Trong tháng 3 áp chế tài mới "phanh" giá sữa

Cập nhật: 16-03-2010 | 00:00:00

Trong thời gian tới, muốn tăng giá sữa, các doanh nghiệp bán sữa phải thuyết trình các yếu tố khiến giá sữa tăng với Sở Tài chính nơi doanh nghiệp hạch toán. Nếu doanh nghiệp đưa ra các yếu tố khiến tăng giá không thuyết phục sẽ không được phép tăng giá.

 

 

Muốn tăng giá, doanh nghiệp bán sữa phải đưa ra cách tính

chi phí hợp lý khiến giá tăng.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng ban hành trong tháng 3 này văn bản sửa đổi thông tư 104 (Thông tư 104 ban hành ngày 13-11-2008 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động giá bất thường ở 16 mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, sữa, đường, gạo, thuốc chữa bệnh… - PV). Như vậy, sẽ kiểm soát được mức tăng giá của các DN bán sữa”.

 

"Phát sốt" vì giá sữa

 

Chị Hoàng, nhà ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội có con gần 4 tháng tuổi, mỗi ngày con chị uống 750ml sữa ngoài vì chị phải đi làm. Tuy nhiên, giá sữa bột tăng cũng ảnh hưởng đến đời sống của chị. Trước đây, chị mua sữa Friso loại dành cho trẻ em 0 – 6 tháng, 400 gr giá 175 ngàn đồng. Hiện, chị phải mua với mức giá 192 ngàn đồng/hộp.

 

Chị Hoàng cho biết, giá sữa tăng như vậy thì với đồng lương ít ỏi, chị cũng phải cân nhắc nên chọn cho con loại sữa nào ít tăng giá nhất.

 

Còn chị Dung, ở đường Thanh Bình, Hà Đông, có con trên 9 tháng tuổi. Khi biết tin tăng giá sữa, chị không khỏi bức xúc. Chị thường mua sữa xách tay Meiji, loại số 9, trước Tết giá là 420 ngàn đồng/hộp 850 gr, mua ở đại lý tại chợ Hà Đông. Nhưng qua Tết, giá tăng lên 460 ngàn đồng/hộp.

 

Chị Dung nói: “1 tuần trước tôi ra mua sữa tại đại lý ở Hà Đông chỉ còn 1 lon Meji giá 480 ngàn đồng. Khi hỏi lý do tăng giá, chị bán hàng giải thích do chi phí vận chuyển tăng”.

 

Sau khi sữa xách tay tăng, chị Dung chuyển sang mua sữa Meji nội tại cửa hàng 42 Lê Lợi, Hà Đông. Tuy nhiên, giá sữa nội cũng tăng gần 10%. Sữa Meji dành cho bé từ 6 tháng đến 1 tuổi Gold 2, 900gr có giá 320 ngàn đồng trước Tết, sau Tết tăng lên 350 ngàn đồng.

 

Chị Dung cũng mua thêm Meji Gold 3 cho con, trước Tết giá là 310 ngàn đồng/hộp 900gr, sau Tết lên mức 330 ngàn đồng/hộp. Chị thắc mắc thì được chủ cửa hàng cho biết, đây là giá chung của nhà phân phối, trên tăng thì cửa hàng chị giá cũng tăng theo.

  

Người mẹ này than thở: “Một 1 tháng, con tôi uống gần 5 hộp sữa như vậy, mỗi tháng phải mất thêm 150 ngàn đồng”.

 

Lo lắng hơn nữa, chị Ngân Hương nhà ở Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội có 2 con nhỏ đang uống sữa bột. Gia đình chị quan niệm sữa bột có đủ vi chất dinh dưỡng nên không thể thiếu trong thực đơn của con, vì vậy, chị vẫn cố gắng cho con uống sữa đều.

 

Đứa lớn gần 5 tuổi nhà chị uống mỗi tháng 1,5 kg sữa khoảng 2 hộp Enfa kid 900 gr, mức giá cũ chị mua là 252 ngàn đồng/hộp.

 

Đứa con nhỏ gần 3 tuổi uống tới 2,5 kg sữa/tháng tương đương khoảng 3 hộp 900gr/tháng. Giá cũ chị mua là 323 ngàn đồng/hộp. Giờ nghe nói giá sữa Enfa tăng 7% - 10%, chị không khỏi lo lắng vì chi phí gia đình sẽ tăng lên đáng kể vì trước đó, giá nước, giá điện… đều tăng, nay lại là giá sữa.

 

Chị Hương bày tỏ: “Với những gia đình có con nhỏ như tôi, giá sữa lên xuống ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, bạn bè tôi cũng nuôi con nhỏ giờ gặp nhau hay than thở chuyện về chất lượng sữa và giá sữa. Bao giờ nhà nước có chính sách bình ổn giá sữa để chúng tôi được nhờ. Tôi nghe nói giá sữa thế giới đâu có tăng, sao vào  Việt Nam thì cứ lên vùn vụt vậy?”.

 

“Hôm vừa rồi đi mua sữa cho con, giá sữa Friso 900gr dành cho trẻ 0-6 tháng tuổi giá 388 ngàn đồng/hộp, tăng gần 40 ngàn đồng/hộp so với giá trước Tết nhưng vẫn phải bấm bụng mà mua thôi, không dám chuyển sang sữa khác vì con tôi uống quen sữa này rồi. Giờ tôi phải đi làm nên chuyển sữa sợ con uống đi ngoài thì cũng mệt lắm”, chị Thu, công tác tại công ty về truyền thông trên đường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.

