Bài 4: “Mưa dầm thấm sâu, mưa lâu mềm đất”
> Bài 3: Chung sức đánh Pháp
> Bài 2: Củng cố hoạt động
> Bài 1: Những “viên đá” nền móng
Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, những người làm công tác tuyên huấn luôn nêu cao tinh thần xung phong, bám dân, nắm chắc tư tưởng của dân và đẩy mạnh tuyên truyền theo phương pháp “Mưa dầm thấm sâu, mưa lâu mềm đất”. Nhờ đó, cuộc chiến cuối cùng đã giành thắng lợi, giang sơn thu về một mối, Tổ quốc được thống nhất, dân tộc Việt Nam được sống trong nền hòa bình, tự do, độc lập, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Các cán bộ lão thành ngành tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một gặp mặt tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một - Bình Dương (10.5.1949 - 10.5.2014) Ảnh: Q.CHIẾN
Xây dựng hệ thống tuyến truyền bí mật
Sau Hiệp định Giơnevơ ngày 20-7-1954, đồng bào miền Nam nói chung và nhân dân Thủ Dầu Một nói riêng lại bước vào cuộc kháng chiến mới với những khó khăn, thử thách hết sức ngặt nghèo. Ngành tuyên huấn cũng hòa chung dòng chảy lịch sử ấy.
Đến cuối tháng 7-1954, cơ quan Tuyên huấn Đảng và Thông tin tuyên truyền được thu gọn lại chỉ còn trên dưới 10 người với tên gọi Ban Tuyên huấn, đóng tại Bàu Xuân (thuộc xã Thanh Lâm, huyện Tân Uyên xưa). Nhiệm vụ đầu tiên của ban lúc này là chôn giấu hết máy in chữ chì và dụng cụ nhà in nặng khoảng 1 tấn. Dụng cụ được giữ lại chỉ còn giấy mực và một máy đánh chữ để in văn bản Hiệp định Giơnevơ chuyển đến các Đảng bộ cơ sở trong toàn tỉnh. Trong điều kiện khó khăn đó, cơ quan cũng liên tục di chuyển chỗ ở, gây không ít khó khăn cho công tác tuyên truyền.
Cuối tháng 8-1954, cơ quan từ Bàu Xuân dời về Cây Chanh ở bờ nam sông Bé. Nhưng chỉ sau 1 tuần, cơ quan phải dời đến suối Mã Đà vì sự càn bố của địch. Đến đầu tháng 10-1954, Ban Tuyên huấn lại dời về Suối Linh. Đến cuối năm 1954, tỉnh Thủ Biên được tách ra làm 2 là Thủ Dầu Một và Biên Hòa, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chuyển về trú đóng ở xã Long Nguyên. Sang giữa năm 1955, tiếp tục dời về xã Thanh An và đến đầu năm 1956 chuyển về xã Thới Hòa (huyện Bến Cát).
Trong suốt thời kỳ từ 1954- 1959, công tác tuyên huấn chủ yếu là tuyên truyền miệng (TTM) bằng hình thức “rỉ tai” theo hệ thống bí mật. Trong hội nghị, học tập phải cố nghe và nhớ, tuyệt đối không được ghi chép; truyền đạt cái gì cho người khác cũng chỉ bằng miệng qua trí nhớ mà thôi.
Đảng quy định mỗi đảng viên, đoàn viên ở cơ sở phải xây dựng riêng cho mình một hệ thống bí mật gồm quần chúng nòng cốt, quần chúng tích cực và quần chúng cảm tình. Mỗi hệ thống bí mật gồm từ 2 - 4 quần chúng nòng cốt; mỗi quần chúng nòng cốt có 2 - 4 quần chúng tích cực và mỗi quần chúng tích cực có từ 2 - 4 quần chúng cảm tình. Hệ thống bí mật này là hệ thống TTM hàng ngày của đảng viên, đoàn viên; đồng thời là hệ thống tiếp nhận sách báo, truyền đơn bí mật để tự mình đọc và dán, rải bí mật cho đông đảo quần chúng xem.
Bước sang năm 1960, hình thức TTM bắt đầu có chuyển biến lớn từ thế yếu lên thế mạnh bằng họp xóm, họp ấp. Về nội dung đã được cơ sở cách mạng nói thẳng vấn đề: phải vùng lên tấn công địch bằng cả chính trị, võ trang và binh vận nhằm mục tiêu đánh đổ ngụy quyền tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến tranh (1961- 1965), công tác tuyên huấn có nhiều hình thức phong phú hơn. Có thể nói, đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của Ban Tuyên - Văn - Giáo, sau này là Ban Tuyên huấn Bình Dương. Lúc này, Ban Tuyên huấn có đầy đủ các bộ phận như có ban lãnh đạo, văn phòng, nhà in, thông tin văn hóa, giáo dục, huấn học và Trường Đảng với tên gọi tương ứng từ B1 cho tới B5. Với mục tiêu chung của công tác tuyên truyền là vận động toàn dân nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ trên một địa bàn ngày càng rộng. Tham gia đấu tranh bằng chính trị, võ trang và tấn công binh vận, làm suy yếu quân thù đi đến chỗ lật đổ hoàn toàn chế độ Mỹ - Ngụy, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc.
