Từ ngày 1-1-2018, trên địa bàn tỉnh xăng sinh học E5 RON 92 (E5) sẽ thay thế hoàn toàn xăng A92. Để thực hiện thành công chủ trương của Chính phủ, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách phù hợp; người tiêu dùng cần hiểu và tiếp cận với nhiên liệu sạch; doanh nghiệp (DN) cũng phải quyết liệt thực hiện chủ trương này. Đặc biệt, các ngành chức năng cần bảo đảm đủ nguồn cung và giá cả ethanol để các DN kinh doanh xăng E5 không bị lỗ.
Khách hàng mua xăng sinh học E5 tại cây xăng của Petrolimex ở TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh xăng mới đây, đại diện Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh cho biết rõ lợi ích của xăng E5. Theo đó, xăng E5 có lợi ích là bảo vệ môi trường khi giảm phát thải độc hại như khí CO, CO2, HC, SO2, đồng thời cải thiện tính năng động cơ do ethanol có trị số octan cao (109) khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octan và tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Bên cạnh đó, hàm lượng oxy cao hơn xăng thông dụng cũng giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra hoàn toàn hơn, tăng công suất và giảm tiêu hao nhiên liệu của phương tiện giao thông.
Tại hội nghị, lãnh đạo các DN đều thống nhất quan điểm, chủ trương của Chính phủ vì tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời quyết tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho việc thay thế xăng RON 92, các “ông lớn” về xăng dầu của Bình Dương như Công ty Xăng dầu Sông Bé - TNHH MTV, Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV cũng đã có những bước chuẩn bị tốt. Ông Phạm Ngọc Tấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Sông Bé, cho biết thời gian qua, công ty đã triển khai 4 cửa hàng kinh doanh xăng E5 trên địa bàn tỉnh; mức bán lẻ của mỗi cửa hàng đạt khoảng 30.000 lít/tháng. Công ty đã tăng cường vận động người tiêu dùng sử dụng xăng E5 bằng nhiều hình thức, như treo băng rôn, bảng quảng cáo, giảm giá theo chương trình của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Hiện nay, công ty đã có lộ trình triển khai xăng E5 đồng loạt trên 500 cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình kể từ tháng 11-2017.
Theo ông Đoàn Minh Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thành Lễ - TNHH MTV, hiện công ty đã đầu tư 2 trạm phối trộn xăng E5, với công suất mỗi trạm là 100m3/giờ, bảo đảm cung cấp cho các cửa hàng xăng dầu trực thuộc, các tổng đại lý, đại lý, cơ sở kinh doanh trong hệ thống phân phối của tổng công ty. Đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục cấp phép cơ sở pha chế tại Bộ Khoa học và Công nghệ để bảo đảm việc cung cấp xăng cho 243 cửa hàng, đại lý trực tiếp, 7 tổng đại lý và thương nhân phân phối và 30 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc trước thời điểm 1-1-2018.
Vẫn còn không ít nỗi lo
Dù đã thống nhất 1-1-2018 là thời điểm triển khai xăng E5 thay thế xăng A92, song điều mà các cơ quan quản lý và DN trăn trở nhất là làm thế nào để người tiêu dùng sử dụng xăng E5. Theo lãnh đạo các DN, hiện nay việc tiêu thụ của các cửa hàng kinh doanh xăng E5 chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt rất cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Nguyên nhân là do chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 chỉ thấp hơn xăng A92 là 230 đồng/lít. Trong điều kiện người tiêu dùng vẫn còn khá mơ hồ về chất lượng và tính an toàn cho máy móc của xăng E5, nên việc chênh lệch vài trăm đồng chưa đủ để người tiêu dùng “đánh đổi” chuyển qua sử dụng xăng sinh học. Nếu giá thành xăng sinh học E5 còn ở mức cao như hiện nay thì người tiêu dùng sẽ không mặn mà, có thể họ chuyển sang sử dụng xăng A95, nhất là đối với chủ xe ô tô.
Để kích cầu tiêu thụ xăng sinh học E5, hầu hết ý kiến của DN đều cho rằng quan trọng nhất là phải hạ giá thành xăng E5 so với xăng A92 để kích thích người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng “hoa hồng” cho các đơn vị kinh doanh, vì khi chuyển đổi qua kinh doanh xăng sinh học DN sẽ bị phát sinh nhiều chi phí chuyển đổi bồn chứa (khoảng 30 triệu đồng/bồn) và hàng loạt chi phí “nằm” khác, chưa kể việc hao hụt do E5 dễ bay hơi. Được biết, hiện nay tỷ lệ chiết khấu mà DN được hưởng với xăng E5 từ 1.000 - 1.600 đồng/lít, thấp hơn xăng khoáng 280 đồng/lít. Ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty Xăng dầu Phú Lợi, kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt... để giảm giá bán xăng E5 xuống thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít; hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn của các DN. Cùng với đó, cần khuyến khích, vận động các DN đầu mối, tổng đại lý có chính sách hỗ trợ các đại lý, cửa hàng đăng ký phân phối xăng E5; tăng tỷ lệ chiết khấu “hoa hồng” từ 1.500 - 2.000 đồng/lít.
Đồng quan điểm với ý kiến giảm giá xăng sinh học và tăng “hoa hồng” cho các đơn vị kinh doanh, song điều mà ông Đoàn Minh Quang lo lắng nhất là về nguồn cung và giá cả ethanol (E100) phối trộn. Ông Quang cho rằng, khi cả tỉnh chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng A92 sang xăng E5 thì nhu cầu tiêu thụ cồn E100 để phối trộn xăng sinh học là rất lớn. Tuy nhiên, tại miền Nam hiện chỉ có 1 đơn vị cung cấp E100 là Công ty TNHH Tùng Lâm (ở Đồng Nai). Ông kiến nghị Bộ Công thương cần có phương án chuẩn bị nguồn cung và có cơ chế giá ethanol phù hợp để các đơn vị kinh doanh không bị lỗ khi kinh doanh và phối trộn xăng E5.
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các DN, sở sẽ sớm có văn bản kiến nghị lên Bộ Công thương về việc bảo đảm nguồn cung ethanol cho các đơn vị kinh doanh, pha chế; ban hành cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, phí, môi trường… để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít nhằm tạo được yếu tố hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5. Đơn vị cũng kiến nghị tăng “hoa hồng” cho các đơn vị bán lẻ, đồng thời hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn của các DN.
TIỂU MY