Trống đồng Đông Sơn đầu tiên phát hiện ở Phú Chánh

Cập nhật: 07-02-2015 | 16:51:12

Trống đồng là một trong những hiện vật khảo cổ quan trọng nhất tìm được tại Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc. Chúng không chỉ có chức năng nhạc khí mà còn có những chức năng khác như là biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo... Trên địa phận tỉnh đã phát hiện được 7 chiếc trống đồng và điều đặc biệt là tại Phú Chánh, lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy một loại hình tư liệu rất mới trong địa bàn Đông Nam bộ, đó là việc sử dụng quan tài bằng chum gỗ và nắp là một trống đồng.

Lịch sử phát hiện

 Quan tài bằng chum gỗ, nắp bằng trống đồng trong di tích Phú Chánh

Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp 6, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên), vào cuối năm 1995, trong lúc cuốc đất trồng khoai môn anh Hoàng đã tìm thấy trong lớp đất đen pha cát và bùn nhão một khối gỗ gọt tròn ở độ sâu khoảng 70 - 150cm, anh đã vét sạch bùn bám ở ngoài khối gỗ, tách đôi theo rãnh có sẵn và thấy có một vành tròn bằng đồng đã rỉ xanh, phần rỗng bên trong chứa đầy đất. Vì tò mò và không hình dung ra nguyên dáng đồ đồng nên anh đã dùng cuốc bửa vỡ vành đồng cho đến sát đáy thì chạm vành phẳng rất cứng. Lật ngược vành đồng lên anh mới biết đó là mặt của một trống đồng và thu toàn bộ mảnh vỡ đem bán cho một người thu mua phế liệu.

Nhận được tin phát hiện trống đồng Phú Chánh, Sở Văn hóa Sông Bé đã kịp thời chỉ thị cho Bảo tàng tỉnh tổ chức Đoàn kiểm tra tiêu bản trống lưu giữ tại Hố Nai cũng như lập phương án giám định và thẩm tra hiện trường phát hiện ở Phú Chánh. Trống đồng Phú Chánh hiện nay đang được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Bình Dương sau khi được ông Lê Văn Dân, cán bộ Bảo tàng tỉnh Sông Bé (nay là Bảo tàng Bình Dương) phục chế sơ bộ, cung cấp được nguyên dáng hình của trống Đông Sơn (còn gọi là loại I Heger). Trống được lấy tên là Trống Phú Chánh I trong tổng số 5 chiếc trống đồng tìm thấy trên địa bàn Phú Chánh.

Trống đồng Phú Chánh I

 Trống Phú Chánh I được phục chế nguyên dáng

Trống đồng Phú Chánh thuộc cỡ trống lớn, có hình dáng cân đối và chia thành 3 phần rõ rệt: phần trên nối liền với mặt phình ra (còn gọi là tang trống), phần giữa thắt lại tạo hình trụ tròn thẳng đứng (còn gọi là thân hoặc lưng trống) và phần thân dưới cùng choãi ra tạo hình nón cụt (còn gọi là phần đế trống) với vành mép dày tạo tiết diện hình tam giác mà rìa tiếp đất là đỉnh.

Mặt trống Phú Chánh có đường kính rộng 57cm, vành hơi chồm ra khỏi tang 0,5cm để tạo thành đường gờ rất ngắn, đã bị người phát hiện mài bóng song còn phủ nhiều chỗ lớp patine mỏng màu xám xanh. Phần tang trống hơi co lại tạo dáng thấp, chiều cao toàn bộ chỉ đo được 39cm... Trống Phú Chánh có hoa văn trang trí khá đơn giản ở mặt và phần trên của thân (phần đế choãi để trơn).

 Mặt trống Phú Chánh I

Mặt trống: Vành chính giữa có đường kính rộng 14cm được đúc nổi hình ngôi sao (có người gọi là hình mặt trời) có 10 cánh (tia). Các cánh sao khá đều đặn với đầu thon nhỏ và ở khoảng giữa các cánh sao, người thợ trang trí xen kẽ cứ một hình hoa văn kiểu lông công đơn giản lại đến một hình gồm các chữ V ngược lồng nhau khá đều đặn. Ở hình chữ V ngược lồng nhau, chữ V nhỏ nhất được chia đôi bằng một đường chỉ nổi. Ở hình lông công đơn giản, phần dưới tam giác có những sọc thẳng (12 đường - tính cả 2 cạnh bên), phần đỉnh tam giác được ngăn cách bởi hai vành cung lồng nhau đồng tâm với vành sao, ở khoảng trống này bố trí một vòng tròn có chấm giữa. Từ vành sao ở tâm ra ngoài, mặt trống Phú Chánh có 7 băng hoa văn. Ngoại trừ băng hoa văn thể hiện chim rộng 3,7cm, 6 băng còn lại rộng bằng nhau (1,3cm).