“Dân tộc Việt Nam đã làm nên điều kỳ tích, trong đó có một phần công sức rất lớn của những người làm công tác tuyên huấn. Với phương pháp “Mưa dầm thấm sâu, mưa lâu mềm đất”, những người làm công tác tuyên huấn đã sâu sát với dân, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của dân. Từ đó tạo được lòng tin nơi nhân dân, nhân dân tin Đảng, tin cách mạng, đưa cuộc chiến đi đến thắng lợi cuối cùng”.
(Ông Hà Minh Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé)
Ngành tuyên huấn khẩn trương xây dựng đội văn công tỉnh và đi lưu diễn ở nhiều nơi. Số khán giả không chỉ đồng bào vùng căn cứ và tranh chấp mà có cả đồng bào vùng tạm chiếm. Đội văn công đã nhận được nhiều tình cảm của bà con. Thậm chí, nhiều mẹ già quyến luyến ôm chầm các thành viên trong đội hẹn ngày gặp lại.
Đi đôi với chỉ đạo công tác TTM, Ban Tuyên huấn còn củng cố tờ báo “Phú Lợi” của tỉnh. Báo ra khổ 30x40cm, mỗi tháng ra 1, 2 kỳ với số lượng từ 4 - 8 trang. Đặc biệt, đội chiếu phim đầu tiên của tỉnh cũng được thành lập. Những phim truyện của ta như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… được người xem nhiệt liệt hoan nghênh. Nhất là những phim tư liệu có hình ảnh Bác Hồ được đông đảo người dân, chiến sĩ trông chờ, mừng rỡ.
Từ 10 cán bộ, nhân viên của những năm 1954-1960, đến đầu năm 1965, Ban Tuyên huấn Bình Dương đã có đội ngũ tương đối hùng hậu với 130 người. Ngành giáo dục sau khi được thành lập đã vận động người dạy, người học và tổ chức các lớp xóa mù chữ ban đêm cho người lớn, nhất là hội viên các đoàn thể giải phóng.
Trong thế đối đầu giữa ta và địch
Nhớ về công tác tuyên huấn trong giai đoạn này, ông Hà Minh Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé, cho biết bước vào cuộc đối đầu trực tiếp với đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai (1965-1975), nhân dân miền Nam phải tranh thủ thời gian chiến đấu, vừa nhanh chóng xây dựng và phát triển thực lực thật mạnh và đẩy mạnh hơn nữa tấn công địch bằng 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự và binh vận) trên cả 3 vùng chiến lược. Để có thực lực mạnh, phải tiến hành sâu rộng cuộc vận động các tầng lớp nhân dân nhằm vào 3 mục tiêu tân binh, dân công và tài chính. Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một lúc này đã huy động toàn bộ lực lượng hoạt động khắp các địa phương để phục vụ cho 3 mục tiêu trên.
Do cường độ của cuộc chiến tranh cục bộ ngày càng ác liệt nên ngành tuyên huấn tỉnh nhà phải vượt qua nhiều thử thách. Nhiều đồng chí đã lần lượt ngã xuống anh dũng khi trên đường làm nhiệm vụ. Đặc biệt, trong cuộc nổi dậy và tổng tiến công Mậu Thân 1968, tất cả cán bộ, nhân viên ngành tuyên huấn đã ra trận và trải qua những gian khổ, hy sinh như chiến sĩ ngoài mặt trận. Và đây cũng là năm tổn thất nặng nề nhất của Ban Tuyên huấn.
Với ông Hà Minh Nghĩa, trong giai đoạn 1968-1970, không chỉ là ác liệt của cuộc chiến mà còn là cảnh thiếu đói. Có lúc cả tháng không có hột gạo, phải ăn lá bướm, tàu bay… Từ 130 cán bộ, nhân viên, đến thời điểm này cả cơ quan chỉ còn hơn 50 người. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, khó khăn thì nhiệm vụ của công tác tuyên huấn càng thêm nặng nề. Họ phải làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thấy rõ thắng lợi của ta, đồng thời thấy được sự hy sinh mất mát của ta hơn bất cứ giai đoạn nào.
Từ năm 1971 trở đi, do tình hình chung có những chuyển biến theo chiều hướng đi lên nên công tác tư tưởng cũng gặp thuận lợi hơn. Từ đó phong trào quần chúng ngày càng phát triển đi lên. Và trong những ngày tháng 4-1975 lịch sử, ngành tuyên huấn Thủ Dầu Một đã tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân tư tưởng quyết tâm chiến thắng, giải phóng từng vùng, từng nơi; tuyên truyền, vận động tất cả lực lượng cách mạng quyết chiến đấu giành lại độc lập.
Lịch sử sang trang mới, từ đây công tác tuyên huấn cũng được kiện toàn, tổ chức lại và tiếp tục xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên huấn “vừa hồng, vừa chuyên” để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng trong gia đoạn mới.
Bài 5: Góp phần xây dựng quê hương
ĐÌNH HẬU - THU THẢO