Triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến

Cập nhật: 29-11-2021 | 08:50:24

Trong khi học sinh (HS) khối THPT dần trở lại trường học trực tiếp thì HS tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Dầu Tiếng vẫn còn học trực tuyến để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) huyện Dầu Tiếng đang nỗ lực khắc phục các khó khăn để việc dạy và học trực tuyến bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

 Ngành GD-ĐT huyện Dầu Tiếng trao tặng thiết bị học trực tuyến cho HS có hoàn cảnh khó khăn

Bước vào năm học mới 2021-2022, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành GD-ĐT huyện Dầu Tiếng tổ chức dạy và học trực tuyến ở các cấp học, trừ mầm non. Thầy Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng đánh giá, từ hướng dẫn chung của ngành, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy và thông báo đến từng phụ huynh và HS. Các trường lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến chất lượng, bảo đảm tốt công tác dạy học và quản lý của nhà trường. Ban giám hiệu trường học các cấp tổ chức cho giáo viên kết nối với HS nhiều lần để các em làm quen với phần mềm học trực tuyến. Bên cạnh đó, các trường cũng xây dựng thời khóa biểu hàng tuần đầy đủ các môn học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương nhằm bảo đảm kiến thức, sức khỏe cho các em.

Thực hiện cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, giáo viên ở huyện Dầu Tiếng thực hiện hiệu quả, sáng tạo dạy học trực tuyến. Thầy cô chủ động, tự giác học tập, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng để sử dụng các ứng dụng, phần mềm dạy học trực tuyến hiệu quả. Các thầy cô chịu khó đầu tư thời gian, công sức xây dựng bài dạy trực tuyến sinh động, đa dạng, giúp HS tiếp thu bài đạt hiệu quả tốt nhất. Hàng ngày, giáo viên báo cáo tình hình dạy học trực tuyến cho Ban giám hiệu. Hàng tuần, các trường báo cáo cho phòng GD-ĐT để có hướng chỉ đạo kịp thời.

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong số những trường tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến. Cô Nguyễn Thị Thu Sương, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên soạn và giảng dạy nội dung kiến thức mới theo đúng phân phối chương trình, trong đó có tinh giản một số kiến thức. Giáo viên soạn bài giảng theo hướng tinh giản kiến thức nhưng vẫn bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp, chính xác theo chương trình trong sách giáo khoa và giáo viên có thể soạn giảng theo chủ đề.

Giáo viên của trường giảng dạy trên phần mềm của VN Edu, gửi bài qua Zalo, phần mềm Zoom, phần mềm Microsoft team, Google meet… để cung cấp kiến thức mới, giao bài tập cho HS kiểm tra và giải đáp các câu hỏi của các em. Ngoài ra, giáo viên bộ môn biên soạn và in ấn tài liệu học tập để giao bài cho HS trong trường hợp cần thiết. Tạo thuận lợi cho tất cả HS, với những em quá khó khăn không có điều kiện học tập trực tuyến, giáo viên bộ môn gửi nội dung bài học qua giáo viên chủ nhiệm để gửi cho HS ghi chép bài và tự học trước trong thời gian chưa đến trường. Khi HS trở lại trường học, trường sẽ phân công giáo viên dạy phụ đạo giảng dạy lại những kiến thức đã học cho các em.

Nếu như việc dạy học trực tuyến ở cấp THCS khá thuận lợi, thì ở cấp tiểu học, giáo viên vất vả hơn do HS ở lứa tuổi này còn nhỏ, cần có sự hỗ trợ của người lớn. Trong khi đó cha mẹ các em đa số là người lao động, không có nhiều thời gian theo kèm con mình. Để tạo thuận lợi cho HS, giáo viên linh động giờ dạy học, cũng như tổ chức dạy online bằng nhiều hình thức.

Ông Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng, cho biết sự tận tâm của thầy cô được đánh giá qua việc 100% giáo viên chuẩn bị bài nghiêm túc theo quy định. Đối với HS, 100% HS THCS, 97,86% HS tiểu học đã tham gia học trực tuyến. Trong thời gian này, HS tiểu học, THCS vẫn chưa đến trường, nhưng ngành đã có phương án phòng, chống dịch bệnh khi HS trở lại. Theo đó, ngành cũng đề ra các quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trước khi HS đến trường, khi HS đến trường, khi HS kết thúc buổi học. Từng trường cũng xây dựng phương án xử trí khi có trường hợp nghi ngờ hoặc có F0 trong trường học.

 Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng phối hợp với các ngành có liên quan vận động các tổ chức kinh tế-xã hội, cá nhân hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho HS. Kết quả, toàn huyện đã có hơn 800 em được hỗ trợ thiết bị học tập. Vì vậy, đến nay 100% HS THCS, 97,86% HS tiểu học của huyện Dầu Tiếng đã tham gia học trực tuyến trong thời gian tạm dừng đến trường. 

 HỒNG THÁI - D.TIẾNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=597
Quay lên trên