Triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 17-04-2023 | 09:27:08

Những năm qua, huyện Dầu Tiếng triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thực tế cho thấy, kinh tế của huyện đã có bước phát triển đáng khích lệ, đời sống của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Tạo động lực vươn lên

Trong những năm qua, huyện Dầu Tiếng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong đó chú trọng việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng toàn diện, bền vững. Tại xã Thanh An, thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình cơ cấu cây trồng đã giúp nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.


Hạ tầng giao thông huyện Dầu Tiếng ngày càng đồng bộ, tạo điều kiện cho lưu thông, giao thương thuận lợi. Trong ảnh: Công trình cầu và đường nối Bình Dương - Tây Ninh vừa khánh thành đưa vào sử dụng

Cụ thể dự án trồng chuối cấy mô Thanh An là mô hình hợp tác giữa Công ty Nông nghiệp U&I và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng tọa lạc tại ấp Bàu Cây Cám, xã Thanh An. Dự án tập trung sản xuất cây giống, trồng và chăm sóc nông sản chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 117 ha. Hiện nay, sản phẩm chuối của dự án được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… góp phần nâng cao thị phần và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Dự án đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại địa phương, thay đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tập hợp được nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn mới ở xã vùng xa như Thanh An thêm tươi sáng.

Không chỉ ở Thanh An, trên địa bàn huyện còn có 22 mô hình kinh tế Hợp tác xã (HTX) hoạt động ổn định và kinh doanh có hiệu quả như Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa), Yến sào Dầu Tiếng… Các HTX này đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn. Từ đó, đã đem lại lợi ích cho người lao động, giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần tích cực vào việc nâng chất nông thôn mới ở địa phương.

Xác định việc hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết huyện luôn quan tâm tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách. Tính đến hết quý I, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 12.854 hộ trên địa bàn với tổng dư nợ gần 529 tỷ đồng. Hàng ngàn hộ gia đình, doanh nghiệp gặp khó khăn trên địa bàn đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi để vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm. Việc gắn triển khai tín dụng chính sách với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế của địa phương trong từng giai đoạn.

Tăng tốc phát triển hạ tầng

Về Dầu Tiếng trong những ngày đầu tháng 4, chúng tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của vùng quê này. Đến nay, bên cạnh tuyến đường huyết mạch ĐT744, toàn huyện đã có 100% tuyến đường do huyện quản lý và các tuyến đường do xã quản lý đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Trên địa bàn huyện đã có nhiều công trình giao thông quan trọng được hoàn thành. Nổi bật như mở rộng đường từ trước Huyện ủy, UBND huyện đến đường Cách Mạng Tháng Tám, mở rộng ngã tư Minh Hòa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị Long Hòa, đô thị Bến Súc…

Gần đây, huyện đã xây dựng hàng rào rừng lịch sử Kiến An, xã An Lập; xây dựng các cống ngang đường ĐT744 đoạn đi qua địa bàn huyện Dầu Tiếng; nâng cấp, mở rộng đường Lê Danh Cát - Đường Long, đường ĐT750 (đoạn từ ngã tư Làng 5 đến trung tâm xã Định Hiệp) và đặc biệt con đường kết nối Dầu Tiếng với TP.Thủ Dầu Một và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh (Tây Ninh) đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị của huyện, tạo sức hút thúc đẩy huyện ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết để khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, thời gian qua huyện quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tạo hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp... Với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp, huyện đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện có 491 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh gần 3.800 tỷ đồng. Trong quý I-2023, huyện cấp mới 263 giấy chứng nhận kinh doanh cho các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể với tổng số vốn đăng ký gần 93,8 tỷ đồng.

Với diện mạo ngày càng thay đổi, kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp đồng bộ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, giúp cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - dịch vụ trong thời gian tới.

Thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung thực hiện công tác quy hoạch, theo dõi tiến độ trình tỉnh thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040; quy hoạch chung đô thị mới Thanh Tuyền đến năm 2040. Cùng với đó, địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu thương mại - dịch vụ Cầu Tàu ven sông Sài Gòn, thị trấn Dầu Tiếng. Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện công tác lập đồ án Quy hoạch chung thị trấn Dầu Tiếng, Quy hoạch chung đô thị mới Minh Hòa, Long Hòa đến năm 2040. Đồng thời, phê duyệt và công bố 2 đồ án Quy hoạch khu tái định cư và khu dân cư khu phố 4B; khu trung tâm thương mại - dịch vụ dân cư phía bắc thị trấn Dầu Tiếng.

THANH HỒNG - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên