Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng

Cập nhật: 22-02-2011 | 00:00:00

Cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh sau khi Bộ trưởng Đường sắt nước này bị cách chức do các nghi ngờ tham nhũng. Ông Lưu Trí Quân, 58 tuổi, phải rời chức vụ vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”, theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc. Đây là quan chức cấp cao mới nhất bị cách chức trong vòng chưa đầy một năm qua.

 

Ngành đường sắt là con cưng

 

Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng số tiền nhận hối lộ của nhà họ Lưu có thể lên đến hàng triệu NDT. Nếu bị xét xử, ông Lưu có thể lãnh án tù nặng. Chính phủ Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Thạnh Quang Tổ, 62 tuổi, thay thế chức vụ của ông Lưu. Việc nhanh chóng bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan đường sắt Trung Quốc cho thấy nước này không muốn làm ảnh hưởng đến một trong những ngành quan trọng nhất của Trung Quốc.

 

 Một chuyến tàu cao tốc tại Thượng Hải

Những năm qua, Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới về chiều dài đường sắt cao tốc, trong đó có các tuyến như Bắc Kinh - Thượng Hải - Thành Đô… Bộ Đường sắt Trung Quốc trở thành “siêu bộ” do được đầu tư ồ ạt với số nhân viên lên đến 2,5 triệu người. Dự kiến, trong năm 2011, theo tờ Telegraph, Trung Quốc sẽ có 42 tuyến đường sắt cao tốc với hơn 8,5 triệu km, có tốc độ trên 370 km/giờ, tổng số tiền đầu tư là 700 tỷ NDT (106 tỷ USD), tương đương với năm 2010.

 

Đến năm 2015, tổng số tiền đầu tư vào ngành này sẽ lên đến 3,5 ngàn tỷ NDT để phục vụ lượng hành khách lên trên 300 triệu người. Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Hàng Châu đã đi vào hoạt động từ tháng 10-2010 với chiều dài 170km chỉ mất 27 phút cũng rất đáng chú ý. Còn mất 3 giờ khi đi tàu cao tốc tuyến Quảng Châu - Vũ Hán dài 1.068km, tốc độ thuộc hàng “top” thế giới với 356km/giờ. Ngoài ra, Bộ Đường sắt Trung Quốc cũng được phép quản lý tất cả nhà ga cũng là số tài sản kếch xù.

 

Nhận được nhiều khoản đầu tư như vậy nhưng xem ra các tuyến đường sắt cao tốc chưa phục vụ hiệu quả người dân do giá vé quá cao. Tình trạng mua một vé cũng khó khăn, nhất là vào mùa cao điểm như dịp lễ, tết. Tết Tân Mão vừa qua, hàng trăm triệu người lao động Trung Quốc chen nhau mua vé tàu về quê, nhưng đa số họ phải mua vé chợ đen với giá cắt cổ. Bên cạnh đó còn nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Chỉ riêng việc bán vé tàu trong mỗi dịp cao điểm, nhiều quan chức Trung Quốc bị cáo buộc móc nối với con buôn để tuồn vé ra chợ đen. Ngoài ra, theo tờ The Global Times, ông Lưu còn liên quan đến vụ cung cấp thiết bị cho ngành đường sắt Trung Quốc. Liên quan đến vụ này, các nhà điều tra đã bắt giữ doanh nhân Đinh Thư Mạc. Ông này bị cáo buộc làm giàu nhờ cung cấp thiết bị cho ngành đường sắt Trung Quốc. Theo ông Uông Sư Khải, một chuyên gia chống tham nhũng của Học viện Quản lý Trung Quốc, vụ án Lưu Trí Quân giúp làm trong sạch và đẩy mạnh cải cách hệ thống đường sắt Trung Quốc.

