Trồng lan Mokara cắt cành theo công nghệ mới: Hiệu quả bước đầu

Cập nhật: 07-01-2012 | 00:00:00

Trong mục tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2015 của tỉnh là phát huy lợi thế của từng loại đất; khai thác đất nông nghiệp chủ yếu vào thâm canh tăng năng suất cây lâu năm, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trồng cây hàng năm để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, công nghiệp. Vì vậy, nhận thấy trồng lan Mokara cho hiệu quả kinh tế cao, tận dụng đất đai quanh nhà, phù hợp với chủ trương nên Ban chủ nhiệm CLB trang trại hoa lan tỉnh đã quyết định xây dựng các mô hình trồng lan theo công nghệ mới để đánh giá, rút kinh nghiệm phục vụ nhu cầu nhân rộng... 

Nhu cầu tiêu thụ mạnh

Khi nói đến hoa lan thì khu vực Đông Nam Á có ngành trồng lan phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành trồng và kinh doanh lan thật sự chỉ mới bắt đầu khoảng hơn 10 năm nay. Mặc dù Việt Nam có điều kiện, thời tiết, khí hậu thuận lợi không kém gì các nước trong khu vực nhưng nghề trồng lan vẫn còn kém phát triển. Từ năm 1998 đến 2003 đạt khoảng 90.000 - 100.000 USD/năm. Đối với thị trường trong nước, lan cũng không cung cấp đủ nhu cầu. Chỉ tính riêng TP.HCM, mỗi tuần phải nhập 20.000 - 30.000 cành lan từ Thái Lan (1 triệu cành/năm). Tính với giá thấp nhất 4.000 đồng/cành thì mỗi năm thành phố này mất hơn 4 tỷ đồng tiền nhập hoa lan... Tại Bình Dương, qua điều tra sơ bộ trong toàn tỉnh chỉ có khoảng 100 cơ sở trồng lan cắt cành để kinh doanh. Trong khi đó, có trên 200 cửa hàng bán hoa nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Các nhà vườn chỉ đủ cung ứng khoảng 40% nhu cầu. Hàng tuần, các cửa hàng phải mua từ TP.HCM và các tỉnh khác với số lượng khá lớn. Chưa kể là trong tương lai, khi Thành phố mới Bình Dương hoàn thành thì nhu cầu sử dụng các loại hoa còn lớn gấp nhiều lần hiện nay...

 Trồng lan là một trong những giải pháp hiệu quả cho nông nghiệp đô thị. Trong ảnh: Một trong 5 điểm trồng lan Mokara công nghệ mới thí điểm của CLB trang trại hoa lan

Trước nhu cầu đó, tháng 12-2010, Câu lạc bộ trang trại hoa lan Bình Dương được hình thành với sự tham gia của 51 hội viên. Hiện tại, CLB có 36 người đăng ký tham gia với diện tích khoảng 2,4 ha và 242.500 cây lan các loại. CLB là nơi để liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; chia sẻ tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.

Kết quả bước đầu

Lâu nay, các hộ trồng lan ở Bình Dương chỉ trồng lan theo kiểu nhỏ, lẻ, thấy người khác trồng thế nào thì bắt chước trồng như vậy (như kiểu làm kinh tế phụ), chiếm nhiều diện tích, năng suất thấp. Mặt khác, do thiếu kinh nghiệm trong khâu thiết kế và chăm sóc nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Nhận thấy lan Mokara phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị nên CLB hoa lan thống nhất xây dựng mô hình thí điểm trồng lan Mokara cắt cành theo công nghệ mới với diện tích 3.000m2 ở 5 điểm trình diễn với các giống hoa chủ lực là màu vàng chanh, vàng nghệ, màu đỏ Bodan, Dearheah. Một số chỉ tiêu kỹ thuật được áp dụng là: sử dụng vật liệu bền chắc để làm giàn che; xây luống dựa theo hướng mặt trời (Bắc -Nam); trồng dày (hàng cách hàng 35cm, cây cách cây 20cm); số lượng cây trên đơn vị m2 nhiều (700/100 m2); thời gian bón phân dày hơn (3 - 4 ngày/lần); hệ thống tưới phun sương bán tự động. Tổng vốn đầu tư cho 3.000m2 lan là 2,224 tỷ đồng (trong đó, vốn vay Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ 1,5 tỷ đồng). Do đặc điểm cây lan là giống dài ngày (8 - 10 năm), nên 2 năm đầu thu hoạch hạn chế để dưỡng cây, từ năm thứ 3 sẽ tập trung khai thác mạnh. Sau một năm, dự án đi vào hoạt động với công suất ban đầu là 75% so với thiết kế. Hiện giá bán một cành lan thấp nhất là 5.000 đồng/cành, cao nhất 20.000 đồng/cành (tùy loại). Hom Mokara giống 50.000 - 70.000 đồng/cây. Việc đầu tư dự án dựa trên nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Tận dụng diện tích đất nông nghiệp trong khu dân cư sau quy hoạch đô thị, giảm được nguồn hoa nhập khẩu, giảm áp lực nhập siêu và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.

Tuy nhiên, nghề trồng lan gắn với sinh thái đô thị nên yếu tố khoa học kỹ thuật là nhân tố quan trọng để tăng chất lượng. Trồng lan cắt cành thành công lớn là biết đầu tư khoa học kỹ thuật. Thay mặt CLB trang trại hoa lan, ông Đỗ Thanh Phong, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Người trồng lan mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để hội viên CLB và nông dân có vốn đầu tư phát triển nghề trồng lan cắt cành tại địa phương”.

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=518
Quay lên trên