Lưng trống: Được trang trí những cột hoa văn gồm những đường vạch chéo song song và cách đều nhau theo chiều thẳng đứng, đối xứng với nhau và phân chia trống thành 6 ô, trong các ô để trơn không trang trí hoa văn. Phần dưới lưng trống cũng có 2 băng hoa văn cùng dạng vòng tròn chấm nổi và răng lược như 2 băng trang trí trên tang trống. Các vành trang trí này nằm cách đường viền của lưng và đế trống nơi gần nhất khoảng 2cm.

Các băng hoa văn trang trí dọc và ngang trên 2 phần tang và lưng trống đều có quy mô tương đương các vành trang điểm đồng loại trên trống (1,3cm). Phần đế trơn, còn lộ nhiều lỗ thủng là dấu vết con kê, chủ yếu hình vuông, quy mô tập trung trong khoảng 0,8 - 1cm. Trống Phú Chánh có 4 đôi quai kép (rộng khoảng 3,5cm/cặp) và có trang trí hình văn thừng tết. Các quai hình mui thuyền được gắn vào tang và phần trên của lưng trống, phối trí đối xứng ở hai bên thân trống.

Mảnh gỗ khoét rỗng

 Mảnh chum gỗ tìm thấy cùng trống Phú Chánh I

Theo người phát hiện kể lại, trống Phú Chánh được tìm thấy trong tư thế úp mặt vào phần thân của một chum gỗ khoét rỗng có đường kính tương đương. Chum gỗ bị vỡ làm đôi, rất tiếc là Đoàn khảo sát Bảo tàng Sông Bé chỉ thu hồi được một mảnh ở ngay hiện trường phát hiện. Mảnh còn lại bị thất lạc không tìm thấy. Mảnh gỗ có quy mô phù hợp với trống đã phát hiện, chiều dài hiện còn 58cm, nơi rộng nhất đo được 40cm và cao 26cm. Thành đế của gỗ có độ dày dao động trong khoảng 2 - 4cm. Bán kính trong đo được khoảng 25cm.

Chum gỗ được chế tác từ một đoạn thân cây loại gỗ sao thớ rất cứng chắc màu nâu nhạt, có phần trên cong tròn, mặt giữa được đẽo gần như bằng phẳng, xung quanh được đẽo vát thẳng đứng tạo hình gần trụ tròn, còn cao khoảng 24cm. Trong lòng khoét rỗng, ở bề mặt bị rỗ nứt nhiều và còn bám nhiều bùn đất lẫn không ít mạt đồng màu ánh vàng.

Đây là loại hình di vật gỗ hết sức lý thú, lần đầu tiên được phát hiện trong tư thế úp mặt với trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam và Đông Nam Á. Theo các nhà khoa học, rất có khả năng chúng là dấu tích còn sót lại của loại hình mộ táng mà quan tài bằng chum gỗ và sử dụng nắp đậy bằng trống đồng. Điều này càng được khẳng định chắc chắn hơn, vào năm 1998, trong khi rà sắt phế liệu trên đất nhà ông Hai Hổ, anh Nguyễn Văn Cường (ấp 6, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên) đã phát hiện thêm một chiếc trống đồng Phú Chánh thứ hai cùng với chum gỗ còn nguyên và các hiện vật tùy táng như dao dệt bằng gỗ, trục dệt, gương đồng và một số đồ gốm. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện được 5 chiếc trống đồng và 6 chum gỗ nguyên trong di tích này.

Cũng trên địa bàn Phú Chánh, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 6 ngôi mộ có hình tròn đều với các dạng mộ: mộ chum gỗ dạng tròn có nắp đậy là trống đồng, mộ chum gỗ tròn đều có nắp là một nồi gốm, mộ đất dạng tròn có đắp xác cau hoặc giỏ đan bằng tre, trét đất sét xung quanh thành mộ, đáy mộ được đặt một lớp thảo mộc và được lót vải thô. Phú Chánh là một di tích khảo cổ học đặc biệt quan trọng với những tư liệu rất mới trong nghiên cứu hoạt động sống của các cộng đồng cư dân cổ trên địa bàn Đông Nam bộ. Việc phát hiện chum gỗ còn nguyên hình có đậy nắp bằng trống đồng Đông Sơn ở Phú Chánh, có thể coi đây là một loại hình di tích khảo cổ học mới lạ: loại mộ chum gỗ có nắp đậy bằng trống đồng lần đầu tiên khám phá trên đất Bình Dương.

Việc tìm thấy tại chỗ trống kiểu Đông Sơn trong lòng đất sình Phú Chánh thực sự là một phát hiện có giá trị khoa học cao. Khám phá này làm phong phú thêm cho Bản đồ phân bố trống đồng Đông Sơn ở miền Nam Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. 

 BÌNH CÔNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2109
Quay lên trên