Trí tuệ Việt và đường đến với công nghiệp 4.0

Cập nhật: 08-04-2022 | 08:01:53

Gặp gỡ, trò chuyện với anh Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Takako Việt Nam, chúng tôi có cảm nhận rằng con đường đến với công nghiệp 4.0 dường như ngắn hơn. Nhiệt huyết từ con người này đã vun đắp thêm niềm tin, rằng thành phố thông minh Bình Dương đang hiện hữu, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đang hình thành sau những năm tháng kiên trì theo đuổi…

 Anh Lê Duy Nhất Luận giới thiệu với ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC về dây chuyền sản xuất

 Kỳ tích của… “gã kỳ”

Chúng tôi đến nhà máy Takako Việt Nam trong những ngày mà tại Bình Dương các doanh nghiệp đều có chung bài toán nan giải: “Không sợ thiếu hàng, chỉ sợ thiếu người”. Nhưng khó khăn ấy không hiện hữu tại Takako Việt Nam bởi công ty đã ứng dụng thành công công nghệ 4.0 để phát triển chuyền sản xuất mới từ năm 2020, khắc phục thâm dụng, giải phóng sức lao động, nâng cao công suất. Điều đáng tự hào là chuyền sản xuất tự động ấy không phải nhập khẩu với giá thành triệu đô mà được phát triển từ đội ngũ kỹ sư Việt Nam ngay chính tại nhà máy .

Chúng tôi được giới thiệu gặp một “gã kỳ” theo cách nói vui của nhiều người tại công ty này - anh Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc sản xuất. Sự “kỳ” được hiểu bởi niềm đam mê công nghệ, sáng tạo chiếm lĩnh gần như toàn bộ cuộc sống của anh. Ở đó, khi nhắc về máy móc anh say sưa như một thuyết trình viên thực thụ. Ánh mắt anh cháy lên niềm tự hào về con người, trí tuệ Việt Nam và những khát khao được cống hiến hết mình cho con đường nghiên cứu, phát triển. Anh đam mê máy móc, công nghệ mọi lúc mọi nơi và sẵn lòng ngồi trao đổi vài tiếng đồng hồ song chúng tôi cảm giác dường như anh chỉ mới bắt đầu câu chuyện… Cũng là con người đó, nhưng khi trở lại để nói về mình anh lại kiệm lời đến lạ… Tưởng chừng nhiệt huyết về công nghệ chưa bao giờ xuất hiện nơi anh.

Là một kỹ sư từ Nhật trở về, anh đầu quân cho Công ty Takako Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện, lắp ráp máy bơm pít-tông thủy lực, linh kiện mô-tơ. Sản phẩm của công ty cung cấp ra thị trường thế giới cho những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, máy móc công nghiệp như Toyota, Mitsubishi, Komatsu, Hitachi... Anh kể, khi tổng giám đốc người Nhật hỏi anh cần bao nhiêu tiền để có thể làm việc tại nhà máy anh đã trả lời rằng cần một môi trường làm việc sáng tạo, phát triển. Và từ đó, hành trình nghiên cứu của anh đã bắt đầu.

Trong quá trình sản xuất anh nắm bắt từng chi tiết nhỏ của máy móc, chưa bao giờ thôi ý định cải tiến các dây chuyền. Động lực của anh là việc giải bài toán năng suất, lao động đã và đang đặt ra trong thực tiễn. “Việt Nam dân số ngày càng già đi, mức sống ngày càng nâng lên, trong khi hàng hóa ngày càng phải có tính cạnh tranh cao hơn trên trường quốc tế. Vấn đề đặt ra là phải có một dây chuyền sản xuất tự động hóa với các sản phẩm chính xác cao hơn, giảm thâm dụng nhân công, ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành. Sản xuất, kinh doanh phải có lãi, người lao động có đời sống tốt hơn và sản phẩm nhà máy phải đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của khách hàng… Và chúng tôi, nhóm kỹ sư người Việt đã nghiên cứu, giải thành công bài toán ấy ngay tại nhà máy của Công ty Takoko”, anh Luận tâm tình.

