Trung, Nga sắp sửa 'so găng' với Mỹ

Cập nhật: 17-09-2011 | 00:00:00

20-9 sẽ là một ngày hệ trọng đối với người dân Palestine. Dù cho kết quả có thế nào đi chăng nữa thì Palestine cũng có thể cải thiện được vị trí của mình trong hệ thống các cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc.

Palestine muốn trở thành thành viên đầy đủ của Liên hiệp quốc và việc thừa nhận nhà nước Palestine theo đường biên giới phân định ngày 4-6-1967 trước cuộc chiến tranh 6 ngày, tức là cả khu vực Cisjordanie, dải Gaza và Đông Jerusalem.

Trong những ngày vừa qua, cỗ máy ngoại giao của cả Palestine và Israel đều hoạt động hết công suất để tiến hành các hoạt động thăm dò, lobby, tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh và các thành viên khác của Liên hiệp quốc. Trong khi Palestine quyết tâm gia nhập Liên hiệp quốc vào phiên họp tới đây của Đại hội đồngngày 20-9 thì Israel lại tìm mọi cách cản trở ý định này.

Tương quan trước giờ G

Cho đến nay, có thể nhìn trước được nước sẽ chống lại quyết định của Palestine, đó là Mỹ. Điều này được dự báo trước vì Mỹ là một đồng minh thân cận của Israel tại Trung Đông. Trong thời gian vừa qua, Mỹ cử hai đặc phái viên của mình là David Hale, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Trung Đông và Dennis Ross, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Obama tới gặp cả hai phía Palestine và Israel.

  Có một ghế tại Liên hiệp quốc là đòi hỏi chính đáng của Palestine.

Nhiệm vụ chính của họ là thuyết phục Palestine rút lại quyết định của mình và hai bên ngồi vào bàn đàm phán về tiến trình hòa bình. Ngoài ra, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng buổi điện đàm với Tổng thống Mahmoud Abbas về vấn đề nói trên. Tuy nhiên, có lẽ do không thuyết phục được phía Palestine nên Mỹ tiếp tục đe dọa sử dụng quyền phủ quyết nếu vấn đề được đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Về phía Israel, sau khi ngọt nhạt với Palestine nhưng không có kết quả chuyển sang đe dọa. Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon cho biết nếu Palestine nộp đơn xin gia nhập Liên hiệp quốc điều đó đồng nghĩa với việc mọi thỏa thuận hiện nay giữa hai bên sẽ không còn hiệu lực. “Israel sẽ từ bỏ các cam kết và phía Palestine sẽ phải lĩnh hậu quả”, ông Ayalon cho biết.

Ở một thái cực khác, Palestine giành được sự ủng hộ của nhiều nước thuộc Phong trào Không liên kết, các nước đang phát triển và cả Liên minh Arab.

Trung Quốc cũng ra tuyên bố ủng hộ ý định của Palestine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nêu rõ: “Một nhà nước độc lập là quyền hợp pháp và không thể chối bỏ của nhân dân Palestine, cũng như là nền tảng và điều kiện tiên quyết cho việc cùng tồn tại hòa bình giữa Israel và Palestine. Chúng tôi thấu hiểu, tôn trọng và ủng hộ kế hoạch của Palestine đưa vấn đề trên lên Liên hiệp quốc”.

Nga cũng ra tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của Palestine. Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc, Vitali Tchourkine cho biết: “Chúng tôi sẽ bỏ phiếu thuận cho Palestine … dù Palestine quyết định như thế nào thì chúng tôi cũng ủng hộ”.

Về phía Liên minh châu Âu, tình hình có vẻ phức tạp hơn vì các thành viên không thể đi đến một quan điểm chung trong vấn đề này. Sẽ có nước ủng hộ và nước chống lại việc Palestine gia nhập Liên hiệp quốc. Trong cuộc họp hai ngày vào đầu tháng 9, các ngoại trưởng các nước EU không đưa ra được một quan điểm chung.

Về phía Pháp, đến thời điểm này cũng vẫn rất do dự, chưa đưa ra quan điểm của mình. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé nói lấp lửng: "Tùy theo diễn biến tình hình mà chúng tôi sẽ bày tỏ quan điểm của mình”.

Có thể thấy rằng, chính sách “thân Arab” do cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac chấm dứt khi Tổng thống Nicolas Sarkozy lên nắm quyền. Ông Sarkozy dường như muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và Israel. Tuy nhiên, ông cũng đã từng chỉ trích Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do thái. Vì vậy, đến giờ quan điểm của Pháp vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, nhiều khả năng Pháp sẽ kêu gọi các bên tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán lộ trình hòa bình.

Đâu sẽ là giải pháp tối ưu cho Palestine?

Cho đến nay, phía Palestine chưa nói rõ họ sẽ đi theo con đường nào. Để đưa vấn đề của Palestine ra Liên hiệp quốc có hai cách: một là đưa ra Hội đồng Bảo an, khi đó nếu được thông qua Palestine sẽ trở thành thành viên đầy đủ của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, giải pháp này gần như chắc chắn sẽ vấp phải quyền phủ quyết của Mỹ. Cho nên có lẽ đây là giải pháp Palestine không nên lựa chọn.

Giải pháp thứ 2 là Palestine sẽ đưa vấn đề ra Đại hội đồng. Cách thức bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ đơn giản hơn, chỉ với đa số phiếu Palestine cũng sẽ có thể trở thành một nước quan sát viên không phải thành viên Liên hiệp quốc. Theo đánh giá của người phụ trách đàm phán của Palestine ông Saeb Erakat, Palestine hy vọng có thể giành được sự ủng hộ của 150 thành viên trên tổng số 193 thành viên của Liên hiệp quốc.

Quy chế nước quan sát viên không phải thành viên Liên hiệp quốc sẽ cho phép Palestine trở thành thành viên của các tổ chức như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Tổ chức Nông lương  Liên hiệp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc (UNICEF)… Giải pháp này là rất khả thi và có lợi cho Palestine nhất. Theo đó, Palestine sẽ có nhiều cơ hội tìm được chỗ đứng của mình trong các tổ chức chuyên môn của Liên hiệp quốc.

Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên