Triều Tiên muốn hòa giải, Mỹ, Hàn vẫn làm căng

Cập nhật: 06-01-2011 | 00:00:00

CHDCND Triều Tiên hôm qua (5-1) đã đề nghị tiến hành các cuộc đàm phán vô điều kiện với nước láng giềng Hàn Quốc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Washington và Seoul vẫn muốn áp đặt các điều kiện với Bình Nhưỡng trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

 

Theo hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA, chính phủ, đảng và các tổ chức xã hội ở Triều Tiên đã cùng đưa ra một tuyên bố chung, trong đó đề xuất tiến hành đối thoại với các quan chức Hàn Quốc về cách thức xóa bỏ sự hiểu lầm và thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước để từ đó đem đến hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.

 Những nhà hoạt động chống chiến tranh đang kêu gọi hòa bình ngay trước cửa văn phòng chính của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Theo Bình Nhưỡng, cách tiếp cận đối đầu không những không giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa nam và bắc Triều Tiên mà còn dẫn đến những cuộc xung động quân sự và thậm chí là chiến tranh. Chỉ có bằng các cuộc đối thoại và đàm phán mới có thể phá vỡ được tình thế khó khăn hiện nay. Vì thế, Triều Tiên hy vọng có thể đối thoại và đàm phán được với các quan chức, với các đảng phái và các tổ chức xã hội của Hàn Quốc.

 

“Dù họ đã làm gì trong quá khứ thì Triều Tiên vẫn muốn gặp gỡ họ ở bất kỳ nơi đâu và vào bất kỳ thời gian nào miễn là họ muốn cùng với Triều Tiên tiến lên phía trước. Triều Tiên sẵn sàng đàm phán về tất cả các vấn đề như căng thẳng, hòa bình, hòa giải và thống nhất đất nước”, tuyên bố chung của chính phủ, đảng và các tổ chức xã hội ở Triều Tiên đã viết như vậy.

 

Tuyên bố trên cũng đề nghị hai miền Triều Tiên chấm dứt nói xấu lẫn nhau và chấm dứt các hành động khiêu khích bởi điều đó chỉ làm gia tăng sự hiểu lầm, không tin tưởng lẫn nhau, dẫn đến các cuộc đối đầu và sự thù địch giữa hai bên. “Tránh được điều này, chúng ta có thể tạo ra một không khí cho sự phát triển mối quan hệ liên Triều,” Bình Nhưỡng cho biết thêm.

 

Cuối cùng, Triều Tiên đã bày tỏ mong muốn Hàn Quốc “sẽ có câu trả lời tích cực cho lời đề nghị và kêu gọi chân thành của họ về việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và giữa hai miền nam, bắc".

 

Có thể nói, việc chính phủ Triều Tiên với đảng cầm quyền và các tổ chức xã hội cùng nhau đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi hòa đàm với Hàn Quốc là điều rất hiếm khi xảy ra. Điều này cho thấy, Bình Nhưỡng có vẻ như thực sự muốn ngồi vào bàn đàm phán với Seoul. Không rõ là liệu Seoul có quan tâm đến lời đề nghị mới nói trên của Bình Nhưỡng hay không sau khi xảy ra vụ tấn công bằng đạn pháo của Triều Tiên vào một hòn đảo của Hàn Quốc khiến 4 người thiệt mạng cách đây chưa đầy hai tháng.

 

Phản ứng của Mỹ

 

Trong khi tuyên bố của Triều Tiên thể hiện một sự hòa dịu thì Mỹ lại tỏ ra rất cứng rắn. Nước này muốn Triều Tiên phải ngừng khiêu khích Hàn Quốc, thực hiện thỏa thuận hạt nhân năm 2005 và chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công gần đây trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

 

"Chúng tôi luôn để ngỏ khả năng đối thoại nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào Triều Tiên nói là "OK chúng ta cần nói chuyện" thì các cuộc đàm phán sẽ tự động diễn ra. Có những điều mà Triều Tiên cần phải thể hiện với cả Mỹ và Hàn Quốc trước khi chúng ta có thể tiến hành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và bền vững," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley đã phát biểu như vậy trước các phóng viên sau cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ-Trung ở thủ đô Washington.

 

"Triều Tiên chắc chắn cần phải cam kết rằng họ sẽ không có thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào. Đó là một bước đi để thể hiện họ sẵn sàng cùng tiến lên phía trước với chúng tôi. Một bước đi khác là họ phải cam kết tuân thủ tuyên bố chung được đưa ra năm 2005 về việc giải trừ vũ khí hạt nhân," ông Crowley nói thêm.

 

Theo tuyên bố năm 2005, Triều Tiên cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân và nước này đã thực hiện một số bước đi nhằm tiến tới mục đích giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, mọi việc đã đổ vỡ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ hai.

 

Các nỗ lực ngoại giao

 

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo lên mức cao nhất kể từ thời chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kể từ sau khi xảy ra vụ chìm tàu chiến Hàn Quốc hồi tháng 3 và vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng 11 năm ngoái.

 

Hôm 4-1, cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ ở thủ đô Washington. Tại đây, hai quan chức cấp cao Mỹ, Trung đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và “tránh có những hành động gây mất ổn định khu vực," Nhà Trắng cho biết.

 

Trong khi đó, ở thủ đô Seoul, phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên - ông Stephen Bosworth đã có cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc trước khi lên đường sang Trung Quốc. Washington hy vọng các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể sớm được khởi động lại mặc dù người ta ít hy vọng về một kết quả đột phá có thể đạt được từ các cuộc đàm phán này.

 

Ông Bosworth không công khai nói rằng chuyến công du Châu Á lần này của ông là nhằm tìm cách đưa Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán mà chỉ khẳng định ông ở đây để thu thập ý kiến từ các bên liên quan. Rất có thể, các cuộc gặp gỡ của ông Bosworth với các nhà lãnh đạo khu vực chỉ tập trung vào việc có nên tái khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Mỹ, hai miền Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.

 

Phát biểu sau cuộc gặp với ông Bosworth, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-Hwan tỏ ra thận trọng về vấn đề tái khởi động các cuộc đàm phán 6 bên. Ông Kim cho rằng, các cuộc đàm phán đó là “công cụ đàm phán hữu ích” để giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, theo ông này, phải có những điều kiện cần thiết được đưa ra để các cuộc đàm phán thật sự đạt được những tiến bộ. “Mọi việc phụ thuộc vào hành vi của Triều Tiên, vào lựa chọn đi theo con đường xung đột hay hòa bình của họ,” ông Kim nhấn mạnh.

 

Khi được hỏi liệu Mỹ có gây áp lực với Seoul để buộc Seoul phải ngồi vào bàn đàm phán với Bình Nhưỡng hay không, ông Bosworth đã trả lời: “Không bao giờ."

 

Sau khi ở Hàn Quốc, ông Bosworth sẽ đến Trung Quốc và Nhật Bản để tham khảo ý kiến của hai nước này về việc khởi động các cuộc đàm phán 6 bên.

 

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên