Trong khó khăn vẫn tăng trưởng

Cập nhật: 28-06-2011 | 00:00:00

Gặp nhiều khó khăn về lãi suất ngân hàng, điện, xăng dầu... khiến cho các doanh nghiệp (DN) phải rất vất vả chống đỡ trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, điểm đáng mừng là sản xuất công nghiệp (XSCN) của Bình Dương vẫn tăng nhanh.

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2011 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của việc tăng giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng vẫn cao ngất ngưởng khiến cho các DN không dám tiếp cận thêm để đầu tư cho sản xuất nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, cho hay, với lãi suất hiện đang ở mức 23 -26%/năm, việc vay vốn để mở rộng sản xuất, hiện được coi là quá mạo hiểm đối với DN. Chính vì thế, dự án nhà máy thép mới của công ty tại Thành phố mới Bình Dương đã phải lùi ngày khánh thành một thời gian để chờ đợi. “Nếu tình hình như hiện nay không được cải thiện, chậm nhất là đến cuối tháng 9, chúng tôi sẽ phải ngừng sản xuất toàn hệ thống nhà máy để tái cấu trúc lại công ty. Một khi viễn cảnh ấy xảy ra, chưa biết ngày nào chúng tôi sẽ sản xuất trở lại”.

 Dù gặp khó nhưng công nghiệp Bình Dương 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng. Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng ô tô tại Bình Dương   (Ảnh: Trịnh Bình)

Đó cũng là tâm lý âu lo của số đông các công ty thuộc lĩnh vực SXCN. Bên cạnh áp lực từ việc tìm kiếm vốn vay và tỷ giá tăng, các DN SXCN cũng phải đương đầu với việc giá điện điều chỉnh từ ngày 1-3-2011. Đây là nhân tố thay đổi có ảnh hưởng quan trọng bậc nhất đối với các DN. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, khi giá điện tăng 15,23% như vừa qua, giá thành SXCN tăng từ 2,05 - 9,03%.

Ngoài ra, tình hình cắt giảm điện những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của DN. Các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh như dệt may, giày da, chế biến gỗ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, phần lớn các DN này chủ yếu sản xuất hàng gia công cho nước ngoài nên bị lệ thuộc về thị trường. Chi phí sản xuất tăng từ 15 - 20%, nhiều DN thiếu lao động, vốn sản xuất, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Trước tình hình trên, các DN đã sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, dùng công nghệ tiêu tốn ít điện năng, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, đại đa số các DN còn tập trung củng cố đội ngũ lao động, cải tiến chế độ tiền lương và điều kiện làm việc, khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, bảo đảm tiến độ sản xuất. Bên cạnh đó, việc thực hiện Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6-4-2011 của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế thu nhập DN của các DN nhỏ và vừa trong thời hạn một năm, góp phần giúp cho các DN có thêm vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Chính nhờ những biện pháp hỗ trợ khó khăn kịp thời của Nhà nước, cộng với những nỗ lực vượt khó của DN mà trong 6 tháng đầu năm qua, giá trị SXCN của Bình Dương vẫn tăng mạnh. Ước tính, chỉ số SXCN 6 tháng qua của Bình Dương đạt 53.799 tỷ đồng, chiếm 20% giá trị SXCN toàn quốc (270 ngàn tỷ đồng). Cùng với TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Bình Dương trở thành một trong những đầu tàu SXCN và là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng SXCN cao nhất nước (17,5% so với bình quân cả nước là 16,4%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước thực hiện 17.380,8 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 35.418,5 tỷ đồng, tăng 17,3% so cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, Bình Dương có thêm 48 DN mới đi vào sản xuất có doanh thu. Các DN sản xuất ổn định tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng nhà xưởng mới đã góp phần đưa hoạt động SXCN trên địa bàn phát triển ổn định.

Rõ ràng, việc Bình Dương vẫn giữ vững được mức tăng trưởng SXCN ổn định trong khó khăn không chỉ thể hiện được vị thế của ngành trong biểu đồ sản xuất - kinh doanh dịch vụ chung của toàn tỉnh, mà nó còn cho thấy vai trò của Bình Dương trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp của cả nước.

KHÁNH VINH

Theo Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành từ đầu năm đến nay ước đạt 270 ngàn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực quốc doanh tăng 9,6%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 22% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17%.

Trong số các DN thuộc Bộ Công Thương có 16 DN tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, một số tăng trên mức bình quân của toàn ngành như điện lực, than - khoáng sản, giấy, máy động lực và máy nông nghiệp, máy và thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, bia - rượu - nước giải khát... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: điện sản xuất, thép cán, phân lân, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy biến thế, xi măng...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên