Triển khai điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp

Cập nhật: 02-06-2016 | 07:27:35

Sáng qua (1-6), ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi họp nghe Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh báo cáo tình hình triển khai điều chỉnh quy hoạch KCN theo Công văn số 173/TTg-KTN ngày 28-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

 Bình Dương triển khai điều chỉnh quy hoạch KCN để các KCN phát triển bền vững. Trong ảnh: Đường vào khu đô thị và công nghiệp Mỹ Phước III (TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

 Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thực hiện Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 893/2014/QĐ- TTg ngày 11-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án trình Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN của tỉnh. Theo đó, đến năm 2020, Bình Dương có 34 KCN với tổng diện tích dự kiến quy hoạch là 14.790 ha.

Đến nay, toàn tỉnh có 28 KCN, trong đó Ban Quản lý các KCN tỉnh được giao quản lý 25 KCN tập trung với tổng diện tích quy hoạch trên 7.674,23 ha. Trong 25 KCN đã thành lập có 2 KCN do doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.830 tỷ đồng; các KCN còn lại do tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 6.486 tỷ đồng. Nhìn chung, các KCN của tỉnh được đầu tư theo hướng phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn Nhà nước là động lực quan trọng để phát triển các KCN.

 Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhất trí với báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các KCN đến cuối tháng 9 năm nay phải hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông cũng đề nghị các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện quy hoạch phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và trồng cây xanh; cùng với đó chú trọng vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường trong các KCN...

Về tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng, đối với giải tỏa đền bù, các KCN do ban quản lý hiện đã giải tỏa đền bù đạt 93% tổng diện tích được quy hoạch. Về hạ tầng kỹ thuật, các KCN đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật với số vốn đến nay là gần 9.445 tỷ đồng, đạt 73,33% tổng số vốn được duyệt.

Trong khi đó, hầu hết hệ thống giao thông của các KCN được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, một số trục đường phụ được đầu tư theo tiến độ cho thuê lại đất, đồng bộ với đầu tư hệ thống cấp điện, cấp thoát nước mưa. Điều đáng nói là 100% KCN do ban quản lý đi vào hoạt động đều đầu tư nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải, bảo đảm xử lý nước thải do các DN trong KCN thải ra. Về cây xanh, các KCN đã trồng được 532,01 ha cây xanh tập trung và 105.103 cây xanh phân tán, đạt 62% so với quy hoạch được duyệt.

Đối với tình hình cho thuê lại đất, tổng số diện tích đất công nghiệp được phép cho thuê của 25 KCN đi vào hoạt động là 5.349,23 ha, hiện các KCN đã cho thuê được 3.172,48 ha. Trong giai đoạn 2011-2015, DN trong các KCN này đã tạo ra doanh thu 32,5 tỷ USD; trong đó giá trị xuất khẩu đạt 15,5 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 800 triệu USD. Đến nay, các KCN do ban quản lý đã thu hút 453 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 36.804 tỷ đồng và 1.151 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,65 tỷ USD.

Theo ông Bùi Minh Trí, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, việc hình thành và triển khai các KCN đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Đồng thời, hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp đã đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng theo từng bước phát triển của KCN; qua đó cũng giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, hình thành thêm các khu đô thị mới và cải thiện đời sống của người dân trong tỉnh...

Tại cuộc họp sáng qua, đại diện chủ đầu tư KCN Nam Tân Uyên đã kiến nghị UBND tỉnh cho chuyển hóa logistics hải quan tại KCN Nam Tân Uyên, đồng thời đề nghị sớm được thực hiện việc cắm mốc ranh đất mở rộng dự án KCN Nam Tân Uyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2016 để thu hút các nhà đầu tư. Đại diện chủ đầu tư KCN Tân Đông Hiệp B thì mong lãnh đạo tỉnh có chủ trương điều chỉnh quy hoạch KCN Tân Đông Hiệp B trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, các KCN như Tân Đông Hiệp B, Sóng Thần III, Đại Đăng… có điều chỉnh thu hẹp theo công văn của Thủ tướng Chính phủ cần xem xét lại để điều chỉnh phù hợp theo quy định.

Đưa các KCN phát triển bền vững

Ông Trí cho rằng, những kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2015 là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển các KCN giai đoạn 2015-2020. Theo đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, sự năng động, sáng tạo của chủ đầu tư, DN trong KCN, đặc biệt là sự chỉ đạo, quản lý điều hành thống nhất của lãnh đạo tỉnh, Bình Dương sẽ tiếp tục đưa các KCN phát triển nhanh và bền vững.

Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2015-2020, Bình Dương sẽ xây dựng và phát triển các KCN theo quan điểm phát triển theo hướng chuyên ngành (sản phẩm chính và sản phẩm phụ trợ), đồng thời chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm công nghệ cao; phát triển công nghiệp sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Bình Dương cũng quan tâm sử dụng quỹ đất để phát triển các loại hình dịch vụ, văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động làm việc trong KCN và dân cư xung quanh; thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để các nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh.

Về định hướng trong thời gian tới, các KCN phía nam của tỉnh sẽ chuyển dịch hoạt động sản xuất sang dịch vụ kho bãi, logistics hoặc liên kết tạo thành chuỗi sản xuất công nghệ sinh thái... Các KCN trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết, giảm diện tích đất KCN chuyển sang đất đô thị - dịch vụ. Về định hướng thu hút và chuyển dịch dự án sản xuất liên kết tạo thành chuỗi sản xuất công nghệ sinh thái, tỉnh nhà chú trọng thu hút các dự án sản xuất sử dụng quy trình sản xuất áp dụng công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó, các KCN được quy hoạch mới đến năm 2020 như Lai Hưng, Cây Trường, Tân Lập I… và các KCN mở rộng như Rạch Bắp, Bàu Bàng, Nam Tân Uyên… tỉnh sẽ lựa chọn một số KCN thực hiện quy hoạch mô hình KCN chuyên ngành khai thác lợi thế của địa phương.

Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh khẳng định, để nâng cao hiệu quả hoạt động các KCN trong thời gian tới, ban quản lý đã đề ra nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng quy hoạch các KCN; kiểm soát thu hút đầu tư, định hướng ngành nghề sản xuất; kiểm soát việc thực hiện các chính sách phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường các KCN...

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=865
Quay lên trên