 

Bản thân Lưu Trí Quân, ông này nhậm chức từ năm 2003, được xem là “Lưu đại nhảy vọt” với lòng tin rằng ngành đường sắt Trung Quốc chẳng bao lâu sẽ vượt ngành đường sắt của Nhật Bản. Em trai ông là Lưu Trí Tường, nguyên Phó trưởng ngành đường sắt Vũ Hán, bị kết án tử hình năm 2006 do tham ô công quỹ hơn 40 triệu nhân dân tệ (114,4 tỷ đồng VN) và thuê sát thủ giết người. Sau vụ này, Bộ trưởng Lưu Trí Quân vẫn bình an vô sự.

 

Lấy lại niềm tin của nhân dân

 

Cho tới nay, quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị kỷ luật là cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ. Ông này bị cách chức năm 2006 và lãnh án 18 năm tù vào năm 2008 vì biển thủ quỹ lương hưu của Thượng Hải.

 

Cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc trong năm 2010 đã có vài dấu hiệu tích cực. Nước này đã bổ sung, sửa đổi một số điều lệ Đảng, theo đó nâng thêm nhiều tiêu chuẩn đối với đảng viên để ngăn chặn tham nhũng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng cho rằng Trung Quốc đang dốc toàn lực trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ông Hồ Cẩm Đào cam kết chính phủ sẽ tăng cường công tác chống tham nhũng, thừa nhận đây là một vấn đề “nghiêm trọng” ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng, ông nói rằng cần phải chống tham nhũng một cách nghiêm túc và phạt thật nặng các quan chức tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng nói rằng, những vấn đề nhân dân kêu ca nhiều nhất phải được giải quyết để đảm bảo ổn định xã hội. Năm 2010, đã có tổng cộng gần 150.000 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng và lạm quyền.

 

Trung tuần tháng 2-2011, Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc đã khuyến khích nhân dân vạch trần các quan chức tòa án tiêu cực thông qua trang web của tòa án. Tiếp sau đó, tất cả các tòa án cấp tỉnh của nước này cũng làm theo.

 

Cuối năm 2010, Trung Quốc đã bày tỏ quyết tâm tăng cường cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng khi lần đầu tiên tiến hành công bố Sách trắng về những nỗ lực chống tham nhũng của nước này. Báo cáo nêu rõ: Những cố gắng của Trung Quốc để chống lại nạn tham nhũng và thiết lập một chính phủ trong sạch đã “thu được nhiều thành quả”. Sách trắng này cho rằng, do các cơ chế và hệ thống liên quan vẫn chưa hoàn thiện, tình trạng tham nhũng vẫn tiếp diễn, một số trường hợp liên quan đến số tiền rất lớn. Báo cáo cũng đưa ra các vấn đề chính yếu, các cơ chế làm việc và khung pháp lý đối với hệ thống chống tham nhũng tại Trung Quốc, đồng thời nêu rõ các tiến bộ đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng tại Trung Quốc và trên trường quốc tế.

 

Ủy ban Giám sát kỷ luật Đảng đã đưa vào sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) được thành lập ở tỉnh Chiết Giang để giám sát việc sử dụng xe công cho mục đích cá nhân ở 75 cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Ủy ban này ra đời sau khi có nhiều phàn nàn rằng, quan chức dùng xe công vào những lý do không chính đáng, nhất là trong dịp tết vừa qua. Hệ thống chuông cảnh báo tại trung tâm giám sát sẽ reo lên nếu xe đi quá tốc độ hoặc vi phạm luật giao thông rồi lưu vào hồ sơ. Những chiếc xe này đi tới đâu cũng bị giám sát. Những công chức có vợ đang cư trú ở nước ngoài sẽ bị giám sát chặt hơn vì có khuynh hướng tham nhũng nhiều hơn. Theo đó, một chiến dịch nhằm “giám sát và chỉnh đốn tư cách của công chức” sẽ nhắm vào quan chức này vì đối tượng này dễ chuyển tiền cho vợ con ở nước ngoài mà chính quyền địa phương khó kiểm soát.

 

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên