Triển lãm “Cổ vật thời Tây Sơn: hào quang sáng mãi” vừa khai mạc sáng 10-2 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM.
Đĩa, nậm rượu (bìa trái) có hai câu thơ chữ Nôm, phiên âm: “Vắt chân nằm ệch ngáy o o. Gẫm xem chẳng khác Đường Ngu thói thuần”
Hơn 400 cổ vật, hiện vật thời Tây Sơn thuộc nhiều chất liệu đã thu hút nhiều người đến xem trong buổi khai mạc. Ngoài những hiện vật gốm cổ như mảnh ngói, gạch xây thành Hoàng Đế, bình sứ, đĩa, chung, bình vôi có niên đại thời Tây Sơn, triển lãm lần này giới thiệu nhiều hiện vật bằng giấy. Đó là các thư, chiếu của vua Quang Trung gửi cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, thư của quan trấn thủ Tư Trung Hầu biếu quà tết cho Nguyễn Thiếp, chiếu của vua Quang Trung trách Nguyễn Thiếp từ chối bổng lộc...
Bên cạnh đó là các đồng tiền cổ thời Tây Sơn như “Thái Đức thông bảo”, “Minh Đức thông bảo” - được giới sưu tập đánh giá là hiện vật quý hiếm. Binh khí thời Tây Sơn gồm kiếm, đoản kiếm và các khẩu thần công cỡ lớn tìm thấy được ở đầm Thị Nại (Bình Định). Điều thú vị là có một số bát muỗng gốm được tìm thấy ở lòng sông Rạch Gầm - Xoài Mút và một số đĩa, bình, nậm rượu sứ có các câu thơ Nôm như “Vắt chân nằm ệch ngáy o o/Gẫm xem chẳng khác Đường Ngu thói thuần”, “Tùy người dùng bỏ không quan trọng/Dưới tùng gió mát ngủ ngon thôi”. Đây cũng là một nguồn tư liệu văn học Nôm thời Tây Sơn đáng để cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu.
Chuyên đề triển lãm được thực hiện với sự phối hợp cùng chín bảo tàng, khu di tích ở tỉnh thành bạn và sáu nhà sưu tập tư nhân: Nguyễn Văn Dòng, Đỗ Hùng, Lê Hoan Hưng, Nguyễn Tâm Hữu, Nguyễn Văn Phẩm (TP.HCM), Trần Phú Sơn (Đồng Nai).
Triển lãm mở cửa đến tháng 10-2011.
Theo TTO