Triệu phú nhờ nuôi nhím!

Cập nhật: 18-04-2011 | 00:00:00

Chỉ với 2 cặp nhím giống mua về nuôi kiểng năm 2005, sau 3 năm, anh đã có một đàn nhím trên 30 con. Kể từ đó, trung bình mỗi năm anh thu về từ 150 -  200 triệu đồng từ tiền bán nhím. “Mô hình nuôi nhím rất đơn giản, dễ chăm sóc, nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Con nhím không hề có bệnh tật nên không sợ bị thiệt...” - anh Phạm Văn Kìa ở ấp 1, xã Tân Bình, Tân Uyên chia sẻ.

Lợi nhuận cao

Nhìn trại giống có tổng diện tích khoảng chừng 50m2 đất, chuồng trại xây dựng đơn giản, nhưng khi nghe lợi nhuận một năm lên đến hàng trăm triệu đồng thì ai mà không mê. Trại nhím của anh Kìa hiện có khoảng 50 con, trong đó có 15 cặp nhím bố mẹ. Anh Kìa cho biết, nhím sinh trưởng rất nhanh. Một con nhím từ khi chào đời đến lúc trưởng thành để sinh sản là khoảng một năm. Với 15 cặp nhím giống, tháng nào anh cũng xuất chuồng từ 2 - 3 cặp nhím con. Giá theo thời điểm, hiện dao động từ 11 - 13 triệu đồng/cặp. Nhím sau khi sinh khoảng 2 tháng đạt trọng lượng khoảng 2kg/con là bán được. Hiện tại nguồn cung khá hiếm. Ngoài việc bán cho bà con địa phương nuôi làm giống, rất nhiều thương lái từ miền Tây, Hà Nội tìm về đặt mua.

 

Anh Kìa đang chăm sóc đàn nhím của mình

Quan sát mô hình nuôi nhím mà anh Kìa đang nhân rộng cho bà con quả thật rất đơn giản. Mỗi chuồng nhím có diện tích khoảng 1,5m2, số tiền xây dựng 1 triệu đồng/chuồng. Nhím là động vật ăn tạp nên dễ nuôi. Ngoài các món khoái khẩu như bí đỏ, khoai lang, rau muống, chúng có thể ăn tất cả các loại trái cây dạt mua lại từ chợ, chủ vườn nên chi phí chăn nuôi rất rẻ. Với 50 con nhím hiện tại, mỗi tháng anh Kìa bỏ ra khoảng 300.000 đồng tiền mua thêm bí đỏ. Anh tâm sự: “Bà con mình ai cũng có vườn trồng thêm rau, củ hoặc chiều đến ra chợ xin rau, trái cây dạt đem về nên chẳng tốn kém bao nhiêu. Con nhím lại có sức đề kháng tốt nên hầu như không có bệnh tật, lâu lâu mới có một vài con bị bệnh đường ruột. Những lúc như thế nên cho nhím ăn nhiều chất chát, tốt nhất nên đi hái vài bông cám mít cho ăn là lành ngay”.

Anh Thành cũng khuyên bà con lưu ý trong quá trình xây chuồng chỉ nên xây tường làm vách ngăn, mặt tiền và mặt hậu nên dùng lưới B40 rào cho thoáng. Nếu chuồng nhím mà xây kín như chồng heo thì nhím chậm lớn, lại dễ bị ghẻ lở. Cho ăn nhiều rau nhím mượt lông, da hồng hào nhanh lớn. Hàng ngày phải nhớ dội rửa chuồng trại sạch sẽ.

“Ăn, ngủ” cùng nhím

Vốn là một nông dân cần mẫn nên trước đây anh Kìa cũng từng nuôi heo rừng lai, cá, gà, rắn... nhưng hầu hết không đạt lợi nhuận cao. Theo anh Kìa, những vật nuôi này đầu tư nhiều công sức và chi phí cao hơn. Năm 2005, thông qua một vài thông tin trên báo, đài, anh quyết tìm con nhím đưa về trại mình. “Sau nhiều lần hỏi thăm, tôi tìm mua được cặp nhím giống ở Đồng Phú, Bình Phước với giá 5 triệu đồng. Sau đó không lâu, tôi tiếp tục bỏ ra thêm 7 triệu đồng mua thêm một cặp ở Củ Chi, TP.HCM. Nói thật, lúc tôi ôm tiền đi tìm mua nhím, vợ con không bằng lòng, bởi lúc đó con nhím chưa có hiệu quả kinh tế cao như bây giờ, chủ yếu mua nuôi làm kiểng là chính” - anh Kìa cười vui cho biết. Ngay cả một người từng trải về vật nuôi cũng không ngờ con nhím sinh trưởng rất nhanh. Trung bình mỗi năm 2 lứa, một lần sinh dao động từ 1 - 4 con (đa số là 2 con). Cũng vì thế mà chỉ sau 3 năm, anh đã có trong tay một đàn nhím. Nhím được giá, nhiều mối lái liên tục hỏi mua nên cái tên Ba Nhím của anh cũng được nhiều người biết đến.

Từ chỗ đam mê công việc lại có nhiều tên trộm nhím rình rập về đêm, nên mới đây anh xây luôn một cái nhà mát cạnh trại để “ăn, ngủ” cùng nhím. Anh bảo: “Con nhím cũng rất “tình cảm” khi mình tận tình chăm sóc, gần gũi với nó. Lông nó tua tủa như thế nhưng không ít con tôi cũng có thể bồng, vuốt ve như chú heo con”. Từ chỗ hiểu được tính cách của từng cặp nhím giống nên anh có thể nuôi ghép, gửi nhím con của cặp này sang cặp khác nuôi để đẩy nhanh việc sinh sản. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi nhím, anh Kìa khuyên bà con khi bỏ tiền đầu tư nuôi nhím, tốt nhất chỉ nuôi mỗi cặp một chuồng, không nên nuôi theo kiểu một chuồng lớn có 5 - 7 nhím cái, một nhím đực. Nuôi như thế chất lượng sinh sản thấp, nhím con chậm lớn. Loài nhím cũng rất hung dữ, khi nhốt chung như thế nhím con sẽ gặp nguy hiểm. Và khi đã nuôi kinh doanh phải nên tính đến hiệu quả, bởi vật nuôi nào cũng chỉ có một thời “hoàng kim”. Những lúc giá thành cao phải tranh thủ bán nhím con để thu lợi. Những lúc nhím xuống giá thì để lại gầy nuôi tăng số lượng bầy đàn, ai có tư tưởng nuôi theo kiểu phong trào thì không nên!

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên