Trợ lực phát triển nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp trong nước - Bài 1

Cập nhật: 08-11-2024 | 17:00:34

Bài 1: Hướng đi mới cho công nghiệp

(BDO) Hiện nay, doanh nghiệp (DN) trong nước với hơn 90% là DN nhỏ và vừa. Vì vậy, việc phát triển, nâng cấp các nhà máy sản xuất theo hướng thông minh cùng với chuyển đổi kép là mục tiêu nhưng còn nhiều thách thức. Do đó, DN rất cần có sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng. 

Không thể đứng ngoài xu hướng 

Hiện nay, với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, các DN sản xuất ở Bình Dương đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay trong thị trường nội địa. Vì vậy, phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các DN sản xuất.


Chuyên gia giới thiệu về các mô hình nhà máy thông minh 

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và nhà máy thông minh là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ vẫn đang gặp nhiều rào cản khi tiếp cận công nghệ và cần thêm nhiều trợ lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đang là bài toán khó cho hầu hết DN hiện nay, bởi việc chuyển đổi mô hình đòi hỏi phải thay đổi toàn diện từ tư duy đến đầu tư vốn, nhân lực.

Trong sản xuất, chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong chuỗi cung ứng thế giới. Đặc biệt, da giày là một ngành công nghiệp với sản phẩm đặc thù mang tính thời trang, xu hướng và thay đổi liên tục. Đối với ngành da giày, chuyển đổi số đã và đang giúp các DN tự thay đổi mình, cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. 

Hiện nay, nhiều sản phẩm, giải pháp “Make in Viet Nam” ứng dụng các công nghệ mới như AI, BigData, IoT ra đời với chức năng đa dạng có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm nước ngoài về mặt chi phí, nguồn lực và tính phù hợp với các DN Việt Nam. 

“Thực tế, DN da giày trong nước vẫn chưa bắt kịp xu thế chuyển đổi số để đẩy mạnh phát triển. Vì vậy, cần chuyển đổi sâu rộng và toàn diện về mặt tư duy và chiến lược, mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số và tự động hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực sản xuất và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Và chúng tôi mong được hỗ trợ, khảo sát, lựa chọn phương thức phù hợp với năng lực, tài chính và cả định hướng phát triển.”, ông Vũ đề xuất.

Tại Công ty giày Nam Bình, do ông Nguyễn Quang Vũ làm chủ, việc tối ưu hóa quy trình sản xuất bằng công nghệ được xem là một đòi hỏi tất yếu. Vì thế, công ty đã và đang xây dựng một lộ trình chuyển đổi số phù hợp, ứng dụng các công nghệ mới như in 3D, tiến tới sử dụng robot trong sản xuất hay kết hợp các công nghệ mới thực tế ảo sẽ giúp ngành da giày cải thiện năng suất, đáp ứng nhu cầu thời trang của người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm mua hàng.

Ông Lưu Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, Giám đốc Công ty Nghệ Năng cho biết: DN cần xem xét chuyển đổi chiến lược sản xuất kinh doanh một cách toàn diện. Điều này rất cần sự hỗ trợ để ban lãnh đạo lựa chọn phương án phát triển, kiểm soát quá trình chuyển đổi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

Theo ông Trí, hiện nay DN cơ điện gặp khó khăn trong liên kết với các DN FDI; số DN tham gia vào chuỗi liên kết ngành điện tử rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, linh kiện… Chính điều này cần sự hỗ trợ để phát triển, nâng cấp sản xuất theo hướng phát triển nhà máy thông minh, hiện đại, số hóa các quy trình.

“Tại Công ty Nghệ Năng, chúng tôi xác định để phát triển bài bản, chuyên nghiệp, có năng lực cạnh tranh và cung ứng sản phẩm cao cấp cho các DN FDI trên địa bàn, công ty phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy số hóa trong sản xuất. Với mục tiêu rõ ràng đó, chúng tôi thúc đẩy đội ngũ nhân viên quyết liệt, kiên định và nỗ lực thực hiện dự án sản xuất thông minh thành công”, ông Lưu Trí chia sẻ.

Kết nối “3 nhà”

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Chúng ta có rất nhiều cơ hội để hiện thực hóa chuyển đổi số, đưa DN phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thành công, các DN cần chủ động thích ứng và đổi mới. Và để cùng đồng hành trong công cuộc chuyển đổi số của DN, Sở Công thương đã phối hợp cùng trường Đại học Thủ Dầu Một hỗ trợ DN lựa chọn mô hình chuyển đổi số, nhằm phát triển theo hướng nhà máy thông minh cho DN. 

Việc kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học với các DN công nghệ thông tin, các DN sản xuất, các hiệp hội ngành hàng, cùng nhau thảo luận về những thách thức, cơ hội và lộ trình chuyển đổi số trong từng DN, sẽ tìm ra những giải pháp thiết thực để áp dụng mô hình nhà máy thông minh một cách hiệu quả.


Ông Nguyễn Thanh Toàn phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy mô hình chuyển đổi số cho DN ngành Công thương năm 2024”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một chia sẻ: thời gian qua, sự kết hợp giữa 3 ba nhà “Nhà nước – Nhà trường – Nhà DN” đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Trong hoạt động chuyển đổi số, nhà trường sẽ là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những thành công của công cuộc này. 

Ngày 15-4-2022, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức Lễ công bố Đề án Đào tạo chuyển đổi số và thành lập Trung tâm Dự báo. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Bình Dương trong thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Từ đó đến nay, trường đã có nhiều chương trình đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ công chức, người lao động, sinh viên, học sinh và người dân. Nhà trường cũng đã xây dựng được 60 chuyên gia về lĩnh vực chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn quốc gia.  

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu đối với các DN. Trong thời đại công nghệ và dữ liệu đang thay đổi cách thức sản xuất và kinh doanh, mô hình nhà máy thông minh, với khả năng kết nối và tự động hóa, sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và giảm thiểu chi phí.

Tiểu My-Cẩm Tú

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=493
Quay lên trên