Triển khai xây dựng thành phố thông minh: Nâng tầm Bình Dương trên trường quốc tế
(BDO) Với chiến lược đúng đắn và kiên định, vững chắc trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương đã ngày càng khẳng định thương hiệu, vươn tầm trên trường quốc tế.
Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Xuất phát từ tầm nhìn Nhà nước kiến tạo, năm 2016 Bình Dương triển khai xây dựng Đề án TPTM, ứng dụng mô hình ba nhà học tập từ Eindhoven (Hà Lan), thúc đẩy sự hợp tác giữa (1) Nhà nước, (2) nhà doanh nghiệp (DN) và (3) nhà trường - viện, để tạo điều kiện, khuyến khích được các tổ chức trên toàn xã hội cùng đầu tư phát triển. Xây dựng TPTM cũng chính là sự thể hiện khát khao vươn lên mạnh mẽ của các thế hệ lãnh đạo, chính quyền, DN và người dân Bình Dương.
Ông John Jung, đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới tham quan mô hình hệ sinh thái ĐMST tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông
Với mô hình “ba nhà”, Bình Dương từng bước hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó Nhà nước là nguồn động lực chủ yếu để khuyến khích, tạo điều kiện cho DN, viện, trường cùng xây dựng, phục vụ cộng đồng. Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 8 trường đại học, 8 trường cao đẳng nghề và 16 trường dạy nghề, 45 trung tâm dạy nghề. Bình Dương đã xây dựng và phát triển được một hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, bao gồm mạng lưới Techlabs, Fablabs, Trung tâm Sản xuất và ĐMST và các cơ sở khởi nghiệp như Trung tâm ĐMST (BIIC), Trung tâm Đổi mới công nghiệp 4.0 và Sản xuất thông minh (SMIC), Block71, Vườn ươm DN Becamex…
Ông John Jung, đồng sáng lập ICF: Tôi đánh giá cao sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của Bình Dương. Tỉnh Bình Dương đã có bước đi chiến lược đúng hướng trong xây dựng thành phố thông minh. Việc tập trung cho ĐMST, chuyển đổi sang công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội, giáo dục, y tế… chính là định hướng cho sự phát triển cộng đồng thông minh, bền vững. Những kết quả bước đầu trong quá trình thực hiện Đề án TPTM đã tạo điểm nhấn, nền tảng để Bình Dương tiếp tục phát triển đột phá trong giai đoạn kế tiếp. |
TS.Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông, cho biết trong những năm qua, trường đã đầu tư hình thành hệ sinh thái ĐMST, thúc đẩy ứng dụng công nghiệp 4.0, kết nối và xây dựng quan hệ chặt chẽ với cộng đồng DN. Hiện trường có Vườn ươm DN với đầy đủ mô hình, không gian sáng tạo và cả hệ sinh thái khởi nghiệp, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại nhằm giúp các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên sớm được hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Trung tâm ĐMST của nhà trường cũng là nơi kết nối, giúp cộng đồng DN kết nối với sinh viên, qua đó sớm thúc đẩy hoạt động tuyển dụng nhân sự.
Song song đó, tỉnh thực hiện số hóa toàn tỉnh, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan Nhà nước, thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), đáp ứng nhu cầu người dân và DN.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh trong giai đoạn mới với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, phát triển dựa trên ĐMST và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật và tự động hóa sẽ là động lực mạnh mẽ định hình lại các ngành công nghiệp và xã hội trên toàn thế giới. Vì vậy, trong giai đoạn phát triển mới, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích việc tích cực triển khai các giải pháp đón đầu xu hướng công nghiệp 4.0, mở rộng phát triển các loại hình dịch vụ, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đô thị theo hướng bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội và tăng trưởng xanh.
Với tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, xây dựng TPTM bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tỉnh đã kiến tạo nên một hạ tầng đồng bộ, không ngừng đi đầu trong quan hệ đối tác công tư và hợp tác quốc tế. Từng bước phát triển một số trục đường huyết mạch, thúc đẩy và gắn kết hệ thống các khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo nền tảng cho thu hút FDI và phát triển đô thị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vượt bậc.
Khẳng định thương hiệu
Hiện nay, Bình Dương đang là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, là tỉnh đứng thứ hai về thu hút FDI. Nhiều khu đô thị được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số và DN. Tỉnh đã trở thành điểm sáng của cả nước trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương rộng 4196 ha với thành phố mới Bình Dương là một ví dụ điển hình cho sự phát triển này. Bình Dương đã và đang xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, tạo động lực cho tỉnh phát triển.
Để xây dựng thành công “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững”, hiện Bình Dương đang đẩy mạnh xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) xanh, đồng thời tạo nền tảng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Vùng ĐMST Bình Dương - trọng tâm của Đề án TPTM trong giai đoạn phát triển mới của Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh 5 lần liên tiếp là Smart21, trong 3 năm 2021, 2022, 2023, Bình Dương lọt vào danh sách Top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu. Đặc biệt, mới đây nhất TPTM - Vùng ĐMST Bình Dương đã được ICF vinh danh giải thưởng cao nhất Top 1 ICF 2023.
Ông John Jung, đồng sáng lập ICF, cho biết: “Việc xây dựng TPTM, tham gia vào các tổ chức quốc tế như ICF đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh Bình Dương trên trường quốc tế. Đề án TPTM Bình Dương là mô hình thực sự đầy tiềm năng, minh chứng rõ nhất là Bình Dương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn lớn có thương hiệu trên thế giới, đây chính là thành công của Bình Dương”.
PHƯƠNG LÊ