 Anh Lê Duy Nhất Luận (thứ 3 từ phải qua) thuyết trình về dây chuyền tự động được ứng dụng tại nhà máy

Nỗ lực không ngừng nghỉ, dưới sự điều hành của anh Lê Duy Nhất Luận, nhóm kỹ sư trẻ người Việt đã làm nên kỳ tích, năm 2020 phát triển thành công dây chuyền tự động hóa, giảm 15/16 lao động so với dây chuyền cũ với công suất nâng cao gấp đôi. Hiện nay, dây chuyền sản xuất tự động hóa này đã được công ty mẹ mua lại, đưa vào sử dụng tại 86 nhà máy trên thế giới. Nhóm nghiên cứu đã và đang tiếp tục hoàn thiện để ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất, để “máy móc làm việc thay con người” trong quản lý các quy trình, giải phóng sức lao động cao nhất.

Nâng tầm trí tuệ Việt Nam

Nói thì dễ song chúng tôi hiểu rằng đường đến thành công sau 4 năm dài nghiên cứu, chế tạo chưa bao giờ được “trải hoa hồng”. Ở đó thấm mướt những trăn trở, suy nghĩ, thử nghiệm và cả những lần thất bại. Trao đổi với chúng tôi, anh Luận từ chối không nói về mình quá nhiều mà cho rằng thành quả này là trí tuệ, công sức không chỉ riêng anh, đó là sự kết tinh từ đam mê, trí tuệ Việt của đội ngũ 8 người trong hành trình nghiên cứu, phát triển. “Đó là sự sáng tạo, trí tuệ của những kỹ sư trẻ Việt Nam đang ở ngưỡng sung sức nhất để kết nối mỗi ngày trên tôn chỉ mà tôi đưa ra: Đam mê - sáng tạo - đến cùng - thành công”, anh Luận cho biết.

Đội ngũ nghiên cứu phát triển của công ty là những bạn sinh viên xuất sắc được anh đề xuất công ty kết nối với trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh để trao cho các bạn học bổng từ năm thứ 3. “Điều đáng mừng là đề xuất của chúng tôi được công ty chấp nhận. Thế hệ trẻ Việt Nam rất thông minh. Chúng ta chỉ cần trao định hướng, cơ hội để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, các bạn có thể làm nên những kỳ tích. Trao học bổng, chúng tôi không có bất cứ một ràng buộc trách nhiệm nào, chỉ động viên, khuyến khích các bạn nghiên cứu, phát triển. Sau tốt nghiệp, có những bạn không đăng ký làm việc tại nhà máy nhưng điều đó hoàn toàn không quan trọng bằng tại một nơi nào đó trên đất nước này các bạn đang cống hiến, nghiên cứu phát triển sản xuất, tạo lập giá trị cho xã hội”, anh Luận bộc bạch.

Anh Luận luôn nhắc đến sự khích lệ, động viên để đi đến cùng mục tiêu mà mình đặt ra: “Trong mỗi bước đường nghiên cứu tôi luôn nhắc nhở anh em rằng, hành trình hiện thực hóa ý tưởng chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt là trong nghiên cứu phát triển, nhưng bạn không nên để khó khăn, e ngại cản trở đam mê, nỗ lực. Hãy làm đến cùng để theo đuổi mục tiêu đạt ra. Hành trình hiện thực hóa ước mơ không phải khả năng hay thời gian mà nằm ở mỗi người. Cuộc sống bộn bề có thể khiến quỹ thời gian thu hẹp, mối bận tâm nhiều lên và nhiệt huyết vơi đi… Tuy nhiên, chúng ta không đóng kín cánh cửa tương lai. Mục tiêu sẽ xa ra bởi hoài nghi và thiếu sự thấu hiểu, khích lệ”, anh chia sẻ đầy nhiệt huyết.

Chúng tôi đặt vấn đề nhân rộng, lan tỏa những nghiên cứu phát triển trong những nhà máy tại Bình Dương, anh cho biết rất sẵn lòng nếu có thể. Anh tin rằng trí tuệ, ý chí Việt Nam sẽ là cầu nối để bước qua những khó khăn hiện hữu, nâng tầm sản xuất và đem đến cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn. Ước mơ ấy tưởng chừng như lớn lao quá song chính là động lực để mỗi người cảm thấy cuộc sống thêm màu sắc và ý nghĩa. Nghị lực, quyết tâm sẽ tạo sức mạnh nối dài thanh xuân của các bạn trẻ với dẫn chứng cụ thể ngay tại Takako, từ nhóm nghiên cứu của vị giám đốc đầy nhiệt huyết này.

 Trong một lần đến thăm và trao đổi với nhóm nghiên cứu do anh Lê Duy Nhất Luận dẫn dắt, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho rằng “đó là hướng phát triển của thành phố thông minh…”. Ở đó, phát huy tinh thần nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, giải phóng sức người, nâng cao đời sống người lao động”.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên