Trồng tre Bát Độ lấy măng hiệu quả cao

Cập nhật: 26-07-2011 | 00:00:00

Năm 2005, một lần tình cờ xem trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai giới thiệu về mô hình trồng tre Bát Độ cho thu nhập cao, gia đình bà Lương Thị Lợt (phường Phú Mỹ, TX.Thủ Dầu Một) đã mạnh dạn đầu tư vào loại tre này và đã có hiệu quả ngoài mong đợi.

 Bà Lợt bên bụi tre Bát Độ

Đến vườn ươm Phú Thuận mua 80 bầu giống tre với giá ngày đó là 10.000 đồng/bầu về trồng trên diện tích 3.000m2. Đến nay, bình quân mỗi năm vườn tre Bát Độ cho gia đình bà thu nhập từ 80 đến 90 triệu đồng/năm. Bà Lợt cho biết: “Trồng tre Bát Độ lấy măng cho năng suất cao, chất lượng măng ngon, giá thành cao mà thời gian thu hoạch chỉ sau 12 tháng trồng và có quanh năm. Giá bán trung bình từ 15.000 đến 16.000 đồng/kg vào đầu vụ, còn đến cuối vụ thì giá chỉ còn từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Trung bình một lần bẻ thu hoạch được 50kg, lúc nhiều đến 70-80kg măng”.

Măng tre Bát Độ ăn có vị ngọt, giòn, không cần nấu kỹ như các loại măng khác lại dễ chế biến, có thể ăn tươi, làm măng chua... Vì vậy mà thương lái đến tận vườn măng nhà bà để thu mua. Không chỉ mua măng mà ngay cả lá tre cũng được thương lái thu mua luôn. Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi bà cho biết: “Ban đầu trồng tre thì phải đào lỗ sâu khoảng 6 tấc vuông, bón phân lót rồi đắp đất lại, tiếp theo mới đem cây giống trồng xuống. Mỗi bụi tre khoảng từ 3 đến 4 cây. Sau cuối mỗi vụ thu hoạch nên đốn cây già, chừa lại vài cây non làm giống. Khi để cây giống cao được 4m thì đốn ngọn. Ở phần thân từ gốc lên, khi cao chừng 2m thấy ra nhánh thì bứt hết đi để cho cây tre tập trung dồn sức ra măng. Lúc này ta cũng nên bón phân hữu cơ và phân urê để thúc cây ra măng và cho măng to. Măng ăn đến tháng 10 hoặc tháng 11 thì chặt bỏ cây già. Trung bình 1 gốc để khoảng 2 đến 3 cây măng giống. Cần chú trọng cây măng giống nên đưa ra ngoài bụi để cây phát triển tốt, nếu không măng ra không có độ ẩm và bị khô. Vào mùa nắng cần phải tưới nước để cây có sức ra măng. Cách tưới tốt nhất là nên đặt ống phun tự động để tưới nhỏ giọt, tưới ướt hết lá tre để cây tre thấm lâu”. Giải thích vì sao phải đốn bỏ ngọn tre, bà nói: “Lúc đầu gia đình tôi không có kinh nghiệm trồng tre lấy măng, vì vậy cứ để cho tre lên cây bự, ngọn vươn cao, khiến bụi tre nhiều cây mà ít măng. Sau đó, do một số cây tre mọc cao chạm đường dây điện nên nhà tôi đã chặt bỏ ngọn. Sau một thời gian thì thấy số cây tre bị đốn ngọn đã cho ra nhiều măng và cây măng mập hơn so với những cây tre không bị đốn ngọn. Thấy vậy, nhà tôi quyết định đốn hết ngọn cây tre và đã cho hiệu quả kinh tế như tôi đã nói”.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên