Trồng bưởi mô hình nhỏ, hiệu quả cao

Thứ năm, ngày 12/09/2013

Chỉ với 120 gốc bưởi, anh Đỗ Duy Chiến, ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên đã tạo được nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cũng từ cây bưởi, anh vươn lên làm giàu, có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình ngày càng ấm no…

Vươn lên từ bưởi

Xuất ngũ, anh Đỗ Duy Chiến lặn lội từ Hà Nội vào vùng đất Tân Mỹ để lập nghiệp. Năm 1999, với đồng vốn ít ỏi, anh mua được 4 sào đất nhưng do đất gò, rất xấu nên trồng đậu, lúa cũng khó cho năng suất. Tham khảo thị trường, anh Chiến thấy cây bưởi luôn có đầu ra ổn định nên chuyền sang trồng bưởi. Trong khi chờ đợi xuống giống, trời mưa to làm khu vườn ngập úng nên lúc đầu anh cũng thấy hơi nản. Nhưng nhờ quyết tâm, anh đã trồng được 120 gốc vừa bưởi da xanh vừa bưởi đường lá cam trên 3 sào đất, phần đất còn lại anh để xây nhà, làm sân. Xen giữa những hàng bưởi, anh trồng đậu phộng để lấy ngắn nuôi dài.

Nhờ chịu khó tích lũy kinh nghiệm sản xuất, vườn bưởi của anh Chiến luôn cho năng suất ổn định

Sau 2 năm, những cây bưởi phát triển xanh tốt và sau đó, anh đã có nguồn thu 20 triệu đồng từ vụ bưởi đầu tiên, cho thấy sự lựa chọn của anh là đúng đắn. Sự thành công bước đầu từ cây bưởi đã khích lệ anh tiếp tục tập trung học hỏi kinh nghiệm, tham khảo thêm tài liệu, sách vở; tham gia các buổi hội thảo, tập huấn để nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình. Theo anh Chiến, việc học hỏi thêm kiến thức cũng chỉ là tham khảo, khi áp dụng thì phải tìm ra cách riêng, phù hợp với mô hình của mình. Anh Chiến còn nghĩ ra cách để cho cây bưởi ra nghịch vụ nhằm bán vào dịp Tết Nguyên đán với giá cao hơn. “…6 tháng đầu tăng lượng đạm để cây phát lá, tưới nước đều cho cây bưởi; khi muốn bưởi ra bông thì ngưng tưới; cây nào phát triển tốt quá sẽ được vặt lá; sau 2 tuần ra bông thì tưới lại bình thường…”, anh Chiến chia sẻ bí quyết để bưởi ra nghịch vụ. Nhờ đó, vườn bưởi của anh luôn cho nguồn thu nhập cao. Thời điểm được mùa nhất, anh có tổng thu trên 400 triệu đồng/vụ.

Sáng tạo với bưởi hồ lô

Không dừng lại, năm 2011 anh Chiến bắt đầu mày mò làm bưởi hồ lô với cách của riêng mình. Một năm sau, qua 4 - 5 lần thất bại, dịp Tết Nguyên đán 2012 anh đã có những sản phẩm bưởi hồ lô bán ra thị trường với giá 350.000 đồng/ cặp. Anh chia sẻ: “Tạo bưởi hồ lô, khâu làm khuôn là quan trọng nhất. Lúc đầu, tôi làm khuôn quá mỏng nên khi gỡ khuôn ra trái bưởi trông không đẹp mắt. Đến nay, khi đã thành công với việc làm khuôn tôi thấy việc làm bưởi hồ lô cũng không khó…”. Hiện nay, anh Chiến đã làm ra khuôn mẫu chuẩn bằng nhựa và cho sản xuất khuôn hàng loạt. Cách làm khuôn bằng nhựa của anh chiến vừa đơn giản, dễ làm, lại tốn ít chi phí; mỗi khuôn chỉ tốn chưa đến 40.000 đồng. Khi trái bưởi non phát triển với đường kính khoảng 5,5 - 6cm, anh bắt đầu lấy dây nylon siết chặt quanh trái để tạo “eo”. Sau khoảng 1 tuần trái bưởi có “eo”, anh tháo dây để chụp khuôn lên phần trên của trái bưởi. Mỗi bên mặt của khuôn anh cho khắc lõm 2 chữ “Tài” “Lộc”. Khi thu hoạch, 2 chữ này được in dấu lên rất rõ và đẹp. Trước thu hoạch 15 ngày, anh tháo khuôn cho trái bưởi tiếp xúc với ánh nắng để màu của trái được đều và nếu muốn chữ trên trái bưởi vẫn giữ được màu vàng thì cắt giấy, dán lên.

“Nhờ cây bưởi mà tôi có nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cho cuộc sống gia đình ngày một sung túc hơn. Cây bưởi không khó trồng lại cho nguồn thu cao. Tôi sẵng lòng chia sẻ hết những kinh nghiệm trồng bưởi, làm khuôn bưởi hồ lô để ai cũng có thể thành công với cây bưởi…”, anh Chiến nói.

CAO SƠN