 

“Giá sữa cứ tăng giá ầm ầm thế này thì chắc phải chuyển sang sữa tươi cho con uống. Tôi thấy doanh nghiệp sữa luôn nói do giá nguyên liệu tăng, USD tăng nhưng cụ thể tăng như thế nào, tính chi phí ra sao, không thấy nói cụ thể. Nếu phía Bộ Tài chính có biện pháp kiểm soát giá thì chắc doanh nghiệp sẽ không dám tùy tiện tăng giá”, chị Thu lắc đầu cho biết.

 

Không mua sữa cho con, chị Minh Nguyệt, ở Mỹ Đình, Cầu Giấy, Hà Nội lại mua sữa để bồi dưỡng cho chồng. Chị mua sữa Ensure Gold cho chồng mỗi tháng 1 hộp.

 

Theo chị Nguyệt kể thì chị thấy ngạc nhiên vì giá hộp sữa tăng 35 ngàn đồng so với giá trước Tết chị mua khoảng 400 ngàn đồng/hộp (nay đã lên 435 ngàn đồng loại 900 gr). Chị cũng đi khảo giá mấy nơi thấy  cũng tăng, chỗ rẻ cũng ở mức giá 432 ngàn đồng”.

 

Chị Nguyệt cho biết: “Nhà chị có thu nhập bình quân của 2 vợ chồng là 30 triệu đồng mỗi tháng, khi mua còn phải đắn đo nữa là những gia đình có người ốm, thu nhập thấp thì không biết thế nào. Các hãng sữa toàn tăng giá bất thình lình không rõ nguyên nhân. Tôi thấy Bộ Tài chính không thể hiện được vai trò của mình trong việc quản lý giá mặt hàng sữa dù Thủ tướng có yêu cầu làm rõ việc tăng giá sữa và có giải pháp chấn chỉnh".

  

Cũng theo chị Nguyệt, Bộ Tài chính không thể giải quyết bằng cách lập luận giá sữa VN chưa phải đắt nhất thế giới mà cần phải tổ chức thanh kiểm tra chi phí sản xuất sữa so với giá bán thực tế trên thị trường và đề xuất mức khống chế lợi nhuận tối đa của mặt hàng này.

 

Ngoài chuyện giá, còn phải đi đôi với chất lượng nữa nên đặt ra lộ trình cụ thể buộc các hãng sữa công khai chi phí sản xuất, sau đó thanh tra, hậu kiểm làm rốt ráo. Nếu không đủ lực lượng thì đề xuất thanh tra liên ngành làm theo quý trong từng năm. Hãng sữa nào bán quá cao, lợi nhuận quá cao so với chi phí thực tế thì yêu cầu giảm theo khung lợi nhuận tối đa”.

 

Chị Nguyệt cũng cho rằng: “Việc khống chế giá bán tăng mỗi lần không quá 20% là cứng nhắc và không hiệu quả vì thực tế cho thấy sữa tăng 18% vẫn lách được luật NTD cũng đã khốn khổ. Mỗi tháng mà mua sữa trên 1 triệu đã mất thêm 200 – 300 ngàn đồng”.

 

Thuyết minh không hợp lý, không được phép tăng giá

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn thì: “Thông tư mới sẽ khắc phục việc doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý. Thông tư mới dự kiến có cơ chế tính giá, xác định yếu tố hình thành giá hợp lý hay không hợp lý và khi đăng ký giá với phía Bộ Tài chính thì bên Bộ sẽ chỉ ra đâu hợp lý và đâu không hợp lý”.

 

Thông tư này sẽ áp dụng trên toàn quốc và nếu mỗi lần tăng giá sữa mới thì DN sẽ phải đăng ký với các đơn vị liên ngành địa phương. Lúc nào cũng có thể tăng được nhưng phải thuyết trình.

 

Với việc thuyết trình về các yếu tố khiến sữa tăng giá phải hợp lý DN mới được phép tăng giá sữa, thông tư mới sẽ có khắc phục được điểm hạn chế của thông tư 104 với quy định “trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi biến động” thì mới có điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn. Trong thực tế, giá sữa chưa bao giờ tăng trên 20% cùng một lúc mà nhà phân phối thường chia việc tăng giá thành nhiều đợt, mỗi đợt đều tăng dưới 20%.

 

Hơn nữa, thông tư 104 chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có trên 50% vốn sở hữu Nhà nước. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sữa có 100% vốn nước ngoài đang chiếm thị phần lớn tại VN lại không phải là đối tượng điều chỉnh của thông tư 104. Vì vậy, ông Tuấn cho biết, “thông tư thay thế sẽ gỡ hàng rào này và không có sự phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nữa”.

 

Cũng theo ông Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá thì: “Sau khi thanh tra các đơn vị sữa vào tháng 12/2009, chúng tôi thấy có 2 yếu tố bất hợp lý là chi phí bán hàng quá lớn. Chi phí quảng cáo chiếm ước khoảng 30% so với doanh thu. Theo thuế thu nhập DN thì quảng cáo trên 10% là bất hợp lý. Cách tính giá sữa hình thành dựa trên hơn 10 yếu tố, và yếu tố quan trọng nhất là chi phí quảng cáo cao. Người Việt mình thấy cứ quảng cáo nhiều thì càng tiêu dùng nhiều và chi phí quảng cáo này được cộng vào giá.

 

Chúng tôi cũng đang đề nghị sửa quy chế tính giá, với DN mới thành lập  thì cho phép chi phí quảng cáo 10% – 15%, DN hoạt động trên 3 năm chi phí quảng cáo khống chế ở mức 10% thì hợp lý, nếu quá thì thì có thể phạt”.

 

Ông Tuấn chốt lại: “Chúng tôi đã lấy ý kiến các đơn vị ban ngành, địa phương và đang tổng hợp và sẽ cố gắng ban hành thông tư mới trong tháng 3 này”.

 

Theo VTC

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=360
Quay lên trên