Ông Trương Văn Thanh, một người Huế là bạn học của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ những năm đệ lục cho đến khi vào trường Sư phạm Quy Nhơn. Mỗi khi nhắc đến người nhạc sĩ tài hoa này, lòng ông vẫn dâng trào xúc cảm mạnh. Ông đã chia sẻ với chúng tôi ký ức về “một người bạn đặc biệt”...
Ban nhạc Thanh - Sơn - Hải
Tôi quen Sơn từ khi học đệ lục ở trường Thiên Hựu cũ. Ngày ấy, Hồ Quang Hải cũng là tay ghi ta có tiếng ở Huế. Ba anh em tôi chơi với nhau vì rất hợp tính. Năm 1962, cả ba cùng lên tàu vào học ở trường Sư phạm Quy Nhơn. Lúc mới vào, ba chúng tôi họp lại thành ban nhạc Thanh-Sơn-Hải. Nói là ban nhạc cho vui, nhưng thực ra chỉ hát hò, chơi với nhau chứ ít khi biểu diễn đình đám. Chân ướt, chân ráo, vậy mà ban nhạc phụ trách việc tập luyện và tổ chức đại nhạc hội đầu tiên cho trường Sư phạm Quy Nhơn vào năm 1962, trong đó có tiết mục Dã tràng ca.Vào Quy Nhơn, chúng tôi ở trọ cùng nhau. Thời điểm này, Sơn sáng tác rất nhiều bản tình ca. Hải và Sơn lúc ấy chơi ghi ta, tôi chơi đàn violon. Sơn hay đi chơi khuya. Đêm nào tôi cũng ngồi chơi violon cho đến khi Sơn về. Cứ có cảm hứng là Sơn ngồi sáng tác. Tôi quan sát, cứ 10 bài thì hết 9 bài, Sơn đã chuẩn bị lời hát. Lúc nào Sơn cũng có sẵn hộp diêm, khi sáng tác thì lấy que diêm chấm mực kẻ ô và viết một mạch, có khi anh ngồi đến sáng. Về Dã tràng ca, Sơn viết trong thời gian khoảng một tháng. Được đoạn nào, Sơn đàn hát, rồi chúng tôi góp ý cho bạn. Hồ Quang Hải là người góp ý rất nhiều cho Sơn chỉnh sửa Dã tràng ca. Trong đại nhạc hội lần thứ nhất (hiện có nhiều tài liệu khác nhau cho rằng, Dã tràng ca được biểu diễn tại lễ ra trường năm 1964 hoặc lễ khánh thành trường năm 1962 – NV) Sơn chỉ huy dàn hợp xướng, tôi và Hải đệm đàn. Đại nhạc hội tại rạp Vinh Khánh (Quy Nhơn) năm đó, ban nhạc Thanh-Sơn-Hải chơi từ đầu cho đến cuối Sau buổi ấy, nhiều sinh viên trong trường biết đến ba chúng tôi, đặc biệt, Sơn dành được nhiều tình cảm mến mộ.
Ngày ấy, tôi chứng kiến Sơn viết nhiều ca khúc. Như cánh vạc bay là cảm xúc của Sơn sau khi anh đọc một tác phẩm văn học nổi tiếng của Nhật. Còn Biển nhớ là viết trong mùa hè chúng tôi ở lại Quy Nhơn. Bài hát có nhắc đến tên của Bích Khê, một cô sinh viên rất dễ thương người Nha Trang đang học cùng trường Sư phạm Quy Nhơn. Bích Khê có vẻ đẹp rất lạ, ai nhìn cũng mê mẩn.
Một người hiền lành
Ngẫm lại, tôi thấy Sơn là một nhạc sĩ thiên tài, thiên tài nhất ở mặt sử dụng ca từ. Có những từ không ai hiểu nổi nhưng khi đi vào ca khúc của anh, người ta vẫn cảm được nó. Sơn là người hiền lành, thưở học ở Quy Nhơn, dịp ấy vui quá, ba chúng tôi ngồi uống lai rai trước trường, bị thầy hiệu trưởng Đinh Thành Chương ra mắng. Tôi và Hải còn giải thích, xin xỏ đôi lời, còn Sơn cứ ngồi lặng im vậy, không dám nói gì. Có lần, mẹ Sơn vào thăm không báo trước, trong khi ba chúng tôi cùng anh Nguyễn Tri Tài đi chơi và hát hò khắp nơi. Về đến nhà, bà Thanh (mẹ Sơn) trách: “Răng không đón mẹ đi chơi với bạn bè”? Sơn chỉ đáp: “Con có biết mẹ vô mô!” rồi cúi đầu ngượng nghịu.
Sơn rất tốt với bạn bè. Lúc tôi vào thăm Sơn, sau khi hỏi thăm chuyện gia đình, Sơn dẫn tôi đi mua sách Toefl và băng luyện thi cho con trai đầu của tôi. Sơn bảo: “Trong ba đứa mình, chỉ có con Thanh là học giỏi nhất. Nếu có gì khó khăn, Thanh cứ nói với mình”. Tôi nghe mà cảm động vô cùng. Sơn là người được nhiều người khác thương là vậy.
Lần khác, tôi vào chơi nhà Sơn ở TP Hồ Chí Minh, lúc này, sức khỏe Sơn đã yếu. Sơn mở cho tôi chai chivas, còn Sơn uống rượu nhẹ, sau đó, anh lật đàn Piano chơi một đoạn nhạc. Bạn bè đang ríu rít trò chuyện thì có cô ca sĩ Thu Hà ở Hà Nội vào. Cô ấy nũng nịu đòi Sơn vẽ tặng bức chân dung mình. Sơn đành căng toan vẽ và ký tặng bên dưới, xong việc mới ra ngồi uống rượu với tôi... Khi đọc một vài tập sách người ta viết sai lệch về Sơn và nhạc của Sơn, tôi hỏi: “Răng Sơn không lên tiếng?”. Sơn trả lời quấy quá: “Kệ họ! Đừng để ý”. Tôi hiểu tính Sơn là vậy.
... Ngày nhận được tin Sơn mất, tôi chết lặng. Tôi với Sơn có quá nhiều kỷ niệm. Với tôi, Sơn lúc nào cũng là một người bạn hiền lành, đáng mến.
Lô Dinh ghi
(THEO NHÂN DÂN)