Hướng đến mục tiêu “Xây dựng trường học (TH) thân thiện, học sinh (HS) tích cực”, trong thời gian qua, việc đưa các bài hát dân ca, các trò chơi dân gian (TCDG) vào TH đã tạo nên một sức sống mới về việc giữ gìn văn hóa (VH) truyền thống dân tộc. Đặc biệt, khi đưa các bài hát dân ca, các TCDG vào nhà trường nhằm giúp các em HS hướng về cội nguồn và hiểu hơn những giá trị độc đáo trong VH cổ truyền dân tộc.
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2010-2011, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng TH thân thiện, HS tích cực”, trong thời gian qua, Sở GD-ĐT tỉnh tiếp tục đưa các bài hát dân ca vào nhà trường mục đích giúp các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo, các em HS nâng cao vốn hiểu biết về hát dân ca, duy trì các bài hát dân ca Việt Nam đang có nguy cơ mai một, tạo nên một sức sống mới về giữ gìn VH truyền thống trong các nhà trường.
Cùng với việc đưa các bài dân ca vào TH, các TCDG cũng được Bộ GD-ĐT chủ trương đưa vào nhà trường trong 3 năm qua. Trò chơi dân gian có vị trí rất quan trọng trong đời sống vui chơi của tuổi thơ. Trong thời buổi tràn ngập game online, những trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan, đá cầu, cướp cờ, trồng nụ trồng hoa... đang dần bị quên lãng. Kể từ khi phong trào thi đua “Xây dựng TH thân thiện, HS tích cực” được triển khai sâu rộng trong các nhà trường thì các TCDG bắt đầu sống lại và được sử dụng thường xuyên sau mỗi giờ học căng thẳng và luôn được chọn để vui chơi, biểu diễn trong các ngày lễ lớn do trường tổ chức.
Hoạt động vui chơi lành mạnh giúp các em phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồnBà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Đối với trẻ thơ, những làn điệu dân ca, những TCDG là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc VH dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là nhịp cầu nối tâm thức các em với mọi bài học về cuộc sống xã hội bởi vì nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với các em. Tổ chức cho các em hát dân ca, chơi các TCDG là phương tiện giúp các em phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, mở rộng nhận thức, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Trong 3 năm qua, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cũng đã tích cực chỉ đạo các nhà trường đưa các TCDG vào các TH. Ngoài những nội dung được các trường đang triển khai để nâng cao chất lượng dạy, học, tạo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, một nội dung được coi là điểm nhấn của phong trào trong năm học này là đưa TCDG, hát dân ca và các loại hình sinh hoạt VH dân gian vào TH, xây dựng quy tắc ứng xử VH trong TH. Hướng đến mục tiêu “Xây dựng TH thân thiện, HS tích cực”.
Việc đưa TCDG vào TH đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp HS rèn khả năng ứng xử VH, không sa vào những trò chơi bạo lực vô bổ đang tràn lan và các tệ nạn xã hội. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Phòng GD-ĐT huyện Thuận An cũng nhận định: Đặc điểm chung của TCDG được triển khai trong TH là đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập. Nhiều TH trong huyện đã cho HS làm quen với TCDG. Trường thì tổ chức trong các giờ ra chơi, giờ thể dục, giờ ngoại khóa, có trường HS chỉ được làm quen vào các dịp liên hoan, tổ chức các ngày kỷ niệm, khai giảng năm học mới... Nhưng một điều đáng mừng là phần lớn HS đều hào hứng với các TCDG, đặc biệt là các cháu mầm non, HS tiểu học và THCS. Trong các buổi tổ chức TCDG thực sự đã lôi cuốn các em bởi những tiếng hò reo, tiếng cười nói khi các em HS tham gia các TCDG quen thuộc gần với suy nghĩ và truyền thống của dân tộc. TCDG thực sự góp phần giáo dục HS về truyền thống VH của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cần được khôi phục và phát huy
Nhiều TH trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo như xây dựng góc TCDG cho HS. Với các TCDG truyền thống, HS được chơi trong lớp, ngoài sân, trong giờ sinh hoạt tập thể, giờ ra chơi đều có thể tiếp thu các TCDG. Trong các giờ học, giáo viên cũng lồng ghép vào các tiết dạy để HS tự tin, mạnh dạn, hứng thú học tập. Những giờ vui chơi như vậy cũng góp phần giúp HS được giao lưu ấm tình đoàn kết bạn bè. Từ đó, chính HS vì yêu thích TCDG mà tự tìm thêm những trò chơi khác, làm phong phú thêm TCDG của nhà trường. Với đặc điểm, TCDG thường rất đơn giản, không tốn kém, chơi lại nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ và HS rất thích thú khi vui chơi.
Cô Vũ Bích Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dĩ An cho biết: Các trò chơi như: ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, ném bóng, rồng rồng rắn rắn, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê... được các em tiếp nhận một cách hào hứng và thường xuyên. Trường đã hoàn thành được việc đưa các TCDG trong nhà trường để cho HS được sinh hoạt một cách vui tươi, lành mạnh, bảo đảm tính truyền thống; góp phần đưa phong trào “TH thân thiện, HS tích cực” trong nhà trường đi vào chiều sâu chất lượng.
Ngày nay, ngoài giờ học, HS thường chơi game, nghe nhạc, xem ti vi... Có nhiều em quá mê game nên quên cả học, quên ăn uống. Ngồi chơi và xem ti vi lâu quá sẽ ảnh hưởng đến đôi mắt và cột sống. Có em nhỏ tuổi đã bị béo phì vì ăn nhiều chất mà thiếu vận động, có em mới học lớp 1 đã đeo cặp kính cận dày, đi lệch vai, vẹo cột sống... Các TCDG không chỉ giúp các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, không tốn nhiều sức, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát mà còn tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết... Những trò chơi, cách chơi đem lại hiệu quả cao như vậy cần được khôi phục và phát huy trong nhà trường. Nếu được thiết kế hợp lý giữa hoạt động học tập và vui chơi phù hợp sẽ làm cho việc tiếp thu kiến thức của HS tốt hơn. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn.
NGỌC THANH