Nứt gót chân là vấn đề phổ biến ở phụ nữ lẫn nam giới. Có người chỉ cảm thấy bất tiện vì gót chân trông xấu xí. Người khác lại bị đau đớn, thậm chí không thể mang giày vì gót nứt nẻ, chảy máu và viêm nhiễm. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và cách chữa trị?
Nguyên nhân
-Da hoặc vùng chai sần quanh gót chân bị khô, cộng với việc gan bàn chân bị quá tải khi phải gánh bạn.
- Đi đứng làm việc trên sàn cứng trong thời gian dài
- Tăng cân, dẫn đến áp lực đè lên gan bàn chân lớn hơn
- Bệnh nấm da chân, bệnh vảy nến, bệnh tuyến giáp, tiểu đường và một số bệnh lý khác ở da cũng có thể gây nứt gót.
- Quá trình lão hoá tự nhiên, da sẽ mất dần độ đàn hồi khi chúng ta già đi
- Liên tục ngâm chân trong nước khiến da bị mất đi lớp dầu tự nhiên, trở nên khô ráp
- Khí hậu hanh khô
- Thiếu vitamin, khoáng chất, kẽm và axit béo omega-3 thiết yếu
- Tắm nước nóng quá lâu
- Xà phòng, lotion hay sản phẩm chăm sóc chân có chất tẩy mạnh
- Phơi chân ra ánh nắng mặt trời quá mức
Cách khắc phục
1. Chăm sóc chân: Tẩy tế bào chết, ngâm chân và thường xuyên dưỡng ẩm chân.Tránh dùng hóa mỹ phẩm mạnh. Giữ chân sạch sẽ, không dính bụi đất. Tránh đi chân không, đặc biệt khi bạn bị nứt sâu hay chảy máu.
2. Xem lại chế độ ăn uống. Bổ sung vitamin, khoáng chất, kẽm và axit béo omega-3 thông qua thực phẩm.
Hàu, thịt gà, cua, đậu, sữa chua, gạo lức… là nguồn cung cấp kẽm dồi dào. Axit béo omega-3 có trong cá hồi và trong các loại hạt có dầu.
Những dưỡng chất cần bổ sung khác gồm vitamin E (rau xanh, ngũ cốc nguyên cám), canxi (sữa, sữa chua, rau lá xanh đậm, bông cải xanh), sắt (thịt bò, thịt gà, cá, trứng, rau, đậu)…
3. Áp dụng các liệu pháp chữa trị nứt gót tự nhiên:
- Thoa dầu dưỡng ẩm trước khi đi ngủ
Cách dễ nhất và hiệu quả nhất là thoa dầu, kem dưỡng ẩm làm mềm da trước khi đi ngủ. Bạn có thể thoa dầu hạnh nhân, dầu dừa, dầu quả bơ hay dầu ôliu. Mát-xa chân rồi mang vớ ngủ qua đêm. Bơ ca cao hay bơ đậu mỡ cũng là chất dưỡng ẩm lý tưởng. Thoa hàng ngày cho đến khi vết nứt nẻ lành hoàn toàn.
- Đắp “mặt nạ” đu đủ hoặc chuối chín
Nghiền đu đủ hoặc chuối chín thành hồ nhão. Đắp lên vùng da bị nứt nẻ và để trong 10-15 phút. Rửa sạch bằng nước ấm. Nếu bạn bị nứt nẻ trầm trọng, hãy thêm bơ vào hồ đu đủ hoặc chuối chín. Thực hiện hàng ngày cho đến khi lành hẳn.
- Cọ hoặc ngâm chân với mật ong
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, giúp lành vết thương và làm mềm vùng da khô, nứt nẻ. Hoà mật ong vào nước ấm và ngâm chân ít nhất trong 10 phút. Bạn cũng có thể dùng mật ong nguyên chất cọ và mát-xa chân, gót chân trong 10 phút rồi rửa sạch. Thực hiện mỗi ngày đến khi vết nứt liền lại.
- Điều trị bằng bột nhão giấm táo
Cho 2-3 muỗng canh bột nở (baking soda) hoặc bột yến mạch, đường, muối vào một tô nhỏ. Cho giấm táo và mật ong vào trộn cho đến khi bạn có được hỗn hợp bột nhão. Muối - đường có tác dụng tẩy tế bào chết, còn bột làm dịu và cung cấp nước cho da.
Nếu da bạn bị nứt nẻ trầm trọng, hãy thêm chút dầu dưỡng ẩm như dầu dừa, dầu quả bơ, dầu hạnh nhân hoặc dầu jojoba vào hỗn hợp trên.
- Điều trị bằng sáp parafin
Đun sáp parafin cho tan chảy, đảm bảo sáp không quá nóng để tránh bị phỏng. Trộn sáp với mù tạt hoặc dầu dừa có lượng bằng nhau. Nhúng gót chân vào hỗn hợp sáp-mù tạt/dầu dừa. Để sáp khô rồi nhúng tiếp lần nữa để tạo lớp sáp thứ 2 bọc ngoài gót chân. Dùng giấy bạc quấn chân lại, để trong 15 phút rồi tháo ra.
Nếu thích mùi hương, bạn có thể thêm tinh dầu oải hương, bạc hà, hoa hồng… vào hỗn hợp sáp.
Theo PNO