng nhiều tài liệu và hàng chục cuộc họp nhằm giới thiệu lược sử chiến đấu kiên cường vì nước, vì dân của Đảng. Càng hiểu biết về Đảng, về tôn chỉ mục đích cao đẹp của Đảng, nhân dân địa phương ngày càng yêu mến Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng mà đứng đầu là Hồ Chủ tịch, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Song song với các hoạt động tuyên truyền, vận động, Ban Tuyên huấn còn cử cán bộ đến các xã mở nhiều cuộc họp nhằm tập trung đồng bào để tuyên truyền về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các đợt tuyên truyền như vậy những người đến họp có quyền chất vấn những vấn đề gì mình thấy chưa rõ.
Những bản tin, tài liệu do Ban Tuyên huấn biên soạn đã giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao về nhận định cũng như hiểu biết thêm về tình hình thời cuộc. Bên cạnh đó, những đợt đi công tác xuống cơ sở của cán bộ tuyên huấn để cùng sống và hoạt động trong nhân dân không những đã truyền đạt cho đồng bào những hiểu biết về kháng chiến, về Đảng và Bác Hồ mà còn tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa quần chúng với Đảng. Những kết quả hoạt động của ngành tuyên huấn từ đầu cuộc kháng chiến đến năm 1951 đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu trong công tác chuyên môn của ngành để tiếp tục góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.
Bài 3: Góp sức đánh Pháp
TRÍ DŨNG - THU THẢO