Trồng cây có múi theo hướng nông nghiệp sạch - hướng đi phù hợp
Ông Phạm Thế Hoàng, ở ấp 4, xã An Thái, huyện Phú Giáo có kinh nghiệm nhiều năm trồng cây có múi ở đồng bằng sông Cửu Long; có thời gian làm việc cho các chủ vườn trồng cây có múi quy mô ở Hiếu Liêm, Lạc An (Bắc Tân Uyên)... Năm 2017, ông đến xã An Thái lập nghiệp, gom góp vốn mua lại khoảng 20 ha tại ấp 4, xã An Thái. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện mô hình trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ, mô hình này của ông Hoàng đang mang lại những kết quả tích cực.
(BDO)
Triển vọng khả quan
Chúng tôi đến thăm vườn cam, bưởi của ông Hoàng vào đúng thời điểm ông đang cùng công nhân xịt thuốc phòng trị bệnh và chuẩn bị cho vụ trái mới. Tiếp chúng tôi, ông Hoàng cho biết các loại thuốc phòng trị bệnh cho cây cam, bưởi được ông sử dụng cho vườn cây hoàn toàn là thuốc sinh học, hữu cơ nên không có mùi của thuốc bảo vệ thực vật, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp tiếp xúc với thuốc, hiệu quả phòng trừ bệnh rất cao.
Ông Phạm Thế Hoàng (bên phải) kiểm tra vườn cây có múi của gia đình. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Ông Hoàng quê ở Bến Tre. Ông đã có thâm niên làm cây có múi hàng chục năm nay, nhưng với vườn cây trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ ông mới bắt đầu trồng từ tháng 8-2017. Ông Hoàng chia sẻ kinh nghiệm, khi trồng cây có múi người trồng nên chọn những khu vực gần sông suối, bởi có nguồn nước ổn định, đã được ô xy hóa không bị nhiễm kim loại nặng.
Trồng cây có múi bà con nên hạn chế hoặc không nên sử dụng nước giếng khoan, bởi nước giếng khoan thường bị nhiễm các loại kim loại nặng, nhất là sắt, bởi khi tưới nước bị nhiễm kim loại nặng như sắt, về lâu dài sẽ dẫn đến thừa sắt. Dù cây không chết nhưng lớp màng sắt sẽ ngăn cản không cho cây hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó cây có trái, nuôi trái sẽ bị suy do cây không ăn được chất dinh dưỡng, phân bón. Do đó, để cây phát triển được người trồng phải thực hiện bước giải độc sắt cho cây sẽ rất tốn kém; bên cạnh đó còn có vôi trong nguồn nước, sau này sinh kiềm cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Chính vì vậy, khi trồng cây có múi, nhất là muốn trồng theo hướng an toàn sinh học thì người trồng nên chọn những vùng đất gần sông, suối là tốt nhất, với điều kiện nguồn nước phải ổn định.
Hiện quy trình chăm sóc vườn cây cam, bưởi theo hướng nông nghiệp an toàn sinh học được ông Hoàng thực hiện rất chặt chẽ. Theo đó, toàn bộ thuốc phòng trừ bệnh đều được ông tự tìm mua nguyên liệu và tự pha chế nên hiệu quả phòng trừ bệnh cao, an toàn cho người trồng, chăm sóc và người dùng sản phẩm. |
Hiện nay, ông Hoàng đã trồng được 17 ha, với hai loại cam và bưởi. Sau hơn 1 năm trồng, khu vực này rất thuận lợi cho cây có múi cam, bưởi phát triển. Theo ông Hoàng, trong quá trình trồng cây cam, bưởi, người trồng cần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan bệnh nấm hồng, bởi một khi cây cam, bưởi bị nhiễm bệnh nấm hồng thì coi như phá bỏ vườn cây; còn để cây cam, bưởi bị nhiễm bệnh nấm hồng thì việc trị bệnh này vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, với cây cam, bưởi khi nhiễm bệnh nấm hồng, từ chỗ vết bệnh có thể kéo dài cả thước xuống thân cây, nên việc vườn cây bị hư hỏng là điều chắc chắn. Để cây cam cho năng suất cao, người trồng phải hết sức lưu ý đến quá trình chăm sóc cây, từ việc tỉa cành, tạo tán đến quá trình bón phân phải đúng thời điểm; quá trình bón phân chỉ nên bón khi cây đâm chồi non…
Không lo đầu ra cho sản phẩm
Ông Hoàng tâm tình, thời điểm này giá cam, bưởi giảm nên nguồn thu nhập của người trồng cam, bưởi bị ảnh hưởng. Vào thời điểm này những năm trước, giá cam, bưởi cao nên thu nhập của các gia đình như ông rất khá. Chẳng hạn như vườn cam trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ, những năm trước mỗi vụ cho năng suất trung bình 50 - 60 tấn quả/ha, với giá bán trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg người trồng có doanh thu từ 1 - 1,8 tỷ đồng/ha; sau khi trừ chi phí người trồng còn lãi từ 500 triệu - 1,3 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng, tuy thời điểm này người trồng cam, bưởi gặp những khó khăn do giá giảm nhưng người trồng nên gắn bó với vườn cây, bởi việc đầu tư cho một ha trồng cây có múi rất cao. Từ khi trồng cho đến khi thu hoạch chi phí đầu tư 1 ha cây có múi cam, quýt, bưởi từ 700 triệu đồng trở lên, chưa tính tiền đất. Chi phí này là thực hiện đầu tư, trực tiếp quản lý như gia đình ông hiện nay, còn nếu phải thuê người khác quản lý thì chi phí có thể lên hàng tỷ đồng; nếu đầu tư trồng theo công nghệ an toàn sinh học chi phí còn cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay các cấp, các ngành đang có hướng hỗ trợ người nông dân trồng cây có múi trong việc tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra cho sản phẩm, giá cả sẽ ổn định hơn trong thời gian tới. Về phía người trồng, cũng cần nỗ lực nhiều hơn trong việc liên kết chuỗi, chủ động tìm kiếm khách hàng; đồng thời chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn sản phẩm… đáp ứng tốt yêu cầu khách hàng.
Ông Hoàng phấn khởi cho biết, do trồng theo hướng công nghệ sạch, an toàn sinh học, nông nghiệp hữu cơ nên vừa qua vườn cam của ông đã có các đơn vị đến ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên ông rất an tâm cho đầu ra sản phẩm. Ông cũng sẵn sàng đứng ra thành lập chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với các siêu thị để đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng Phú Giáo trở thành vùng cây có múi quy mô lớn thứ 2 của Bình Dương trong thời gian tới.
HOÀI PHƯƠNG