Triển lãm 'Hà Nội 1972': Cận cảnh quả bom từng rơi xuống Khâm Thiên

Cập nhật: 27-12-2022 | 14:11:59

Khách tham quan triển lãm bên chiếc loa báo động, cảnh báo nhân dân tìm nơi trú ẩn khi máy bay địch tiếp cận Thủ đô.

Ngày 27-12, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội khai mạc trưng bày chuyên đề “Hà Nội 1972-Khát vọng hoà bình” giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của quân và dân Thủ đô Hà Nội cách đây 50 năm.

Không gian triển lãm tái hiện nhiều địa điểm bị ném bom ác liệt (phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai), những lớp học thời chiến, khu hầm trú ẩn của người dân..., trong đó có nhiều hiện vật nổi bật như loa báo động do Công ty cơ khí Hà Nội sản xuất vào những năm 50 của thế kỷ XX để cảnh báo nhân dân tìm nơi trú ẩn khi có máy bay Mỹ, quả bom 250kg ném xuống phố Khâm Thiên nhưng không nổ...

Khu vực trưng bày chia thành 3 chủ đề.

Chủ đề “Khoảng lặng” bao gồm các tài liệu ảnh về sự chuẩn bị của nhân dân: Sơ tán, đào hầm hào, xây dựng các trận địa pháo, nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chủ đề “Đối mặt” tái hiện lại cuộc chiến ác liệt giữa quân và dân thủ đô với không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội từ ngày 18/12/1972 đến 29/12/1972 và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không.”

Chủ đề “Hoà bình” khắc họa toàn cảnh Hà Nội “đứng dậy” sau chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng lại các công trình, cuộc sống ngày nay của người dân.

Triển lãm tái hiện những địa điểm bị ném bom năm 1972 tại Hà Nội

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết đây là dịp để người dân Thủ đô và du khách hiểu hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến, sự quả cảm của quân dân Hà Nội trong chiến đấu, đặc biệt là 12 ngày đêm chống lại “pháo đài bay” B52 bảo vệ Thủ đô, bảo vệ đất nước.

“Chúng ta có quyền tự hào khi đã lập nên một kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, là bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam,” bà Trần Thị Vân Anh chia sẻ.

[50 năm Điện Biên Phủ 'trên không': Ý chí bùng lên từ 'đất cháy']

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định đây là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta; cổ vũ, động viên, thắp sáng niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.

Bà Đặng Thị Ty xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của mình đang điều khiển khẩu súng 12D7.

Tham dự triển lãm, bà Đặng Thị Ty (75 tuổi), xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của mình lúc đang là dân quân tự vệ xã Đan Phượng trên trận địa bảo vệ đập Phùng năm 1972.

“Năm đó, tôi vừa đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở nên mới được phóng viên Báo Nhân Dân về chụp ảnh. Tôi vẫn còn giữ bức ảnh bằng con tem cắt ra từ tờ báo đó. Hôm nay, không ngờ tôi được nhìn lại hình ảnh của mình được trưng bày tại đây,” bà Ty chia sẻ.

Trò chuyện với phóng viên, bà kể lại những ngày tháng gian khổ, vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, những đêm nằm ngủ dưới lán canh đê, cùng đồng đội trực chiến bên khẩu súng phòng không 12D7 chờ máy bay địch.

“Năm 1966 tôi được kết nạp Đảng. Kể từ đó, tôi tham gia lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương. Tuổi trẻ nên không biết sợ là gì, chỉ một lòng thi đua sản xuất và tham gia kháng chiến. Hôm nay đến dự triển lãm, tôi rất mừng vì đây là hoạt động ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc,” bà Ty tâm sự./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên