Tri ân bằng cả tấm lòng!

Cập nhật: 26-07-2021 | 09:52:11

 Tháng 7, ngọn lửa tri ân lại được thắp lên trên khắp mọi miền Tổ quốc. Biết bao cảm xúc và lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ người Việt Nam hôm nay đối với lớp lớp cha anh đi trước đã ngã xuống vì độc lập dân tộc được khơi dậy. Cùng với cả tỉnh, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bàu Bàng đã cùng chung tay chăm lo cuộc sống các gia đình chính sách, người có công bằng nhiều hoạt động thiết thực.

 Lãnh đạo huyện Bàu Bàng đến thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Văn Thâu, ấp Mương Đào, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh xảy ra)

 Biết ơn người mẹ hiền

Thời hoa lửa, tiễn các con lên đường ra chiến trận, người mẹ nào cũng hy vọng, mòn mỏi đợi chờ ngày gia đình đoàn tụ khi đất nước sạch bóng quân thù. Nhưng nhiều đứa con đã nằm lại chiến trường và không thể trở về bên mẹ. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những người mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) vẫn lặng yên chờ đợi đứa con đi xa sẽ có ngày trở về trong vòng tay mẹ hiền.

Gạt đi quá khứ đau thương, tiếp tục cuộc sống đời thường để chăm lo, nuôi dạy con cháu trưởng thành, mẹ VNAH Võ Thị Bảnh, ở ấp 4, xã Trừ Văn Thố luôn kiên cường để con cháu noi theo. Có dịp đến thăm mẹ vào những ngày tháng 7 tri ân, chúng tôi thấy năm nay tuy đã gần 100 tuổi nhưng mẹ Bảnh vẫn còn minh mẫn và vui vẻ quây quần bên con cháu. Trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mẹ cùng chồng đã từng nuôi giấu cán bộ trong nhà để tránh kẻ địch lùng soát, bủa vây. Mẹ có tất cả 8 người con (6 người con trai và 2 người con gái), thì có 2 người con trai đã hy sinh. Người con trai cả hy sinh ở chiến trường Campuchia. Người con trai thứ hai hy sinh ở chiến trường Đồng Xoài khi đang làm nhiệm vụ của người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Trải qua nhiều mất mát, đau thương trong quá khứ và cả những gian nan trong cuộc sống, mẹ Bảnh vẫn một lòng đi theo cách mạng…

Đi giữa mùa tri ân, tôi bất chợt nghe câu hát: “…Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời/ Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non/ Mẹ mãi mãi cùng con trên đường dài/ Núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền…” vang vọng trên làn sóng đài truyền thanh ở đâu đó mà lòng trào dâng niềm cảm xúc. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tháng 7 - mùa tri ân, các thế hệ trẻ huyện Bàu Bàng có dịp được quây quần bên các mẹ VNAH, ôn lại truyền thống lịch sử và được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những người mẹ VNAH, các gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn huyện đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập dân tộc. Bên ly nước trà xanh trong căn nhà ấm cúng, mẹ VNAH Võ Thị Bảnh xúc động, tâm sự: “Niềm vui và thấy ấm lòng nhất đối với mẹ là được Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm, chăm lo chu đáo về mọi mặt. Các ban ngành, đoàn thể của huyện và chính quyền địa phương xã thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên, an ủi tinh thần…”.

Ông Vương Tấn Phương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng, cho biết: “Toàn huyện hiện có 2 mẹ VNAH còn sống. Các mẹ đều đã tuổi cao sức yếu. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện Bàu Bàng luôn kịp thời giải quyết các chính sách trợ cấp hàng tháng theo đúng quy định. Những mẹ còn sống đều được địa phương chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời”.

Quan tâm, chăm lo gia đình chính sách

Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Bàu Bàng luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng mẹ VNAH... Đến nay, các gia đình chính sách của huyện đều được hưởng các chế độ ưu đãi theo đúng quy định của Nhà nước, đời sống ổn định và từng bước được cải thiện. Ông Vương Tấn Phương cho biết thêm, đến nay huyện đã tiếp nhận và hoàn chỉnh 82 hồ sơ giải quyết chế độ chính sách trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; mai táng phí 20 hồ sơ; miễn giảm sử dụng đất 9 hồ sơ; giải quyết trợ cấp một lần hoạt động kháng chiến 2 hồ sơ.

Tới đây, địa phương sẽ giao Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám sức khỏe cho 12 đối tượng người có công tiêu biểu được xét chọn đi tham quan Thủ đô Hà Nội và thăm lại chiến trường xưa tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, huyện sẽ chi tiền điều dưỡng tại gia đình cho các đối tượng người có công với cách mạng thường xuyên ốm đau bệnh tật; rà soát, hướng dẫn lập hồ sơ thờ cúng liệt sĩ và các chế độ theo đúng quy định”.

(Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng)

Cùng với việc thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, hàng năm, huyện Bàu Bàng đều chủ động phối hợp với các ngành chức năng duy trì khám sức khỏe miễn phí tại nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện chế độ điều dưỡng, chế độ ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các gia đình chính sách, người có công... Nhiều hộ gia đình thương binh trên địa bàn huyện cũng được địa phương tạo điều kiện hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, cây con giống… giúp phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điển hình trong các trường hợp như trên có gia đình ông Nguyễn Bạch Đằng, thương binh hạng 3/4 ở ấp Bà Tứ, xã Cây Trường II. Ông Đằng là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi được bà con lối xóm nể phục. Với tinh thần “thép” của một thương binh “tàn nhưng không phế”, bằng nghị lực phấn đấu cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Bạch Đằng đã vay vốn đầu tư phân, giống, khai hoang đất rừng để trồng cao su. Đến nay, vườn cao su của gia đình ông đang cho thu hoạch. Từ nguồn thu từ vườn cao su, ông Đằng lại đầu tư nuôi chim yến. Giờ đây, gia đình ông Đằng không chỉ có tiền sửa sang nhà cửa, sắm sửa tiện nghi mà còn dành dụm được chút vốn liếng cho con cháu lập nghiệp khi ra ở riêng.

Việc tôn tạo nghĩa trang, quy tập mộ liệt sĩ cũng luôn được huyện Bàu Bàng xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ… Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết: “Trong những năm gần đây, hầu hết các gia đình chính sách trên địa bàn huyện đều có mức sống ổn định, con em học hành thành đạt, không có hộ nào thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian tới, huyện Bàu Bàng sẽ tiếp tục rà soát, sửa sang và xây mới nhà tình nghĩa, bảo đảm nơi ăn, chốn ở ổn định, kiên cố cho các gia đình chính sách; đồng thời, tạo mọi điều kiện để thân nhân các gia đình chính sách tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống”.

 THU HƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên