(BDO) Từ ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TX.Tân Uyên, hàng trăm giáo viên nơi đây khăn gói lên đường xông pha vào tuyến đầu. Họ đã bất chấp hiểm nguy, ngày đêm đi khắp các khu nhà trọ từ các “vùng đỏ” đậm đặc ở các phường Khánh Bình, Hội Nghĩa, Tân Hiệp để test nhanh, bốc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Vất vả không kể hết sau nhiều ngày đương đầu với dịch bệnh, nhưng ngày trở về các thầy cô tình nguyện tuyến đầu lòng vẫn bồn chồn, chưa yên.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà tri ân ngày trở về cho thầy Nguyễn Hữu Đức.
Mới đây, khi tiếp xúc với 40 thầy, cô giáo TX.Tân Uyên đã thực hiện “3 tại chỗ” tại “đại bản doanh” phường Khánh Bình, nghe mỗi người tâm sự, sẻ chia những việc làm đầy cam go trong những ngày khắc nghiệt nhất của đại dịch chúng tôi không khỏi cảm phục và thầm biết ơn. Bởi ai cũng biết, đội ngũ giáo viên mỗi ngày chỉ biết nghiên cứu tập sách, vậy mà lúc xung trận lại kiên cường đến thế.
Đã có người nhiễm Covid-19, điều trị khỏi bệnh rồi quay lại tuyến đầu. Có rất nhiều cô giáo có con nhỏ 2-3 tuổi nhưng vẫn gửi con cho nội, ngoại để xông pha lên tuyến đầu chống dịch.
Nếu năm học mới chưa đến, họ không rời “đại bản doanh” phòng, chống dịch bệnh để quay về, vì cho rằng dịch bệnh chưa được đẩy lùi, lực lượng y tế địa phương vẫn đang cần tình nguyện viên giúp sức.
“Ôi, mới đó mà đã 2 tháng, sao nhanh thể nhỉ”, cô giáo Thượng Thị Trúc Phương, đang công tác tại Trường THCS Phú Chánh, hóm hỉnh khi trò chuyện với chúng tôi. Phương dạy môn lịch sử 6 năm nay tại trường. 2 tháng xung phong tuyến đầu chống dịch, cùng “3 tại chỗ” với đồng nghiệp, nước da trắng của cô đã chuyển sang màu socola, rồi còn sụt kg đáng kể.
“Lúc cao điểm, chúng em đi test liên tục từ sáng cho đến khuya. Những ngày đầu, do chưa quen với bộ đồ bảo hộ, khẩu trang bịt kín, có hôm em thở không nổi, về đến nơi ở chỉ biết nằm và không muốn ăn uống gì. Sau đó quen dần, rồi nắng nóng thế nào cũng vượt qua được. Em chỉ nhớ con, bé mới 2 tuổi anh à. Ngày vợ chồng em xông pha tuyến đầu, em gửi con cho bà nội. Chồng em thì đang làm nhiệm vụ tại địa phương”, cô giáo Phương tâm tình.
Thầy Nguyễn Văn Luông, công tác tại Trường TH Tân Vĩnh Hiệp A, tâm sự: “Em là gốc nông dân, cực khổ thế nào cũng trải qua được, ăn uống thế nào cũng được. Chỉ là em rất nhớ con. Có hôm sau giờ làm, em tranh thủ tạt ngang qua nhà rồi gọi cho vợ đưa con ra đầu hẻm, chỉ dám đứng xa trò chuyện vài câu với con rồi đi luôn. Tội thằng nhỏ, nó cứ khóc rồi đòi đi theo”.
Khánh Bình, Hội Nghĩa, Tân Hiệp... những địa phương dịch bệnh Covid-19 hoành hành và kéo dài liên tục, có lúc chính quyền các cấp phải áp dụng “khóa chặt, đông cứng”, hạn chế tối đa việc người dân đi lại. Trong khoảng thời gian này, những tình nguyện viên là các thầy, cô giáo đã bất chấp hiểm nguy, lao vào các khu nhà trọ nơi có hàng chục, thậm chí hàng trăm ca F0, nhưng họ không chút run sợ hay lo lắng.
Mỗi ngày trôi qua, họ vẫn bám tụ test nhanh, sàng lọc. Trong điều kiện ăn, ở thiếu thốn, có ngày làm việc đến 2-3 giờ sáng mới trở về nhưng ai cũng bảo ban cùng cố gắng để góp phần chiến thắng đại dịch.
Cô Thượng Thị Trúc Phương (trái), tâm sự với cán bộ Công đoàn tỉnh về những ngày tình nguyện tuyến đầu chống dịch vừa qua.
Thầy Nguyễn Hữu Đức, giáo viên Trường THCS Thái Hòa (phường Thái Hòa), chia sẻ thật khó nói thành lời khi nhìn thấy dịch bệnh hoành hoành trên quê hương mình, khiến nhiều người rơi vào khó khăn, thiếu lương thực và có những người qua đời vì dịch bệnh khiến con mất cha, vợ mất chồng, đau thương chồng chất.
2 tháng trước, khi lên đường làm nhiệm vụ, nhóm chúng em từng nghĩ “ra đi không hẹn ngày về”, vì chưa biết dịch bệnh hoành hành đến đâu. Thương lắm anh, có bạn không chịu nổi cái nắng trưa đã nhiều lần ngất xỉu tại chỗ, nhưng ngày mai vẫn cố gắng lên đường. Có người gọi về nhà, nhìn thấy con thì nói chưa được vài câu cả mẹ con cùng khóc. Lúc đó cả nhóm cùng tụ lại, xiết chặt tay động viên nhau. Đoàn kết, tình cảm, quyết tâm và cùng vượt qua khó khăn là những gì chúng em đã làm.
Năm học mới đã đến, nhiệm vụ của chúng em là phải quay về tiếp tục “gieo chữ” cho các em trong lúc đang dịch bệnh, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ rất lớn. Trở về nhà, về trường, chúng em được gần con, đoàn tụ với người thân nên em vui lắm chứ. Nhưng đó là niềm vui chưa trọn vẹn, bởi ngoài kia, trong các khu nhà trọ vẫn còn dịch, vẫn rất cần tình nguyện viên ngay lúc này”, thầy Đức nói trong niềm xúc động.
Quang Tám