Một chương trình đột phá về phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010-2015 và đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh họp thông qua. Theo đó, mục tiêu sẽ xây dựng đô thị Bình Dương thành một cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chùm đô thị tập trung phía Nam, vệ tinh phía Bắc
Trình bày về chương trình đột phá phát triển đô thị Bình Dương trong thời gian tới, ông Huỳnh Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh, việc phát triển công nghiệp - dịch vụ phải gắn với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng đô thị làm động lực cho sự phát triển. Phải tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới Trung tâm chính trị - hành chính tập trung gắn với nâng cấp, chỉnh trang thị xã Thủ Dầu Một (TX.TDM) và các đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc và thân thiện với môi trường.
Đường Tạo lực Thành phố mới Bình Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung:
Chương trình đột phá về phát triển đô thị do có tính khả thi cao và có cơ sở khoa học, đây là một trong những chương trình mang tính chất đồng bộ để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX. Do đó, cần lưu ý quan tâm đến một số vấn đề như: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp; xử lý đồng bộ cơ sở hạ tầng và ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật; quan tâm phát triển các khu dân cư đô thị đã được phê duyệt theo hướng vùng đệm, văn minh, không để xảy ra tình trạng các khu “ổ chuột”; xây dựng quy chế quản lý đô thị... Việc phát triển đô thị Bình Dương phải theo hướng hiện đại, văn minh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Trong giai đoạn 2011-2015 có 14 công trình trọng điểm, dự án lớn cần tập trung thực hiện như: thông tuyến đại lộ Bình Dương 2 từ đường Kha Vạn Cân (TP.HCM) đi Sóng Thần; hoàn thành tuyến đường từ ngã năm Thư viện - đại lộ Bình Dương đến trung tâm đô thị mới; hoàn thành dự án đường ven sông Sài Gòn; đường trên cao đại lộ Bình Dương; xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội, phát triển tuyến đường Thủ Biên - Biên Hòa...
Đối với việc phát triển không gian đô thị, ông Minh cho biết sẽ tiếp tục phát triển theo định hướng chùm đô thị tập trung phía Nam và các đô thị vệ tinh phía Bắc với TX.TDM là đô thị trung tâm. Hệ thống đô thị Bình Dương liên kết với các đô thị thuộc vùng TP.HCM qua hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ. Phát triển đô thị mới phải kết hợp với chỉnh trang và nâng cấp đô thị cũ, phát triển đô thị mới còn gắn với các khu công nghiệp chủ yếu dựa trên không gian 2 hành lang trục đại lộ Bình Dương và đường ĐT747 - Sóng Thần theo phương Bắc Nam và đường vành đai 4 theo phương Đông Tây. Đồng thời, phát triển các đô thị sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn, Thị Tính và Đồng Nai. Theo định hướng phát triển, đến năm 2015 tỉnh Bình Dương sẽ bao gồm 1 thành phố, 5 thị xã, 4 huyện với 49 phường, 11 thị trấn và 51 xã. Đến năm 2020, Bình Dương đạt tiêu chí đô thị loại I và chuyển thành thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương với 6 quận, 4 huyện, 60 phường, 13 thị trấn và 40 xã.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng
Để đạt được các mục tiêu về phát triển đô thị Bình Dương thì việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đặc biệt quan trọng. Về lĩnh vực giao thông phải kết hợp với các bộ ngành của Trung ương nhằm thực hiện tốt các dự án giao thông liên vùng như đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (Bình Phước), đường vành đai 3, vành đai 4... Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông tuân thủ theo quy hoạch chung đô thị Bình Dương, phát triển hệ thống đường trên cao ở khu vực đô thị phía Nam và từng bước chuẩn hóa về quản lý hệ thống giao thông theo hướng đường đô thị. Vấn đề xây dựng sân bay vận tải hàng hóa nội địa kết hợp quốc phòng cũng được các ý kiến đề cập để nghiên cứu tính khả thi. Bên cạnh giao thông bộ cũng tiếp tục phát triển giao thông thủy kết hợp giữa vận tải và khai thác du lịch dân sinh.
Về cấp thoát nước, chương trình cũng đặt yêu cầu đầu tư xây dựng các trục thoát nước chính của đô thị, mạng lưới thoát nước mưa đến năm 2015 phục vụ thoát nước đạt 70 - 80% và xây dựng hệ thống thoát nước ngoài khu, cụm công nghiệp. Các tuyến cống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt cũng được đầu tư xây dựng nhằm cải thiện môi trường. 100% nhà máy trong khu công nghiệp đều phải xử lý đạt tiêu chuẩn quy định. Cung cấp nước sạch cho sản xuất và tiêu dùng toàn đô thị Bình Dương theo tiêu chuẩn 150 lít/người/ngày đêm, đưa tỷ lệ thất thoát nước dưới 10%. Các lĩnh vực khác như cấp điện, chiếu sáng đô thị, cây xanh, vỉa hè, thông tin liên lạc... cũng được chương trình đưa ra các yêu cầu về chỉ tiêu như chiếu sáng đạt trên 95%, cây xanh đạt 15m2/người, mỗi huyện, thị đều phải có công viên... Đối với phát triển kết cấu hạ tầng xã hội như công trình dịch vụ thương mại, công sở, nhà ở, công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao cũng được đưa ra với các chỉ tiêu khá cụ thể nhằm thực hiện một cách đồng bộ.
K.TÂN
Nâng cấp đô thị Bình Dương theo các giai đoạn được chương trình đưa ra cụ thể như sau:
TX.TDM giai đoạn 2011-2015: đô thị loại II, cấp quản lý hành chính thành phố trực thuộc tỉnh. Giai đoạn 2016-2020: đô thị loại I, tách và thành lập Thành phố Thủ Dầu Một và thị xã mới.
TX.Thuận An giai đoạn 2011-2015: công nhận đô thị loại III. Giai đoạn 2016-2020: đô thị loại II, chuyển xã ngoại ô thành phường.
TX.Dĩ An giai đoạn 2011-2020: công nhận đô thị loại III. Giai đoạn 2016-2020: đô thị loại II.
Huyện Bến Cát và Tân Uyên giai đoạn 2011-2015 chia tách thành huyện phía Bắc và thị xã phía Nam, công nhận đô thị loại IV. Giai đoạn 2016-2020 công nhận các thị xã phía Nam thành đô thị loại III.
Huyện Dầu Tiếng và Phú Giáo giai đoạn 2011-2015: điều chỉnh địa giới xã, thành lập thị trấn và xã mới. Giai đoạn 2016-2020 huyện Dầu Tiếng có 13 xã, 4 thị trấn và là đô thị loại IV, huyện Phú Giáo có 10 xã, 4 thị trấn và là đô thị loại IV.