Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ của mọi người...

Cập nhật: 02-04-2011 | 00:00:00

Những ngày này, nhiều nơi tổ chức chương trình âm nhạc nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1.4.2001 - 1.4.2011). Đây là hoạt động tưởng nhớ nhạc sĩ tài hoa, nhạc sĩ được mệnh danh là viết tình ca hay nhất thế kỷ. Riêng gia đình ông tổ chức hẳn một chương trình lớn dành cho những ai yêu mến ông. Đó là “Chuyến hành hương về lại nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yên nghỉ” vào ngày thứ bảy 2-4...

Chương trình được tổ chức cho 100 người viết cảm nhận về “Nhạc Trịnh trong tôi” hay nhất do HBD Star Cinemar tổ chức trong tháng 3 vừa qua. Chương trình được bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút tại Nhà lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (47C Phạm Ngọc Thạch). Mọi người sẽ cùng nhau thắp nén hương lên trang thờ ông. Sau đó, cùng gia đình nhạc sĩ về lại Nghĩa trang Gò Dưa - nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yên nghỉ. Đến trưa, đoàn về lại Hội quán Hội Ngộ (Khu du lịch Bình Quới 1, TP.HCM) để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về ông, về bạn bè, gia đình...

Đúng là nhạc Trịnh luôn được đón nhận mọi lúc, mọi nơi từ sân khấu sang trọng đến quán bar, bên bàn nhậu, trong quán cà phê. Nhạc của ông có thể để biểu diễn và cũng có thể cho ai thích thì... hát! Như một tâm tình, như một tri âm, tri kỷ khi buồn vui.

Nhiều người ở Bình Dương hiện còn nhắc đến ông với sự bình dị khi hát cùng họ trong những đêm lửa trại, trong nông trường của vùng kinh tế mới. Hầu như ai ai cũng đánh giá ông là con người bình dân, dễ gần gũi, không kiểu cách gì cả. Riêng tôi, nói đến nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, tôi cứ tiếc mãi. Bởi giá như đừng quá nhút nhát, tôi đã gặp được ông rồi...

Tôi là một người con của Huế. Tất nhiên, ai cũng tự hào về Trịnh Công Sơn nhưng người Huế hình như... tự hào hơn! Thế nên mới đây, ai cũng vui mừng khi biết Huế mới có con đường mang tên Trịnh Công Sơn. Cũng một điều tất nhiên nữa, ở Huế rất nhiều người (cả nam và nữ) có thể ôm đàn ghi-ta, nghêu ngao hát nhạc Trịnh.

Lên đại học, tôi học khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp. Mê nhạc của ông nên tôi muốn được gặp ông, diện kiến con người ông bằng da bằng thịt dù chỉ một lần. Thỉnh thoảng, tôi có nghe tin nhạc sĩ về Huế cùng biểu diễn hay về thăm bạn bè. Về biểu diễn thì tôi không thể gặp được vì... không có tiền mua vé. Về thăm bạn bè, có thể ông sẽ ngồi cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý,  cùng văn nghệ sĩ Huế...

Sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi vào Nam. Vẫn ao ước gặp ông nên tôi cứ... loanh quanh riết gần quán nhà ông mỗi khi có dịp lên thành phố. Không gặp, không thấy. Mới ra trường, tôi không dám vào những nơi sang trọng như nhà hàng, rạp hát... Thôi, đành đi về hẹn dịp khác!

Không ngờ “dịp khác” của tôi là ngày ấy, ngày 1-4-2001. Lúc đó, tôi đang làm phóng viên ở Báo Bình Dương thì nhận được điện thoại của một anh đồng hương, anh thổn thức: “Em ơi, Trịnh Công Sơn mất rồi!”. Cứ y như báo tin về một người thân... “Dịp khác” của tôi là lẩn trong đám đông dự đám tang ông tại Nghĩa trang Gò Dưa. Như mọi người, tôi đến sớm để... chờ ông, đi bộ theo đoàn xe tang đưa ông về với mẹ. Còn nhớ lúc đó, ai cũng ngậm ngùi khi tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn cất lên bài Cát bụi... Mới đó mà đã 10 năm...

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên